'Bẫy tình' online

H. là bạn thời phổ thông của tôi, nhân duyên không may mắn nên mãi đến bây giờ, khi chỉ còn hơn một năm nữa là nhận sổ hưu nhưng H. vẫn còn loay hoay trên con đường kiếm tìm hạnh phúc vậy nên...

H. là bạn thời phổ thông của tôi, nhân duyên không may mắn nên mãi đến bây giờ, khi chỉ còn hơn một năm nữa là nhận sổ hưu nhưng H. vẫn còn loay hoay trên con đường kiếm tìm hạnh phúc vậy nên...

Người tình chưa một lần gặp mặt

Khoảng giữa tháng 7-2019, một người bạn giới thiệu với H. về một trang online để kết bạn, làm quen trên mạng. Một người đàn ông vào kết bạn và tự giới thiệu tên là Henry, hơn H. 3 tuổi, quốc tịch Mỹ, là một nhà thầu độc lập, hiện đang nhận thầu một công trình ở Philippines. Henry chia sẻ rằng vợ anh ta đã mất, 2 người con của anh ta hiện đang sống cùng bà nội tại Mỹ, giờ đây anh ta đang muốn tìm một người phụ nữ để chia sẻ những năm tháng tuổi già. Mới chỉ qua mấy ngày nhắn tin qua lại mà H. dường như đã gục ngã trước sự quan tâm chu đáo của Henry. Anh ta nhắn tin thường xuyên, sáng thì hỏi đã ngủ dậy chưa, chúc ngày mới tốt đẹp; trưa thì hỏi đi dạy về trưa, nhớ giữ sức khỏe, tối chúc ngủ ngon, nhớ mơ về anh ta. Henry còn gọi H. là "Honey" khiến cho trái tim người phụ nữ ngoài 50 chưa một lần yêu như muốn tan chảy. Quen nhau được khoảng 1 tháng thì Henry nói công việc của mình ở Philippines sắp kết thúc và anh ta muốn đến Việt Nam để thăm H. trước khi về Mỹ. Henry còn gửi qua Viber hình ảnh một vé máy bay để H. nắm được lịch trình của mình. Anh ta cũng nói rằng không quen biết ai ở Việt Nam nên nhờ H. giúp đỡ mọi việc khi đến đất nước xa lạ này. Tin vào tình cảm chân thành của Henry nên H. cũng đã đi hỏi thuê khách sạn giúp để khi Henry đến Đà Nẵng có chỗ ở, rồi hướng dẫn anh ta cách mua vé máy bay từ Sài Gòn về Đà Nẵng, cách đón taxi chở đến khách sạn... H. cũng chuẩn bị cho lần gặp đầu tiên thật ấn tượng bằng việc đi may một bộ váy mới và nhờ người dạy tiết học thay để đi đón Henry.

Ảnh trên nick của Henry.

Ảnh trên nick của Henry.

Đúng ngày giờ ghi trên vé máy bay, H. nhận được cuộc điện thoại từ một cô gái lạ. Người này nói rằng Henry nhờ cô điện cho H. vì hiện giờ anh đang ở khu vực nhập cảnh và hình như có vấn đề gì đó về tiền nong. Cùng lúc đó, H. nhận được tin nhắn từ điện thoại của Henry với nội dung: "Tôi đang có một chút rắc rối ở sân bay, bạn giúp tôi với. Tôi bị giữ túi tiền, bạn giúp nhanh kẻo họ lấy điện thoại sẽ không thể liên lạc được...", nói rồi Henry cúp máy. Một lát sau cô gái lúc trước gọi lại cho H. nói rằng do Henry đã đem số tiền nhiều quá so với quy định nên đã bị hải quan sân bay giữ lại, nếu không có người bảo lãnh thì số tiền trên sẽ bị tịch thu. Bây giờ chỉ cần H. nộp 24 triệu đồng để bảo lãnh, sau khi lấy được tiền ra khỏi sân bay, Henry sẽ hoàn trả lại. Điện thoại của H. lại báo có tin nhắn mới từ Henry: "Bây giờ lời nói của bạn rất là quan trọng, tiền bạc không là gì so với mạng sống của tôi. Bạn hãy giúp tôi, giờ tôi đang đứng bơ vơ giữa đất nước Việt Nam mà không quen biết một ai, chỉ có bạn là người quen duy nhất. Tôi cần ra khỏi chỗ này...". Có một chút nghi ngờ thoáng qua, H. cảm giác như giữa cô gái lạ và Henry có mối liên hệ gì đó mặc dù cô ta nói chỉ gọi điện giúp nhưng lại có vẻ rất thúc giục. H. đành tìm kế hoãn binh, nhắn cho Henry "Xin lỗi anh, nhưng hiện giờ tôi không có đủ tiền...", thế là anh ta tắt máy luôn, từ đó không liên lạc gì nữa.

H. cảm thấy day dứt và tiếc nuối mối quan hệ này, thế nhưng khi tâm sự với một đồng nghiệp, người này phá lên cười và bảo rằng H. thật may mắn khi đã thoát khỏi một âm mưu lừa đảo.

Hình ảnh vé máy bay Henry gửi cho H.

Tin nhắn của Henry đề nghị H. chuyển tiền bảo lãnh.

Những món quà ảo và khoản phí hàng trăm triệu đồng mất... thật

Không may mắn như H., một cô gái trẻ ở tỉnh Tiền Giang bị lừa mất 115 triệu đồng vì tin lời 1 người đàn ông nước ngoài quen qua mạng. Người này tự xưng là quân nhân, đề nghị cô nhận giúp 1 kiện hàng "từ thiện" từ Nam Phi gửi về Việt Nam và sẽ "đền ơn" cô món tiền "khủng". Sau đó, có 1 người tự xưng là nhân viên hải quan gọi điện thoại đến yêu cầu cô nộp phí nhận quà, phí phạt vì trong quà có Đô-la Mỹ. Cô gái đã 2 lần nộp tiền vào 1 tài khoản lạ, đến lần thứ ba, "nhân viên hải quan" yêu cầu cô vay mượn để nộp thêm tiền thì cô mới sinh nghi, cô liền gọi điện thoại cho "anh bạn quân nhân Nam Phi" thì thuê bao đã... mất sóng. Một phụ nữ khác ở thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) cũng bị lừa mất 46,5 triệu đồng khi kết bạn qua Facebook với một người đàn ông có nickname là Kim James. Ông này tự giới thiệu đang sinh sống ở nước ngoài, sau nhiều lần nói chuyện, ông ta gợi ý sẽ chuyển tiền và hàng hóa về Việt Nam để giúp đỡ người nghèo, gồm quần áo và 30.000 USD, nhờ nhận giúp. Chỉ đến khi phải "nộp phí" quá nhiều, lại bị "nhân viên hải quan" nhiều lần thúc giục chuyển tiền, chị mới tỉnh ngộ thì số tiền hàng chục triệu đồng cũng một đi không trở lại. Chị P.T.M ở Q. Cầu Giấy (Hà Nội) kết bạn với một người đàn ông nước ngoài tên Alan Charles Owen (quốc tịch Mỹ) qua Skype. Ông này kể rằng mình đang chiến đấu tại Afghanistan, vợ đã mất và hiện có cô con gái 6 tuổi. Alan nói rằng ông ta đang bị thương và nhờ chị M. giữ hộ hành lý, tiền và huân chương để nếu có mệnh hệ gì sẽ chuyển cho con gái của ông ta. Khoảng 1 tuần sau, chị M. nhận được email từ một công ty vận chuyển tại Afghanistan báo rằng có 1 kiện hàng được gửi bởi Charles, có chụp cả thẻ ID (như thẻ CMND) Alan, vài hôm sau, công ty vận chuyển cho biết hàng đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất và yêu cầu chị M. phải trả phí 100 triệu đồng Việt Nam để nhận. Một tuần sau, lại có cuộc gọi từ nhân viên giao hàng yêu cầu chị phải nộp phí Hải quan hơn 200 triệu đồng nữa. Cứ thế với nhiều lý do khác nhau, chị M. đã nộp cho người bạn online kia gần 1 tỷ đồng Việt Nam thì mới phát hiện ra mình bị lừa. Trường hợp của bà T.X.Đ ở TPHCM còn bi đát hơn. Đầu năm 2017, bà Đ. quen nam thanh niên tên Shiven trên facebook. Người này cho biết mình là công dân Mỹ, đang làm việc cho tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) được 15 năm. Shiven nhờ bà Đ. đóng giả làm vợ và viết đơn gửi LHQ xin cho chồng được nghỉ việc để về với gia đình. Nếu được nghỉ, anh ta sẽ được LHQ trả 3 triệu USD, sẽ chia cho bà Đ. 1,5 triệu USD. Bà Đ. làm theo hướng dẫn và được cung cấp một đường lines, số tài khoản cùng mật khẩu để đăng nhập. Vừa thao tác xong, bà sửng sốt khi thấy thông báo trong tài khoản có 3 triệu USD vừa được giải ngân, sau đó, bà Đ. liên tục được nhân viên ngân hàng ở nước ngoài đề nghị đóng phí để số tiền trên sớm về Việt Nam. Sau 15 lần gửi tiền tổng cộng gần 2,8 tỷ đồng vào tài khoản cho đối tượng ở nước ngoài, bà Đ. mới hay mình bị lừa thì đã quá muộn.

Điểm chung của các vụ lừa đảo này là các đối tượng làm quen thông qua một trang web hẹn hò, giới thiệu là một người lính, một nhà thầu ở nước ngoài, có thùng vàng trị giá hàng triệu USD; vài hóa đơn phiền phức phải được thanh toán... Các "con mồi" chúng nhắm tới thường là phụ nữ sống đơn thân, thiếu thốn tình cảm, đánh vào lòng tham của người bị hại... Theo cơ quan chức năng thì chỉ có sự tỉnh táo của các nạn nhân mới là yếu tố quan trọng giúp họ thoát ra được những cái bẫy tinh vi này.

NGUYÊN HƯNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_219838_-bay-tinh-online.aspx