BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang thông qua 17 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 7, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh yêu cầu các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nói đi đôi với làm, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và có các giải pháp sát, đúng, quyết liệt trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

 Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì Hội nghị (Ảnh: Tuấn Duy)

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì Hội nghị (Ảnh: Tuấn Duy)

Ngày 26/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ 7, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV, tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện các ban xây dựng Đảng Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện các sở, ngành, hội đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện/thành phố trên địa bàn.

Chủ động, đoàn kết, thống nhất thực hiện "mục tiêu kép"

Năm 2021, BTV Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt, tập trung quán triệt, tuyên truyền gắn với chủ động, tích cực xây dựng và ban hành triển khai 12 nghị quyết chuyên đề, 9 chương trình, 3 đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và “3 khâu đột phá”, “5 nhiệm vụ trọng tâm” Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,96%; chỉ đạo hiệu quả, kịp thời, đồng bộ, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy (Ảnh: Tuấn Duy)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang ước đạt 5,5 - 6%; hoàn thành đạt và vượt 23/32 chỉ tiêu kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.700 tỷ đồng, vượt 44,6% kế hoạch Trung ương giao. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 177 nghìn ha, tăng 1.218ha; tổng sản lượng lượng thực đạt trên 42,1 vạn tấn; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 7.288 tỷ đồng, tăng 17,18%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 12.000 tỷ, tăng 3,9%. Hoàn thành hỗ trợ làm nhà ở cho gần 1.800 hộ theo Quyết định 1953, lũy kế toàn tỉnh có 5.121 hộ đã hoàn thành. Cải tạo được 2.616 vườn tạp, tổng diện tích gần 2,9 triệu m2. Các nhiệm vụ, chương trình, đề án lớn, trọng tâm như phát triển bền vững cây cam Sành, chuyển đổi số, thực hiện lập quy hoạch tỉnh, xúc tiến đầu tư hạ tầng giao thông, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân được quan tâm, triển khai tích cực. Quốc phòng - an ninh được củng cố, công tác đối ngoại được tăng cường, đảm bảo giữ vững đường biên, mốc giới…

Cùng với những kết quả đạt được, trong công tác lãnh chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Hà Giang cũng gặp phải nhiều khó khăn, thử thách khi còn 9/32 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Các dự án khởi công mới thủ tục đầu tư kéo dài. Toàn tỉnh có 183 doanh nghiệp, HTX phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn không đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, dịch tả lợn Châu Phi tái phát và chưa được kiểm soát hoàn toàn. Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao phải hoãn, hủy. Tình trạng lao động trở về địa phương quá lớn dẫn đến thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chưa thực chất, toàn diện; thứ hạng chỉ số PCI chưa được cải thiện, vẫn nằm trong nhóm cuối của cả nước. Các vụ vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng xảy ra ở một số địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng năm 2022 (Ảnh: Tuấn Duy)

Biểu quyết thông qua 17 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022

Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Trên tinh thần nhìn thẳng sự thật những vấn đề hạn chế, yếu kém, các đại biểu phân tích khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; chỉ ra nguyên nhân các kết quả đạt được để tiếp tục phát huy; dự báo tình hình và đề xuất thống nhất nhiều các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 trọng tâm vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới, chuyển đổi số; cải tạo vườn tạp, phát triển nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa; thực hiện quy hoạch tỉnh, phát triển đô thị…

Các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua 17 chỉ tiêu chủ yếu tập trung thực hiện trong năm 2022, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 7,5%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.800 tỷ đồng; thu hút khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt lượt. Trong năm toàn tỉnh sẽ tăng thêm 34 tiêu chí trong xây dựng NTM.

Cùng với đó, cho ý kiến vào các tờ trình, dự thảo, nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về: Đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021-2025; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; quy trình tiếp nhận giải quyết khiếu nại, kỷ luật của Đảng; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022… Các đại biểu đánh giá những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc chủ động làm việc với Bộ, ngành Trung ương và các địa phương về liên kết vùng, triển khai đường cao tốc nối Hà Giang, Tuyên Quang với Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đồng thời đề nghị tỉnh cần tiếp tục lồng ghép nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho các xã, thị trấn. Quan tâm đào tạo, quy hoạch cán bộ là người địa phương.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trình bày dự thảo Nghị quyết các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 (Ảnh: Tuấn Duy)

Chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh biểu dương, đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị đã phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả; thực hiện hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Đồng chí khẳng định những kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm qua cho thấy sự mạnh dạn, quyết liệt, kịp thời trong công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh và sự đồng thuận của nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ, phân tích những hạn chế chưa được khắc phục.

Nhấn mạnh các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong năm 2022 thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung, chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy nhanh thực hiện các chương trình, nghị quyết triển khai “3 đột phá”, “5 nhiệm vụ trọng tâm” của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Quan tâm chăm lo, tạo sinh kế cho nhân dân, hướng về nhân dân, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Xử lý kịp thời tồn đọng, đơn thư của nhân dân. Đảm bảo an toàn tuyệt đối khi cho học sinh trở lại trường học.

"Mỗi huyện, xã cần xây dựng kế hoạch, phương án bài bản ứng phó với dịch bệnh, có kiểm tra giám sát; nắm chắc cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín. Quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, triển khai hiệu quả xây dựng Nông thôn mới. Siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm. Tiếp tục đấu tranh, giữ vững đường biên, mốc giới…" - đồng chí Đặng Quốc Khánh nêu rõ.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Duy)

Đối với dự thảo các nghị quyết trình tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu các đồng chí Tỉnh ủy viên tiếp tục góp ý hoàn thiện. Riêng nghị quyết về phát triển hạ tầng giao thông, cần tập trung vào đầu tư trọng tâm, trọng điểm đảm bảo bền vững, chất lượng, có tầm nhìn; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn.

Về dự thảo Nghị quyết nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cần tập trung quan tâm đào tạo, phát hiện cán bộ có năng lực, được đào tạo bài bản; chú trọng bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh cũng yêu cầu các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và có các giải pháp sát, đúng, quyết liệt lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.

Nhóm PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ha-giang-doi-moi-phat-trien/tin-tuc/bch-dang-bo-tinh-ha-giang-thong-qua-17-chi-tieu-chu-yeu-nam-2022-598253.html