'Bầy sói' trên biển của Mỹ sẽ thống trị các đại dương trong tương lai?

Mỹ đang lên kế hoạch phát triển 'đoàn tàu trên biển' dựa trên việc phát triển các tàu mặt nước không người lái, từ đó thực hiện chiến lược tấn công 'bầy sói', nhưng có sự tự chủ và phối hợp chặt chẽ hơn.

Theo yêu cầu, sẽ cần ít nhất 4 USV, từ đó hình thành “đoàn tàu trên biển” nhằm tăng cường khả năng chiến đấu viễn chinh của USV thuộc Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Theo kế hoạch, Dự án sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm tàu nguyên mẫu trước khi kết thúc năm 2023, các điểm mạnh của “đoàn tàu” này gồm:

Tàu mặt nước không người lái cỡ lớn của Mỹ. Nguồn: people.com.cn.

Tàu mặt nước không người lái cỡ lớn của Mỹ. Nguồn: people.com.cn.

Tính năng đa dạng, có thể hành trình liên tục trong thời gian dài.

Hiện tại, các USV có thể mang nhiều loại cảm biến, thiết bị và vũ khí để thực hiện các nhiệm vụ chống ngầm, chống hạm và chống thủy lôi. Tuy nhiên, các USV này đa số có trọng tải nhẹ, chủ yếu là các thiết kế loại nhỏ, khó có thể đáp ứng các yêu cầu tác chiến của Hải quân Mỹ.

Căn cứ theo kế hoạch phát triển của Hải quân Mỹ, các USV trong biên đội “đoàn tàu trên biển” phải có lượng giãn nước lên đến 2.000 tấn và chiều dài 50 - 90 m. Những USV loại này không chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn mà còn có thể mang theo nhiều phương tiên, vũ khí hơn như tên lửa tấn công đối đất, tên lửa chống hạm, từ đó giảm sự phụ thuộc vào tàu chiến lớn.

Ngoài ra, biên đội “đoàn tàu trên biển” có thể giảm thiểu các chướng ngại trên biển thông qua các phương pháp thiết kế đặc biệt và phương thức biên chế thành biên đội. Không cần sự can thiệp của con người trong suốt hành trình, thì biên đội này cũng có thể hành trình khoảng 6.500 hải lý (12.000 km), sau đó thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập và có thể tiếp tục di chuyển thêm 1.000 hải lý (1.852 km).

Một chiếc USV của hãng Textron đang thử nghiệm trước khi giao cho Hải quân Mỹ. Nguồn: people.com.cn.

Khả năng sống sót mạnh mẽ và mức độ tự chủ cao.

Hiện tại, hầu hết các USV của Hải quân Mỹ đều có thể thao tác khống chế từ xa hoặc được lập trình sẵn các kế hoạch hoạt động, điều này làm cho mức độ tự chủ của USV tương đối thấp. Các USV này không thể đối phó với các tình huống đột xuất trên chiến trường, và cũng rất khó để đáp ứng các yêu cầu tác chiến.

Hải quân Mỹ có kế hoạch tích hợp một hệ thống điều khiển tác chiến đồng bộ trên “đoàn tàu trên biển”, cho phép các USV này có thể chia sẻ thông tin về vị trí, tốc độ, quãng đường và các thông tin khác giữa các đơn vị chiến đấu trong môi trường chiến đấu phức tạp. Từ đó làm cho các USV có thể nhanh chóng đưa ra quyết định đáp trả hiệu quả với các mối đe dọa mới.

Trong một môi trường biển phức tạp, một chiếc USV hoạt động đơn độc sẽ không thể phản ứng hiệu quả với nhiều mối đe dọa, do đó nhiều USV hợp lại thành một biên đội, với khả năng nhận thức và chia sẻ thông tin, đội hình này có thể tiến hành phối hợp tác chiến, nâng cao khả năng tấn công và tiêu diệt tàu chiến lớn của đối phương.

USV Protector của BAE Systems (Anh), phát triển cho Hải quân Mỹ nhằm mục đích tuần tra và tấn công. Nguồn: people.com.cn.

Tiết kiệm chi phí và giảm rủi ro về mặt con người.

Tháng 10/2000, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Cole đã bị một USV tấn công cảm tử ở Vịnh Aden, làm 17 người chết và 39 người bị thương. Sự cố này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết với Hải quân Mỹ về việc nghiên cứu công nghệ USV. Dự án “đoàn tàu trên biển” nhằm sử dụng các USV để thay thế các tàu mặt nước có người lái trong quá trình chiến đấu, từ đó hạn chế tối đa con số thương vong.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Cole bị tấn công tự sát năm 2000. Nguồn: people.com.cn.

Ngoài ra, các tàu chiến có người lái thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài trong một thời gian dài đều cần phải mang theo một số lượng lớn các thiết bị sinh hoạt, làm tăng đáng kể trọng lượng của hệ thống. Trong khi đó, các USV không cần những vấn đề này, do vậy chúng không những có thể hạ thấp con số thương vong mà còn có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ nguy hiểm.

Dự án “Đoàn tàu trên biển” của Mỹ thực chất là việc phát triển nhiều USV để thực hiện chiến lược tấn công "bầy sói" trên biển, hiện Trung Quốc cũng đang phát triển chiến lược này. Tuy nhiên, dự án của Mỹ có khả năng phối hợp mạnh mẽ hơn, do trọng tải lớn và khả năng hành trình xa, nên hiệu quả trong kế hoạch này là điều không cần phải bàn cãi.

Một số nhà phân tích tin rằng, mức độ tự chủ cao là liên kết kỹ thuật quan trọng để phát triển dự án "đoàn tàu trên biển", nhưng đây là một vấn đề kỹ thuật khó, và thành công hay thất bại của dự án vẫn là điều cần phải tiếp tục thảo luận. Ngoài ra, lợi thế lớn nhất của dự án này chính là tác chiến không người lái, nhưng loại hình tác chiến này lại chính là “con dao hai lưỡi”.Theo tầm nhìn của Hải quân Mỹ, các USV trong biên đội “đoàn tàu trên biển” có thể đạt phối hợp độc lập, nhưng nếu đối phương tiến hành can thiệp vào vào mạng lưới thông tin liên lạc để cắt đứt liên lạc hoặc thậm chí là thay đổi trật tự, mệnh lệnh của hệ thống thì hậu quả sẽ khó có thể tưởng tượng.

Theo Đức Trí/Infonet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/-bay-soi-tren-bien-cua-my-se-thong-tri-cac-dai-duong-trong-tuong-lai/20200413085115938