Bay trên những vườn bưởi

Từ độ cao 800 m ngắm xuống một Hà Nội thật khác lạ với sắc trắng của những bông lau mới nở, sắc vàng của những vườn bưởi chen lẫn cùng bạt ngàn màu xanh…

Vườn bưởi dưới cánh dù lượn

Đồi nhảy dù 833 hay còn gọi bằng cái tên khác là đồi Bù thuộc xóm Núi Bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 35km. Mùa này cảnh vật nơi đây đẹp tựa thiên đường, là nơi người ta tìm đến thử cảm giác mạnh của bộ môn nhảy dù lượn mạo hiểm.

Chạy lấy đà rồi băng mình từ đỉnh núi xuống, thân nối liền với dù qua những sợi dây mỏng manh để có thể tự do bay lượn như chim. Từ trên cao ngắm trời xanh, mây trắng, nắng vàng và những vườn bưởi chín ruộm đang vào mùa thu hoạch, ngào ngạt mùi hương. Bài hát "Hà Tây quê lụa" của nhạc sĩ Nhật Lai do ca sĩ Quốc Hương hát chợt vang lên trong tâm thức: “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc. Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô! Áo giáp chở che ngàn năm bền vững…”.

 Chuẩn bị nhảy. Ảnh: @baycungtoi.

Chuẩn bị nhảy. Ảnh: @baycungtoi.

Nhảy dù. Ảnh: Dulichtoday.vn.

Xã Nam Phương Tiến có lẽ giữ kỷ lục của Hà Nội thậm chí cả miền Bắc này khi có tới 188 ha bưởi trong đó chừng 120 ha đang cho thu hoạch, đóng góp cho địa phương “GDP” cỡ 40-50 tỉ mỗi năm.

Anh Nguyễn Chiến Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, xã có tới 4 hợp tác xã (HTX) gồm HTX nông nghiệp toàn xã kiểu cũ mới chuyển đổi theo luật và 3 HTX hoàn toàn mới là HTX Nông nghiệp Hữu cơ, HTX Chăn nuôi, HTX bưởi Núi Bé, đáp ứng cho việc phát huy kinh tế tập thể để xây dựng nông thôn mới. Trong 30 sản phẩm của huyện Chương Mỹ được đánh giá, phân hạng 3-4 sao thì bưởi Nam Phương Tiến vừa rồi đã vinh dự đạt 4 sao.

Hơn 20 năm trước, nơi đây hầu hết chỉ toàn đồi núi trọc vì phá rừng. Đất không giữ được nước, dinh dưỡng nên bà con chỉ trồng lúa, trồng màu và đều không cho hiệu quả. Năm 2006 địa phương báo cáo tỉnh Hà Tây cũ cho chuyển đổi sang trồng cỏ, nuôi bò nhưng rồi tự thấy không khả thi nên lại đổi sang bưởi. Cả huyện rồi Sở NNN-PTNT khi đó đều chụm vào mà giúp đỡ xã từ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, hệ thống thủy lợi, cấp cây giống đến công tác đào tạo, tập huấn.

Niềm vui được mùa. Ảnh: NNVN.

Giai đoạn đầu nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế nên năm 2010 chỉ chuyển được có 50 ha. Từ 2011-2015 bà con để cây ra hoa, thụ phấn tự nhiên nên năm được, năm mất đến năm 2016 mới được cán bộ Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thực nghiệm thụ phấn bổ sung. Trước đó là kỹ thuật trồng xen thậm chí ghép trên cùng một gốc có cả bưởi chua, bưởi khác loại để bưởi Diễn thụ phấn chéo mà ra sai quả hơn. Từ đó những kỹ thuật mới này lan tỏa ra cả Hà Nội.

Khi năng suất bưởi đã ổn định, lại đến công đoạn cải thiện chất lượng quả. Vốn là địa phương cách xa các khu, cụm công nghiệp nên đồi, núi, đất, nước, không khí của Nam Phương Tiến vẫn sạch, là điều kiện quan trọng để giúp cho xã sản xuất an toàn hay hữu cơ. Năm 2020 Sở NN-PTNT Hà Nội đã giao cho Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cùng HTX Nông nghiệp Hữu cơ Nam Phương Tiến xây dựng mô hình thâm canh bưởi Diễn theo chuẩn VietGAP với tổng diện tích 15 ha gồm 47 hộ tham gia. Do được sử dụng túi bao nên mã quả vàng, sáng đẹp, đạt độ đồng đều cao. Với năng suất dự kiến trung bình 40 tấn/ha vụ này hiệu quả kinh tế ước sẽ đạt 550 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài VietGAP năm nay HTX còn thực nghiệm bưởi hữu cơ trên quy mô 2 ha với 7 hộ tham gia. Mọi công đoạn đều rất kỳ công như đo độ pH đất để rồi điều chỉnh bằng cách bón bổ sung thêm vôi bột. Ủ vi sinh tạo tỷ lệ đậu tương, ngô phù hợp ở dạng bột sau đó ngâm nước cho dễ tiêu để tưới gốc. Đo Brix kiểm tra độ đường trong quả để bón bổ sung dinh dưỡng cho thêm ngọt...Ước vụ này hiệu quả kinh tế đạt 750 triệu đồng/ha.

Lão nông Năm. Ảnh: NNVN.

Lão nông chăm chỉ đệ nhất

Chúng tôi đến thăm vườn bưởi rộng 1 ha của ông Nguyễn Trí Năm ở xóm Núi Bé thấy cây được cắt tỉa cẩn thận, quả ra đều và mã rất đẹp. Theo thói quen tôi ngó xuống dưới, thấy đất dưới chân khá tơi xốp, nhiều phân giun chứng tỏ không dùng thuốc trừ cỏ. Ông Năm tâm sự 15 năm trồng bưởi, từ khi cây cho thu hoạch đến nay đã hơn 10 vụ nhưng chưa bao giờ mất mùa.

Kể cũng phải thôi bởi đó là phần thưởng xứng đáng cho một lão nông tri điền chăm chỉ còn hơn cả ong vì mỗi ngày trung bình dành tới 13-14 tiếng ở ngoài vườn. Quãng tháng hai âm lịch khi cây ra hoa, 6 giờ sáng ông đã ra vườn để kiểm tra hoa nở, lấy hoa bưởi chua thụ phấn. Trưa ăn xong cũng không kịp nghỉ mà lại cặm cụi thụ phấn tiếp. 10-11 giờ khuya ông vẫn còn cầm đèn pin ra soi hoa để nhìn vào đầu đài bởi lúc này chúng sẽ bắt đèn dễ thấy hơn ban ngày.

Nếu đầu đài tiết ra giọt nước lấp lánh như viên ngọc, bóng và dính thì không phải tưới nữa còn khô thì phải tưới bởi không làm thế quả dù có đậu mà chỉ lớn bằng ngón tay là rụng. Thậm chí sáng sớm hôm sau ông còn tỉ mẩn rung 400 gốc bưởi cho sương rơi hết, không còn bám ở trên hoa nữa, những bông nở trước đó mấy hôm đã thụ phấn xong thì rơi cánh để khỏi bị nấm thối.

Đây cũng là thời điểm mưa phùn cả tháng, thậm chí kỷ lục nhất có lần kéo dài trong 45 ngày khiến ong bệt cánh không bay ra được để thụ phấn, cây không tự tung phấn được nên phải thụ phấn nhân tạo. Trước đó vào giai đoạn cây thu hoạch xong, ngủ đông thì dịp ngoài Tết ông công phải đánh thức dậy bằng tưới sạch tức nước mạch hứng vào ao, để một thời gian cho ô xi hóa hết các chất độc. Hai lần đánh thức như vậy giúp cho cây rụng lá già, bật nụ đều.

Ăn ngủ cùng vườn bưởi, bao tâm huyết vợ chồng đều để vào đó thế mà những năm đầu cây xác xơ, tiều tụy tưởng như hỏng đến nơi còn đầu ông luôn vẩn vơ cả trăm câu hỏi. Không ai mách bảo chỉ có cái cây tự hướng dẫn ông qua các biểu hiện của màu lá, của thân và cả đất nữa cũng hướng dẫn ông qua độ tơi xốp, qua các sinh vật ở bên trong như giun, như dế. Rồi sau này có các chuyên gia đến hướng dẫn thêm ông lại càng vững về kỹ thuật: “Cây bưởi cũng giống như phụ nữ mang thai, tính nhầm ngày, nhầm tháng là thì rất khó đoán định được các thời điểm quan trọng để mà chăm sóc chúng”, ông nói.

Ông cũng tiết lộ với tôi rằng trên một cây bưởi cũng phân ra 3 loại quả, chất lượng khác nhau, loại cành la tức cành già phía dưới, loại cành trung, loại cành bổng trong đó quả từ cành la ăn ngon nhất. Ngoài ra còn phụ thuộc vào cả hướng nắng. Bổ quả bưởi chỉ nhìn tép là ông biết cây đó lâu năm hay mới trồng. Tép xếp thẳng là lâu năm, tép xếp thò thụt là cây còn non. Hiện ông đang thử nghiệm các cách thức chăm sóc sao cho quả bưởi ngọt hơn...

Ông Năm đang cùng bàn luận với cán bộ xã về kỹ thuật. Ảnh: NNVN.

Những thách thức

Bên cạnh một số thuận lợi cũng có những thách thức với mô hình hữu cơ khi danh mục thuốc BVTV chưa có nhiều sản phẩm sinh học để phòng trừ trên bưởi. Việc sản xuất đang trong giai đoạn vừa làm, vừa xây dựng hướng dẫn, quy trình, nên mẫu mã, chất lượng quả chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các loại phân để thay thế phân vô cơ còn hạn chế. Công sức người dân bỏ ra nhiều hơn hẳn so với sản xuất thông thường nhưng giá sản phẩm khi bán lại không tương xứng. Điều này cũng xảy ra tương tự như mô hình sản xuất bưởi hướng hữu cơ ở xã Vân Hà (Phúc Thọ), Sài Sơn (Quốc Oai)…

Tự dưng tôi nhớ đến lời của GS.TS Vũ Mạnh Hải năm nào về tầm quan trọng của lưu vực sông Đáy ở Hà Nội là nơi phát sinh, phát triển các giống cây ăn quả quý mà nhất là bưởi để cho ra một quần tộc bưởi. Bên cạnh giống bưởi Diễn đã thành danh còn 12 giống khác gồm bưởi đường La Tinh trồng tập trung tại xã Đông La, bưởi Quế Dương tại xã Cát Quế, bưởi đường Cát Quế tại xã Cát Quế, bưởi đường Hiệp Thuận tại xã Hiệp Thuận, bưởi đào chín sớm Song Phượng tại xã Đồng Tháp, bưởi Tam Vân tại xã Vân Hà, bưởi Thồ Phú Xuyên tại xã Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm tại xã Sài Sơn, bưởi Đỏ Tráng Việt tại xã Tráng Việt…

Nếu Thủ đô biết cách khai thác sự phong phú ấy của các giống bưởi để rải vụ, rải khẩu vị và nâng tầm đặc sản thì sẽ có thể làm giàu cho cả vạn nông hộ.

Dương Đình Tường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bay-tren-nhung-vuon-buoi-d280267.html