Bayern và chức vô địch Champions League lịch sử

Với những ngôi sao biết tỏa sáng đúng lúc dù ở hàng thủ hay công, Bayern Munich đã vô địch Champions League và lập cú ăn 3 lần thứ hai trong lịch sử.

Lisbon đã có đêm tuyệt vời nhất, cho dù dịch Covid-19 đã tước đi vẻ đẹp từ những khán đài. Đêm chung kết Champions League như đêm “pháo hoa” thực sự khi hai đội “bắn nhau đùng đoàng” bằng những cú dứt điểm nghẹt thở.

Và đội chơi hay, tận dụng cơ hội tốt hơn đã chiến thắng. HLV Hansi Flick và Bayern Munich đã khép lại mùa giải với rất nhiều điều đáng suy ngẫm về Champions League nói riêng và bóng đá nói chung.

Champions League vẫn là ám ảnh lớn

“Không thể nguôi ngoai” là tiêu đề mà tờ L’Equipe giật ra trang nhất ngay hôm sau trận chung kết. Và bức ảnh Neymar bước ngang qua cúp bạc UEFA, chạm tay vào nó trong khi trên cổ anh là chiếc huy chương về nhì được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Chừng đó đủ để thấy đúng là không thể nguôi ngoai nỗi buồn. Về nhì luôn là khái niệm thất bại trong bóng đá. PSG thất bại.

Kể từ khi bắt đầu mua lại số lớn cổ phần của PSG vào tháng 6/2011 và sau đó là mua toàn bộ phần còn lại vào tháng 3/2012, Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) đã rót khoảng 2 tỷ euro vào đội bóng. Mục đích của họ là Champions League. Đó mới là con đường phát triển thương hiệu và xây dựng hệ thống người hâm mộ toàn cầu. 9 năm trôi qua, đây là lần đầu tiên PSG vào chung kết và thất bại. Điều đó cho thấy thực sự để đoạt cúp Champions League là khó đến nhường nào.

Chủ tịch của PSG, Al-Khelaifi, tuyên bố “Chúng tôi có thể giành được Champions League” ngay sau thất bại ở Lisbon. Nhìn vẻ mặt lạnh tanh của ông khi lên bục nhận huy chương bạc, chúng ta có thể tin vào lời thề ấy. Nó là sự cay cú, không thể nguôi ngoai với ám ảnh thất bại. Người hâm mộ PSG hiểu QIA sẽ đi tới cùng để đưa đội bóng lên đỉnh sau khi đã kết hợp thương hiệu CLB với 1 loạt thương hiệu xa xỉ như St. Dupont, Louis Vuitton.

Tuy nhiên, có một điều Al-Khelaifi không bao giờ dám tuyên bố về chức vô địch Champions League. Đó là “Khi nào?”. Dù thâm tâm, Al-Khelaifi muốn nó ngay vào năm 2021, nhưng ông biết chắc, bằng kinh nghiệm của mình, không thể cụ thể hóa một thời hạn cho giấc mơ Champions League. Người “họ hàng” của Al-Khelaifi, Sheikh Mansour ở Abu Dhabi, đã mua lại Man City từ 2008, rót nhiều tiền hơn PSG cho CLB nhưng vẫn chưa bao giờ biết đến chung kết Champions League.

12 năm của Man City và 9 năm của PSG có thể khiến những người yêu bóng đá “cổ truyền” mang ra làm trò giễu nhại theo kiểu “xem cái cách mang tiền ra làm bóng đá kìa” nhưng hãy nhìn vào các CLB có truyền thống và lịch sử ở Champions League đã phải chờ đợi như thế nào. Với Bayern Munich, tân vương của châu Âu, họ phải đợi 7 năm mới quay lại được với vị trí đỉnh cao mơ ước này.

 Bayern cũng cần 7 năm để trở lại ngôi vương châu Âu. Ảnh: Reuters.

Bayern cũng cần 7 năm để trở lại ngôi vương châu Âu. Ảnh: Reuters.

Bảy năm ấy của Bayern Munich là gì? Cũng là tiền, dù cách chi của Bayern Munich khác hẳn cách chi của nhóm bóng đá có tài phiệt chống lưng. Tuy nhiên, Bayern cũng gom các cầu thủ tốt nhất của đối thủ (một cách làm suy yếu gián tiếp), từ Lewandowski cho tới Neuer, từ Coman cho tới Thiago. Và song song đó, họ cũng sử dụng HLV được coi là tài năng nhất của giai đoạn đầu thế kỷ XXI là Pep Guardiola. Và kết cục của những đầu tư dài hạn ấy là gì?

Sau Pep Guardiola, phải đến đời HLV thứ tư là Hansi Flick, họ mới thành công. Còn Lewandowski, sau 6 năm chuyển từ Dortmund sang Bayern, anh mới có thể nâng chiếc cúp danh giá mà hồi năm 2013 chính anh đã thất bại trong màu áo Dortmund ở trận chung kết trước chính Bayern. Bây giờ, Lewandowski đã 32 tuổi. Coi như chức vô địch này đủ để thỏa mãn sự nghiệp của anh.

Năm ngoái, Liverpool lên ngôi ở lần thứ hai liên tiếp vào chung kết Champions League dưới tài huấn luyện của Juergen Klopp. Thời gian để đợi của Liverpool là 14 năm. Còn Barca thì sao? Barca vĩ đại với ngôi sao số một thời đại là Messi cũng đã lên ngôi cách đây 4 năm. Bây giờ họ tái thiết với Koeman và chắc chắn, thời gian để đợi của họ ít nhất cũng phải thêm một năm nữa, quãng thời gian đủ để dùng hai chữ “thần kỳ”.

Chỉ có Real là ngoại lệ nhưng khi không còn Ronaldo, họ cũng không thể vào tới chung kết. Và ngay cả hiện tượng ngoại lệ Real Madrid cũng phải đợi cực lâu cho các chu kỳ thành công. Để lên ngôi lần thứ 10, họ phải đợi 12 năm. Còn khoảng cách giữa chu kỳ vô địch lần đầu với chu kỳ lần 2 của Real cũng là 32 năm, từ 1966 cho tới 1998.

9 năm của PSG hay 12 năm của Man City chẳng là gì. Ngay cả một đội đại gia như Chelsea cũng phải mất 9 năm kể từ khi Abramovich mua lại CLB mới có chức vô địch Champions League. Và bây giờ, sau chức vô địch kia đã 8 năm, Chelsea vẫn còn vô cùng mơ hồ ở đấu trường sinh tử này.

Vô địch Champions League vĩnh viễn là không dễ dàng. Tuy nhiên, thất bại ở đó thì người ta lại dễ nhớ và nhớ rất lâu.

HLV Flick có công lớn đem về cú ăn 3 của Bayern mùa này. Ảnh: Reuters.

Triết lý Đức đang tạo điểm nhấn ở châu Âu

Có một cụm từ thời thượng (mà thực ra là thiếu chuẩn xác) được nhiều người dùng mấy năm gần đây là “Pressing tầm cao” và cái thứ pressing ấy đang thống trị bóng đá châu Âu hiện tại.

Thực tế, Ultra pressing, Offensive pressing (presing cực đoan và pressing từ tuyến tấn công) mới là thuật ngữ chuẩn xác nhất để miêu tả cách chơi pressing này, kể cả là thứ bóng đá của Klopp vốn được gọi hoa mỹ là gegenpressing. Và triết lý này lại đang được phát huy theo ý niệm Đức, với dấu ấn của nhiều HLV người Đức.

Lịch sử của Pressing thì không cần nhắc lại, với nhiều giả thuyết về cha đẻ của nó, từ Maslov cho tới Happel. Tuy vậy, với pressing ngay từ tuyến tấn công, thì câu chuyện lại khác. Nó dường như không bắt đầu từ bóng đá mà được dân bóng đá học từ hockey trên băng, và từ Canada. Người khởi xướng được cho là Thomas Patrick Gorman, một HLV hockey trên băng vốn dĩ chuyển từ nghề phóng viên thể thao sang, đã phát triển từ thập niên 30 của thế kỷ trước.

Ý niệm của Thomas Gorman đã được HLV huyền thoại Rinus Michels của Hà Lan phát triển thành thứ bóng đá mà sau này người ta gọi là “total football”, cái khái niệm ngay cả Michels cũng không thích. Tuy nhiên, từ Michels, rồi tới Johan Cruyff, pressing ngay trên phần sân đối phương đã được xây dựng và hoàn thiện dần dần, mà đỉnh cao của trường phái Hà Lan này chính là những gì Pep Guardiola đã làm ở Barca thời kỳ vàng son của mình.

Song, kể từ khi Pep Guardiola thực hành thứ bóng đá đỉnh cao ấy tới nay, mọi thứ đã phát triển và biến thiên rất nhiều. Thế giới công nghệ hiện đại đã khiến các HLV xích lại gần nhau hơn, học từ nhau và phát kiến thêm cho riêng mình. Trong công cuộc phát kiến ấy, các HLV người Đức dường như đang là những người tiên phong nhất.

Chúng ta hãy nhìn lại thành công của Liverpool với Klopp và soi chiếu tới trận chung kết ở Lisbon vừa rồi, cũng giữa hai HLV người Đức. Mở rộng thêm ra cả các đội vào tứ kết Champions League năm nay, chúng ta sẽ nhận thấy số lượng đội bóng chọn thứ pressing từ tuyến tấn công chiếm đa số. Dù vậy, thứ pressing ấy có điểm khá khác biệt so với trường phái Hà Lan - Barca mà Pep là điển hình. Đó chính là lối triển khai bóng trực diện, tiết kiệm bớt thời gian dàn xếp nhằm kéo giãn tuyến phòng ngự của đối thủ.

Nếu Pep Guardiola trung thành với việc sau khi pressing thành công, bóng sẽ được luân chuyển nhiều ở một phía rồi bất ngờ chuyển sang phía đối diện để xô lệch hàng thủ đối phương, thì lối chơi của các HLV người Đức lại ưa chuộng những đường chuyền nhanh, trực diện, chuyền xuyên tuyến để khai thác yếu tố bất ngờ. Cách chơi này có thể mạo hiểm hơn vì dễ mất bóng, nhưng lại tỏ ra hiệu quả bởi chính tốc độ vận động quá nhanh sẽ khiến đối phương dễ lúng túng hơn rất nhiều.

Có thể nói, thuộc tính cơ bản mà bóng đá Đức hiện đại giới thiệu tới thế giới chính là tính chớp nhoáng này. Thứ bóng đá chớp nhoáng ấy khiến người xem có cảm giác nó không ngừng nghỉ, đối thủ dường như nghẹt thở và sức dồn dập của các đợt lên bóng có thể tạo ra cơ hội bất kỳ lúc nào. Và khi Hansi Flick cùng Tuchel đều giới thiệu thứ bóng đá ấy, trận chung kết ở Lisbon đã diễn ra rất khác.

Lối đá tương đồng của 2 đội khiến trận đấu như trôi đi nhanh hơn. Ảnh: Reuters.

Không ai có thể tưởng tượng 95 phút chung kết Champions League trôi qua nhanh đến mức như vậy. Và trong sự dồn dập của cả hai bên, cơ hội được tạo ra rất nhiều. Trong bối cảnh ấy, đội nào tận dụng được cơ hội, đội đó chiến thắng. Và cũng chính cái lối chơi chớp nhoáng này đã khiến các chân sút mất đi sự chuẩn xác. Đơn giản, họ không có thời gian để chỉnh thước ngắm như khi được chơi ở hệ thống khác.

Đó là lý do chúng ta thấy tại sao Neymar sút trượt, Mbappe sút trượt, Di Maria sút trượt, Lewandowski cũng sút trượt nhiều như nhau. Giả sử, đội tận dụng cơ hội tốt hơn và chiến thắng là PSG, chắc chắn người ta sẽ quay lại mổ xẻ các pha dứt điểm hỏng ăn của các ngôi sao Bayern không khác gì đang chê bai các ngôi sao PSG như lúc này. Và cái tốc độ ấy cũng lý giải vì sao trận chung kết chỉ có một bàn thắng duy nhất khi cơ hội lại quá nhiều.

Thứ bóng đá Đức này sẽ còn tiếp tục thịnh hành nữa, bởi nền tảng thể lực của cầu thủ hiện đại đã được cải thiện rất nhiều, nhờ vào khoa học nói chung và khoa học thể thao nói riêng, để các cầu thủ có thể đáp ứng đòi hỏi về tính liên tục của việc tham gia vào trận thế. Còn nó sẽ thịnh hành bao lâu thì câu hỏi này chẳng khác gì câu hỏi dành cho Al-Khelaifi hay bất kỳ ông chủ nào rằng “bao giờ thì CLB của ông vô địch Champions League?”.

Và câu chuyện cá nhân trong tập thể

Thất bại của PSG được lý giải khá nhiều cách, nhưng có một cách phổ biến là “sự ích kỷ và trẻ con của Neymar”. Tương tự, người ta lý giải về chiến thắng của Bayern là dựa trên lối chơi tập thể, không dựa vào ngôi sao. Những lý giải này nghe có vẻ có lý, nhưng thực ra có phải tất cả đều do nguyên nhân như thế hay không?

Neymar từ giã nhiệm vụ tấn công đơn thuần mà người ta từng quen với anh ở Barca, Selecao và PSG thời gian đầu để lui về chơi như tiền vệ sáng tạo nhiều hơn. Không may cho anh, Hansi Flick bắt bài Tuchel quá tốt, và Neymar là cầu thủ bị phong tỏa gắt gao nhất bên phía PSG.

Cùng với lối pressing hiệu quả hơn, Bayern đã khiến việc triển khai bóng của PSG trở nên quá khó khăn. Neymar thường phải nhận bóng ở tư thế khó và luôn bị ít nhất là 2 cầu thủ Bayern áp sát. Nói thẳng, Bayern vô hiệu hóa Neymar thành công và khiến cá nhân nổi bật của tập thể PSG trở nên vô hình.

Trong khi đó, ở phía Bayern Munich, có phải là họ chỉ dựa vào tập thể mà không cần một cá nhân nổi trội hay không? Nếu khẳng định Bayern Munich không dựa vào cá nhân nổi trội, điều đó sai bét. Phải nhìn nhận thẳng vào vai trò của Neuer và ghi nhận đó chính là cá nhân nổi trội trong tập thể Bayern. Không có Neuer, kết cục trận cầu có thể khác rất nhiều khi PSG mới là đội có bàn mở tỷ số trước.

Neymar bị vô hiệu hóa khiến PSG bế tắc. Ảnh: Reuters.

Vai trò của Thiago cũng lớn khi anh là ông chủ tuyến giữa của trận chung kết. Dấu ấn của Thiago là không thể nào phủ nhận nhưng khốn nỗi, đa số người hâm mộ xem bóng đá chỉ nhớ tới người ghi bàn, hoặc cùng lắm là thêm người kiến tạo. Danh hiệu “cầu thủ xuất sắc trận” cho Thiago không hẳn là một phần thưởng đơn thuần. Nó là ghi nhận, từ cả những dữ liệu được phân tích cho tới những đánh giá bằng mắt nhìn của giới chuyên gia. Nó chuẩn xác vô cùng.

Bayern sẽ tồn tại thế nào trong trận chung kết nếu họ không có Thiago? Hoặc đơn giản, hãy trả lời câu hỏi này “Nếu ông Hansi Flick thay Thiago ra khỏi sân từ phút 68 chứ không phải phút 86 thì sao?”. Cái giả thuyết này nếu có, khả năng Bayern Munich phải gánh cái tát “thua ngược dòng” như năm 1999 là không nhỏ.

Tuy nhiên, Hansi Flick phải đợi đến những phút cuối mới thay Thiago, như cách để làm giảm nhiệt của đối thủ ở những phút càng lúc càng tuyệt vọng. Điều đó chứng tỏ ông đề cao vai trò và tầm ảnh hưởng của Thiago ra sao. Và khi HLV coi trọng một cầu thủ như vậy, chắc chắn chuyện cái tôi cá nhân nổi trội trong tập thể là có. Chỉ có điều, Thiago không phải là cầu thủ nổi tiếng trên truyền thông kiểu như Neymar, Mbappe hay Lewandowski.

Cái tôi cá nhân trong tập thể vẫn là thứ bóng đá rất cần. Thiếu vắng nó, bóng đá nói riêng và các môn thể thao tập thể nói chung sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa. Ngay cả cái game trên máy tính mô phỏng môn thể thao tập thể, với nhân vật được điều chỉnh bởi AI đi nữa, vai trò của nhân vật nổi trội trong tập thể vẫn tồn tại. Vậy thì khó có thể nào bài bác cái tôi cá nhân và nghĩ rằng chỉ cần tập thể là làm được tuốt.

Tất nhiên, đội bóng (team) khác với nhóm cầu thủ (group). Dù vậy, kể cả là một đội, với tinh thần đồng đội (team spirit), thì vẫn cần cái tôi chủ đạo dẫn dắt để giữ sự thống nhất, đồng tâm và không lạc lối. Và vì thế, nếu nói Bayern Munich lên ngôi chỉ nhờ tập thể là quá bất công với Thiago, và đặc biệt là Neuer, thủ môn đã chứng tỏ mình là số một trong khung gỗ ở thời đại này.

Bayern mở tiệc ăn mừng danh hiệu Champions League Các cầu thủ Bayern Munich hò reo, nhảy múa trong phòng thay đồ, trước khi cùng nhau hát vang bài "We are the champions" trên ôtô rời sân Da Luz ở Lisbon (Bồ Đào Nha).

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bayern-va-chuc-vo-dich-champions-league-lich-su-post1123839.html