Bayer Việt Nam trao gói hỗ trợ cho 12.000 nông hộ Bến Tre

Vừa qua tại thành phố Bến Tre, 30 hộ dân đầu tiên đã nhận gói hỗ trợ của Tập đoàn Bayer Việt Nam cùng nông dân Bến Tre ứng phó hạn mặn và Covid-19.

Ngày 16/10, tại TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Tập đoàn Bayer Việt Nam, tổ chức Tăng trưởng châu Á và TTKNQG tỉnh tổ chức buổi tập huấn TOT. Hướng dẫn triển khai thực hiện “Dự án hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ”, trao các Gói hỗ trợ canh tác thuận lợi đầu tiên đến nông dân trong miền Tây.

 Ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc kinh doanh – Nhánh khoa học cây trồng, Tập đoàn Bayer Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Viết Khoa (Ngoài cùng bên phải) – Phó Ban Chỉ đạo dự án trao quà tặng cho các hộ dân nhận hỗ trợ đầu tiên ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc kinh doanh – Nhánh khoa học cây trồng, Tập đoàn Bayer Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Viết Khoa (Ngoài cùng bên phải) – Phó Ban Chỉ đạo dự án trao quà tặng cho các hộ dân nhận hỗ trợ đầu tiên ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc kinh doanh – Nhánh khoa học cây trồng, Bayer Việt Nam cho biết: Năm nay, bà con ĐBSCL chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và hạn mặn nên cần được trợ giúp để duy trì và hồi phục hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình sản xuất bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19 một cách bền vững.

Về lâu dài, chúng tôi mong muốn giúp nông hộ sản xuất nhỏ đạt năng suất cao hơn và ruộng vườn của họ sẽ là nguồn thu nhập bền vững, thay vì chỉ là một công cụ để sinh sống. Những gì chúng tôi thực hiện ngày hôm nay phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi: “Sức khỏe cho tất cả, đói nghèo không cho ai”.

Hiện nay, đang vào thời điểm đầu mùa vụ mới, gói hỗ trợ càng có nghĩa thiết thực hơn. Với những khó khăn thách thức hiện tại về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp lên khu vực thì những giải pháp kỹ thuật rất cần thiết giúp bà con nông dân ứng phó với thử thách, đạt được mùa vụ tốt đẹp.

Phát biểu tại buổi tập huấn TOT, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Năm nay, hạn mặn xuất hiện sớm, khốc liệt hơn ở ĐBSCL. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp nhằm ứng phó với hạn mặn và tiến hành một cách thường xuyên. Bộ NN-PTNT đã có những giải pháp ngay từ đầu năm và xuyên suốt trong năm. Bến Tre là một trong những tỉnh chịu tác động rất lớncủa biến đổi khí hậu. Sự phối hợp giữa Bayer và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thông qua những buổi tập huấn, các gói hỗ trợ kịp thời sẽ giúp người nông dân có thêm giải pháp để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Quốc Thanh hy vọng sau buổi tập huấn, các khuyến nông viên sẽ là những hạt nhân lan tỏa những giải pháp kỹ thuật cũng như thông điệp cùng chung tay ứng phó hạn mặn đến với cộng đồng trong mùa dịch bệnh như hiện nay.

Ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Bến Tre cho biết: Bến Tre là một trong năm tỉnh ở khu vực ĐBSCL công bố tình huống khẩn cấp thiên tai. Sự đồng hành của Bayer, Tổ chức Tăng trưởng châu Á, Vụ Hợp tác quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chia sẻ những khó khăn, thách thức của địa phương.

Đặc biệt, thông qua đó hệ thống của chúng tôi được tiếp cận phương pháp giúp nâng cao năng lực, tiếp cận thông tin trong thời đại kỹ thuật số. Chúng tôi đã ban hành kế hoạch, nhiệm vụ, chức năng cụ thể khi tiếp nhận dự án này. Chúng tôi cũng đã có đội ngũ trực tiếp thực hiện công việc này. Ngày tập huấn hôm nay, các cán bộ chúng ta sẽ được thao tác các bước tiếp cận với 12.000 nông hộ bị ảnh hưởng. Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cam kết sẽ thực hiện công việc này với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để dự án mang lại kết quả như mong muốn.

Tại hộ ông Phạm Thành Tri ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, 30 hộ nông dân đầu tiên trong 12.000 nông hộ được hỗ trợ bởi dự án ở Bến Tre đã tiếp nhận gói hỗ trợ canh tác thuận lợi của Bayer.

Ông Tri chia sẻ: Nhà tôi có 3.000 m2 bưởi da xanh. Năm nay, nước mặn 10 phần ngàn vô tới đây. Vườn tôi bị thiệt hại 30 gốc, rồi còn phải hái bỏ hết trái non để cứu cây nữa nên coi như mất trắng thu nhập, lại còn phải tốn tiền cải tạo đất nữa. Thiệt hại nặng lắm. Dù vậy nhưng tôi và bà con ở đây đang nỗ lực để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất. Nhất là để có bưởi bán kịp dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Với sự giúp đỡ của Bayer và Trung tâm Khuyến nông chúng tôi tin rằng vụ kế tiếp sẽ là một vụ mùa bội thu, canh tác bền vững hơn.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bayer Việt Nam, Trung tâm tâm Khuyến nông Bến Tre tìm hiểu cách thức khôi phục vườn bưởi của hộ ông Phạm Thành Tri. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh các gói hỗ trợ kịp thời, trung và dài hạn, chương trình cũng đào tạo nông hộ nhỏ cách thực hành nông nghiệp tốt GAP và các công nghệ hiện đại trong canh tác. Hiện tại Bayer và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức các buổi tập huấn dành riêng cho giảng viên khuyến nông tại các tỉnh thuộc dự án.

Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của mạng lưới khuyến nông, chương trình hướng đến việc triển khai các lớp tập huấn cho nông dân địa phương, bao gồm các lớp đào tạo trực tiếp cho 20.000 nông hộ và lớp đào tạo trực tuyến cho 60.000 nông hộ khác. Khóa tập huấn sẽ trang bị cho nông dân những kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp, từ quá trình gieo hạt đến lúc thu hoạch thông qua những hướng dẫn về quản lý dịch hại, cây trồng.

Hoạt động thuộc dự án “Better Fams, Better Lives (tạm dịch: Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn) do Bayer Việt Nam (Bayer) phối hợp cùng Tổ chức Tăng trưởng Châu Á - Grow Asia, Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TT KNQG) thực hiện dưới sự hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Mục tiêu giúp đỡ 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh Covid-19 một cách bền vững.

MINH ĐẢM

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bayer-viet-nam-trao-goi-ho-tro-cho-12000-nong-ho-ben-tre-d275573.html