BBC: Phương Tây là 'kẻ tội đồ' trong xung đột với Nga

“Quan hệ Nga - Mỹ bị hủy hoại khi phương Tây không coi Nga là quốc gia có vị thế tương đồng. Thay vì được tôn trọng, Nga lại bị coi là đối tượng chính không nên tin tưởng của phương Tây...”

Quan hệ giữa Nga với phương Tây đang ở mức độ xấu nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. Các bên đang cáo buộc lẫn nhau trong cuộc khủng hoảng Syria nhưng tất cả các bên đều hiểu rằng chính họ đang đóng vai trò then chốt trong giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama

Nhận định trên do chuyên gia phân tích của hãng tin BBC Jonathan Markus đưa ra. Theo Jonathan Markus, cuộc xung đột hiện nay ở Syria không đem lại bất cứ lợi ích nào cho cả Nga và Mỹ. Nếu không có sự tin tưởng cơ bản với nhau thì quan hệ Nga-Mỹ sẽ vẫn ở mức độ như hiện nay cho dù việc kết thúc chiến tranh lạnh dường như đã đem lại “kỷ nguyên mới” cho quan hệ Nga-Mỹ.

Cho dù Nga trong một thời gian nhất định dường như đã bị loại khỏi vũ đài quốc tế nhưng hiện nay, Nga đã trở lại một cách mạnh mẽ, củng cố được vị thế của mình ở các khu vực được coi là “sân nhà” và hiện đang hướng đến việc lấy lại vị thế, ảnh hưởng trước kia của mình trên trường quốc tế.

Khi được hỏi về việc tại sao quan hệ Nga-Mỹ sau chiến tranh lạnh lại không diễn ra như mong muốn và ai là bên có lỗi nhiều hơn - Mỹ cùng với những tham vọng của mình hay là Nga với “tham vọng khôi phục ảnh hưởng thời Liên Xô”, Jonathan Markus trả lời rằng rất khó để đưa ra câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng cho vấn đề này.

“Quan hệ Nga-Mỹ bị hủy hoại khi phương Tây không coi Nga là quốc gia có vị thế tương đồng. Thay vì được tôn trọng, Nga lại bị coi là đối tượng chính không nên tin tưởng của phương Tây”- BBC trích dẫn lời phân tích của nhà phân tích chính trị, đồng thời là cựu binh CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) Paul Pillar.

Ngoài ra, NATO luôn công khai ý định mở rộng sang phía Đông, trước hết là kết nạp các quốc gia như Ba Lan, Cộng hòa Czech và sau đó là các quốc gia Baltic, có nghĩa là vào phần lãnh thổ của Liên Xô cũ. Do đó, không hề ngạc nhiên khi Moscow sẵn sàng ngăn cản việc NATO kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên. Rõ ràng, Nga luôn cảm thấy phương Tây không đối xử một cách công bằng với mình.

Theo BBC, quan điểm của Paul Pillar không phải là quan điểm phổ biến ở phương Tây hiện nay. Ngoài ra, Paul Pillar còn không giải quyết được câu hỏi đang thu hút sự chú ý: phương Tây đã sai lầm ngay từ đầu trong quan hệ với Nga hay là do thái độ quyết liệt của Nga trong giải quyết tình hình Gruzia, Ukraine và Syria.

Trong bối cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay, theo BBC, điều cần thiết là phải nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong quan hệ Nga-Mỹ.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Anh John Soiers cho rằng trong nhiệm kỳ sắp tới, Tổng thống Mỹ cần phải nhận trách nhiệm làm thay đổi mối quan hệ với Nga. Theo John Soiers, phương Tây sẽ không tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hay làm nguội lạnh mối quan hệ với Nga”.

Mỹ và Nga cần phải hiểu nhau để cùng nhau “đảm bảo sự ổn định quốc tế”. Thời trật tự thế giới đơn cực theo chỉ đạo của Mỹ “sẽ tồn tại không lâu và đã đến thời điểm kết thúc”- John Soiers nhận định.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bbc-phuong-tay-la-ke-toi-do-trong-xung-dot-voi-nga-post211724.info