Bảy ngày ở thành phố khó sống nhất thế giới

'Không nên tìm kiếm ở đây những đường nét hài hòa, […] không có gì vĩnh cửu đáng chiêm ngưỡng, không có gì tuyệt đẹp hơn cuộc sống nháo nhào. Không có một đường chân trời. Chỉ có khói bụi và người ta say trong sự náo nhiệt không bao giờ ngưng' - một nhà báo Pháp nổi tiếng từng mô tả về Sài Gòn - Chợ Lớn như thế.

Khi đặt bước chân đầu tiên xuống thành phố Dhaka - thủ đô của Bangladesh, tôi nghĩ Chợ Lớn dẫu có nháo nhào đến đâu, có lẽ cũng không nháo nhào hơn Dhaka được.

Lúc đó là gần 11h đêm giờ địa phương, nếu là ở Hà Nội, phố xá hẳn đã bắt đầu thiêm thiếp, còn ở đây, phố xá không ngủ bao giờ. Những con người hối hả nối đuôi nhau tất tả rảo bước, những chiếc xe kéo rickshaw sặc sỡ kiểu Ấn giáo ngông nghênh chạy khắp nơi, kẹt xe, kẹt xe chẳng khác nào giờ cao điểm, tiếng hú còi đinh tai nhức óc, tiếng cãi vã, tiếng máy xúc, tiếng đục đẽo của những công trường: tất cả đều thuộc về đêm Dhaka.

“Em đã từng tới Ấn Độ chưa? - Jafar, chủ nhà mà tôi thuê ở trong thời gian lưu tại đây hỏi. Jafar có ngoại hình hơi khác với dân Nam Á điển hình, anh cao và đặc biệt gầy. “Em chưa”, tôi đáp. “Vậy Nepal hay Sri Lanka thì sao?”, anh hỏi tiếp. Tôi lắc đầu: “Cũng chưa nốt”.

Jafar tỏ vẻ ngạc nhiên, anh bảo rằng, thông thường, nếu người ta muốn đi khám phá Nam Á, họ sẽ nghĩ ngay về Ấn Độ, không thì Sri Lanka, đều là những thiên đường du lịch cả, không mấy ai nghĩ tới Bangladesh.

Người đàn ông ngồi trên nóc tàu hỏa đi xuyên Dhaka.

Thì đúng là như thế. Bangladesh, với nhiều người, chỉ tồn tại như một cái tên. Còn cụ thể cái quốc gia ấy tròn méo ra sao, chẳng mấy ai để tâm đến.

Tôi cũng nào biết gì về Bangladesh đâu, điều duy nhất khiến tôi quan tâm tới nó trước chuyến đi này là bởi, năm 1971, George Harrison - cây guitar trầm lắng của ban nhạc The Beatles - đã cùng những người bạn nổi tiếng khác như Bob Dylan, Eric Clapton, Ringo Starr tổ chức một buổi hòa nhạc chấn động mang tên Hòa nhạc cho Bangladesh.

Nhưng cả buổi hòa nhạc ấy nữa cũng đâu có tổ chức tại Bangladesh, nó được tổ chức ở tận... New York phồn hoa. Vậy là, mỗi khi bè bạn gia đình chất vấn tôi sao bỗng dưng lại đâm đầu tới cái chốn khỉ ho cò gáy ấy, tôi đều mượn câu thoại của nhân vật Ishmael trong cuốn tiểu thuyết Mody Dick lừng danh khi người ta hỏi anh sao vô duyên vô cớ lại đi săn cá voi. Anh trả lời: “Vì muốn ngắm nhìn thế giới”.

Cho dù phần thế giới ấy là phần "khó sống nhất". Thật thế! Suốt nhiều năm qua, Dhaka đều lọt danh sách những thành phố khó sống nhất trên khắp năm châu.

Những người khốn khổ hạnh phúc

Buổi sáng đầu tiên ở Dhaka, tôi thức dậy lúc 7h30, không biết rằng đó là sai lầm lớn nhất trong đời. “Ở Dhaka này, 15 phút thôi là cả một sự khác biệt. Nếu xuất phát lúc 7h, mình sẽ đến nơi đúng giờ, nhưng nếu xuất phát lúc 7h15, chắc chắn mình sẽ muộn 2 tiếng”, Jafar nói. Vậy 7h30 thì sao? Anh bảo rằng tùy xem may mắn của tôi thế nào.

Đáng tiếc thay tôi không phải người may mắn. Chúng tôi sa vào một con đường tắc dài dằng dặc, không thể nhúc nhích dù chỉ một phân. Tiếng quát tháo inh ỏi của các tài xế văng ra tứ tán.

Từ trong ô tô, tôi để ý những chiếc xe buýt 2 tầng xập xệ phả khói phù phù, chiếc nào cửa kính cũng rạn vỡ, dán băng dính chi chít như một bệnh nhân gãy xương phải bó bột. Sau này, trong một lần đi xe buýt tại Dhaka, khi chiếc xe tông sầm vào một chiếc xe khác bất chấp đường len không nổi, tôi mới biết tại sao bề ngoài chúng lại ra nông nỗi ấy.

Trong một xưởng may.

Xe buýt ở Dhaka không có số. Cho dù có đứng ở bến xe buýt, bạn cũng không thể nhận ra xe nào đi đâu. Thay vì những con số chuẩn tắc, chúng được đặt cho những cái tên thơ mộng: Mây, Trăng, Trời,..., thành thử chỉ có người địa phương mới phân biệt được từng loại xe.

Người nước ngoài thì tịt mít. Những hệ thống phức tạp và khó sử dụng như thế, người ta không bắt gặp được ở những quốc gia phát triển. Chỉ ở những xứ sở hãy còn hoang sơ, nửa tỉnh, nửa quê, nửa công nghiệp, nửa nông bần, suy nghĩ con người mới ngây thơ, duy mỹ, kém thực tế đến vậy.

Chẳng hiểu sao, nó lại làm tôi chợt nhớ đến Hà Nội mấy mươi năm trước, khi con người chẳng tất bật chạy theo đồng tiền, nói như Vũ Bằng thì cái thời ấy “không lo tiền, không lập mưu thiết kế, không oán ức, ăn rau rút ruột mè cũng thấy ngon”.

Sau vài tiếng vật lộn trong cảnh bổ nháo bổ nhào, cuối cùng tôi cũng tới được nơi cần tới: khu chợ ven đường tàu. Từ xa đứng lại, mùi của chợ - mùi của cuộc sống đã dậy lên xộc thẳng vào hai cánh mũi.

Những gánh hàng ngồi la liệt hai bên đường ray cũ kỹ, họ đội trên đầu chiếc rổ lớn, có rổ đựng những cây bắp cải to đoành, có rổ đựng cà chua tươi thắm, có rổ đựng những hạt lạc kêu lạo xạo. Jafar bảo rằng, khi mệt, họ sẽ nằm còng queo ngủ trong những chiếc rổ ấy, bởi vì nếu không, cái rổ sẽ bị kẻ gian cướp đi trong chớp mắt.

Điều đặc biệt là tại khu chợ của Bangladesh, chỉ có đàn ông bên những thúng, mủng, dần, sàng, mua cái nọ, bán cái kia. Bangladesh là đất nước Hồi giáo, phụ nữ đa phần chỉ làm nội trợ ở nhà, đường sá là của đàn ông.

Tôi nhớ lại lúc mới đáp xuống sân bay Shahjalal, tôi cùng bạn mình dường như là hai người phụ nữ duy nhất trong cái “Nam nhân quốc” ấy. Những người đàn ông râu dài bệ vệ, mặc áo dài trắng, một số nhuộm râu màu đỏ bằng nước chắt từ cây henna.

Còn ở khu chợ này, những người đàn ông đa phần quấn chiếc lungi, một loại khố kiểu cha con Trương Chi ngày xưa chia nhau mặc, chân họ đi đôi dép cao su, nhiều người đi chân trần giẫm lên sỏi đá. Chung quanh họ, quạ bay rợp trời. Quạ réo vong hồn ở đâu không biết nhưng chốn này, quạ cắt nghĩa cho cuộc sống.

Dù là một cuộc sống rất nghèo, họ vẫn tếu táo đùa nhau, chợ này là Dalliwood. Ở Mỹ có Hollywood, ở Ấn có Bollywood, ở đây là Dalliwood. Cái nghèo muôn năm!

Khi tôi còn đang mải mê chụp hình thì bỗng bị một ai đó bên đường chạy tới, xô tuột vào bên trong. Tôi hốt hoảng giật mình. Trước khi tới Bangladesh, rất nhiều người đã cảnh báo tôi rằng, trời, đừng đi, xứ ấy nguy hiểm lắm.

Ngay đến nhân viên của đại sứ quán cũng bày tỏ lo lắng cho sự an toàn của tôi: “Anh nói thật, em cứ nghĩ lại đi. Con gái không nên tới đây một mình đâu. Anh làm, anh biết chứ!”.

Không phải tôi điếc không sợ súng, sợ thì tôi có sợ, nhưng đã lỡ mua vé rồi, vẫn phải đi thôi. Trong khoảnh khắc vài giây ngắn ngủi khi bị những người xa lạ kéo vào chỗ họ, tim tôi đập thình thịch, một suy nghĩ hiện lên: “tôi muốn về nhà!”.

Nhưng rồi, đúng lúc ấy, một tiếng còi tàu rít lên như ấm đun nước vừa sôi trăm độ, con tàu xình xịch lảo đảo xuyên qua đường ray mà những thanh tà vẹt đã han gỉ chín phần, tôi mới nhận ra, ừ thì xứ này nguy hiểm nhưng không nguy hiểm theo cách mình đã nghĩ.

Những người đàn ông ở một khu chợ Dhaka.

Kỳ thực, người Bangladesh hãy còn chân chất, tốt bụng và chân chất. Họ ít khách du lịch nước ngoài, như trên một tấm poster gắn trong một văn phòng ở Nhà quốc hội: “Visit Bangladesh before tourists come” (Hãy tới Bangladesh khi khách du lịch còn chưa tới).

Bởi thế mà khi nhìn thấy những cô gái Đông Á tóc đen, da vàng, mặc quần jeans, áo phông đi lại loanh quanh, tay lăm lăm điện thoại chụp hình, họ đều tò mò ngước nhìn như ngày xưa trẻ con Việt chạy theo các “ông Tây” vậy.

Đi đến đâu, tôi cũng được người ta bu lấy hỏi thăm, họ hỏi tôi là người Trung Quốc à, tôi đáp, “không không, Việt Nam”, họ liền gật gù, “Việt Nam, Việt Nam, bán gạo, bán gạo”, rồi xin một tấm ảnh selfie lưu niệm.

Có bữa, đang tung tăng trên đường, tôi còn bị một nhân viên cảnh sát đứng tuổi tay đeo súng gọi vào, làm tôi cứ tưởng mình vừa vô ý làm điều gì càn quấy, hóa ra, bác chỉ muốn chụp cùng tôi một pô hình.

Buổi chiều, chúng tôi lên một con đò nhỏ băng sông Padma. Dhaka cũng như Hà Nội vậy, nằm lọt thỏm giữa những dòng sông lớn. Phía bên kia sông là thế giới tách biệt của những công nhân đóng thuyền. Jafar hỏi tôi rằng, đã bao giờ đặt chân tới gần núi lửa hay chưa, bởi vì nơi đây cũng nóng bức và bụi bặm như gần chân núi lửa vậy.

Trên miền cát hoang hoải là những con tàu sặc sỡ khổng lồ và những con người đen nhẻm nhỏ bé. Một vài đứa trẻ ùa ra khi thấy tôi bước tới.

Để nhìn rõ công việc đóng tàu, tôi trèo vào một chiếc tàu cao gần 10 mét qua một cầu thang thẳng đứng, bề ngang chỉ vừa đủ để đặt một bàn chân, tựa cheo leo vào mạn tàu. Những khoang tàu rộng lớn hình vòng cung, một giàn kim loại đâm lên tua tủa, vài người đàn ông lúi húi làm gì đó. Họ làm gì, tôi không biết.

Chỉ biết họ cặm cụi dưới cái nắng miền nhiệt đới, mệt mỏi mà hăng say. Họ có hạnh phúc không? Tôi đồ là có. Tôi nhớ đến Einstein, đã có một lần nào, từng bảo rằng ông chỉ có một ước ao trở thành người thợ hàn sống cuộc đời bình dị. Đây chắc là kiểu cuộc đời bình dị mà Einstein đã nói.

Tôi xin một người thợ cho tôi được thử sơn một con thuyền. Ông đồng ý, đưa cho tôi chiếc chổi sơn lớn còn long tong những giọt sơn màu cam. Tôi nhúng chiếc chổi vào thùng sơn, rồi khom lưng lăn qua lăn lại vỏ thuyền. Mặt trời ở thiên đỉnh chiếu tướng tôi. Mồ hôi tuôn nhễ nhại.

Ngày nhỏ, tôi thường nghĩ mình sẽ phải học thật giỏi để sau này lớn lên được làm công việc văn phòng, có điều hòa nhiệt độ suốt tháng quanh năm. Ngày ấy, tôi nghĩ đơn giản rằng, điều hòa là hạnh phúc. Bây giờ, ước mơ ấy đã thành hiện thực rồi, vậy mà dường như chẳng lúc nào tôi thấy mình hạnh phúc.

Có lẽ điều hòa chỉ là một ảo tưởng của hạnh phúc, còn hạnh phúc đích thực là đây, khi thấy chiếc thuyền chuyển dần sang một màu rực rỡ.

Rời bến làng thuyền, chúng tôi lại dọc sông ghé một bến khác, nơi chỉ toàn lúa trồng xanh rì bất tận. Hai đứa trẻ nhà kia, một bé trai, một bé gái, như chị em Liên và An vậy, cho phép tôi cùng nhập bọn.

Chúng có một chiếc xe đạp mini cũ kỹ và đồng ý cho tôi mượn để lượn mấy vòng. Đường làng nhấp nhô, khúc khuỷu, và tôi thì đã lâu rồi không đạp một chiếc xe nhỏ thế dưới bầu trời trong thế, tôi cứ vừa thong dong đạp, vừa hát lời của Trịnh: “tôi yêu mọi người, cỏ cây, muôn loài, làm sao yêu hết cuộc đời...”.

Nụ cười trong thành phố khó sống nhất thế giới.

Quần jeans và chiếc Burqa

Với những tín đồ yêu thích thời trang, cứ mở tủ quần áo của mình ra, kiểu gì cũng kiếm được ít nhất một vài chiếc Zara, H&M, Warehouse dán mác “Made in Bangladesh”. Bangladesh là xưởng dệt của cả thế giới.

Từ những thương hiệu thời trang cao cấp tới những nhãn hiệu bình dân, họ đều tìm đến đây, có khi để tìm vải, có khi để thuê nhân công may quần áo.

Câu chuyện về vụ sập nhà máy tại quận Savar của thành phố Dhaka khiến 2.500 người bị thương và hơn 1.100 người thiệt mạng vào năm 2013 từng khiến giới thời trang sững sờ.

Hóa ra, sau những bộ mode thời thượng xúng xính của các quý bà quý ông thanh lịch, sau vẻ ngoài hào nhoáng của gian hàng quần áo lộng lẫy trong các tòa thương mại chọc trời, là đây: đống đổ nát hoang tàn nơi những con người làm việc ngày đêm để kiếm không đầy 100 đô la một tháng, không bảo hiểm, không cam kết, không tương lai.

Cuộc đời của họ dính vào chiếc máy may trong những nhà máy lụp xụp, cột kèo gãy vỡ, mảng tường tróc lở, và một ngày, họ chết.

Chính Jafar, chủ nhà tôi thuê và người dẫn tôi đi chơi, là chủ một xưởng may với hơn 40 máy và vài chục nhân công. Xưởng may của anh nằm trên gác 4 một tòa nhà tập thể cấp thấp, trần xưởng lợp bằng những tấm nhựa chỉ chực rơi ra.

8h tối, khi tôi đến, vẫn còn lác đác vài người miệt mài may vá. Những lô quần jeans, áo sơmi đều để xuất ra nước ngoài: Mỹ, Qatar, Malaysia,... Khi tôi hỏi Jafar về đời sống nhân công có thật là khổ như trên báo chí, truyền hình đăng tải, anh mỉm cười và “thú nhận”: “Thật ra anh cũng là một trong những ông chủ xấu xa đó”.

Hẳn nhiên, cũng chẳng thể trách Jafar hay những người như anh, chỉ có thể trách quy luật hoạt động nghiệt ngã của địa cầu, khi những kẻ giàu có chuyển hết rác rến về thế giới thứ 3, biến rác rến thành thức ăn cho những người nghèo khổ.

Mặc dù vậy, họ vẫn cười. Một cô công nhân áo tím trẻ măng (chỉ trong xưởng may mới thấy nhân lực nữ làm việc), khoác chiếc Burqa để lộ đúng hai con mắt, cứ cười hoài với tôi để tôi chụp cho cô mấy tấm hình.

Tại sao họ luôn hạnh phúc như vậy? Tôi giữ câu hỏi ấy mãi bên mình, cho đến khi nhìn từ chính Jafar, chủ nhà của tôi. Anh nói rằng đối với anh, giây phút đẹp nhất luôn là hiện tại. “Nhưng hiện tại chẳng phải cũng sẽ qua đi hay sao?”, tôi hỏi.

“Điều đó có nghĩa là còn rất nhiều điều tốt đẹp hơn đang chờ ở tương lai”, anh đáp.

Jafar, như 90% người Bangladesh, là một người theo đạo Hồi. Mặc dù không sùng đạo như đa phần người Islam khác, anh không cầu nguyện, thậm chí vẫn ăn vào ban ngày khi đang hành lễ Ramadan nhưng anh hoàn toàn tin tưởng vào Allah và nhà tiên tri Muhammad. Nghĩ về Allah là một niềm hạnh phúc vĩnh hằng.

Ở Dhaka, cứ đi vài trăm mét lại thấy một nhà thờ Hồi giáo. Chúng tôi vào nhà thờ lớn nhất Baitul Mukarram - cái tên ấy có nghĩa là “Ngôi nhà thiêng liêng”, vào một buổi sáng sớm sau giờ cầu nguyện.

Nhà thờ ở Dhaka không đẹp như nhiều nơi khác trên thế giới, nói chung chẳng có gì đặc biệt như kiểu nhà thờ Hồng ở Iran hay những nhà thờ biểu tượng trên đất Malaysia.

Trong thánh đường Dhaka, những chiếc thảm màu đỏ xếp liền kề, gọn ghẽ. Từ sân nhỏ ở điện ngẩng lên, là rất nhiều quạ cùng đại bàng vỗ cánh bay.

Được sự cho phép của thầy cả, chúng tôi lên các gác trên và tại đây, tôi chụp được tấm ảnh ưng ý nhất của mình: một nửa tấm ảnh chìm trong bóng tối, nửa còn lại là mái ngoài nhà thờ ửng sáng lấp lánh và một con quạ đậu bình tâm - phải chăng, cậu bé Pi của Yann Martel cũng đã vì nhìn khung trời này mà xin cải đạo?

Cảnh tượng lạ lùng nhất tại Dhaka có lẽ là vào chiều Thứ sáu hằng tuần, khoảng hơn 1h chiều, đồng loạt trên đường phố, đặc biệt là gần những điện thờ lớn, những người đàn ông Islam trong chiếc áo panjabi truyền thống quỳ xuống một bên đường, bên kia xe cộ vẫn đang rầm rầm đi lại.

Ngày trước, khi xem bộ phim nói về Làng Mai của thầy Thích Nhất Hạnh, có một cảnh phim khi tiếng chuông ngân lên, mọi người dù đang làm gì, dù đang chơi nhạc, trò chuyện, vui chơi, làm việc, ai nấy cũng đều dừng lại, nhắm mắt, tĩnh tâm.

Vậy thì hãy cứ coi Dhaka này là một Làng Mai, chỉ khác là lớn hơn nhiều lần và thuộc về một tôn giáo khác, và có lẽ, dù độc thần, dù vô thần, về cốt lõi, tôn giáo nào cũng như nhau cả.

Người Bangladesh, tất nhiên, cũng có một bộ phận theo đạo Hindu. Nơi khu phố cổ của tòa thành dậy lên một mùi hương liệu đặc trưng và khắp các nhà chỉ thấy những tượng thần Shiva, Vishnu bày biện. Jafar dẫn tôi vào con ngõ nhỏ dẫn lên sân thượng một ngôi nhà ướm mùi năm tháng của dân lao động nghèo.

Cả gia đình chục người chui rúc trong một ngăn xép bé tí hin, bọn trẻ con thả diều trên nóc, một bầy khỉ thong dong nhặt quả, đu từ nhà này sang nhà kia, gãi gãi cho nhau.

Ở Dhaka, khỉ vẫn còn sống với người. Không ai làm thịt chúng, cũng không ai đuổi chúng đi, chúng chia sẻ những khoanh đất chật chội cùng 20 triệu con người khác.

“Bangladesh là một đất nước rất xanh. Lá cờ Bangladesh màu xanh với hình tròn đỏ, biểu tượng cho mặt trời soi sáng trên dãy rừng già”, Jafar giải thích với tôi.

Bây giờ thì tôi thực sự hiểu tại sao người Dhaka, dẫu sống trong một thành phố khó sống nhất thế giới, vẫn sống và sống hạnh phúc.

Một góc làng đóng tàu ven sông.

Một lần liều lĩnh, một lần kỳ ngộ

“Em muốn đi tàu hỏa”, một ngày nọ, tôi thổ lộ mong muốn với Jafar.

Tôi đã từng xem những tấm ảnh về tàu hỏa ở Nam Á, với hàng trăm người vắt vẻo trên nóc tàu. Ngày xưa Việt Nam mình cũng từng nhảy tàu như thế, giờ thì không còn nữa. Cho nên tôi nhằng nhẵng đòi bằng được Jafar giúp tôi làm việc này.

Ngồi trên nóc tàu, gió bạt từng luồng bụi mù mịt vào mặt, con tàu xuyên qua thành phố, xuyên qua những khu ổ chuột, những khu chợ cáu bẩn, những khách sạn 5 sao, những sân golf trập trùng xa xỉ, cả những tòa nhà cao tầng mới xây đắp.

Định nghĩa về thành phố có lẽ là thế này đây: một sự hòa trộn của cả những phận đời mỏng dẹt và những số phận tròn đầy, của cả thiên đường và địa ngục, của cả hoa và lệ, của cả lung linh và lầm lũi.

Trong thành phố khó sống ấy, vẫn có rất nhiều người dễ sống. Một cung điện lộng lẫy bên sông được sơn hoàn toàn bằng màu hồng đẹp tựa như cổ tích do một lãnh chúa đã xây nên để nhảy múa buông tuồng.

Rồi tòa nhà quốc hội đẹp nhất thế giới cũng nằm ở Dhaka, nơi đây hằng ngày các vị nguyên thủ họp bàn quyết sách còn các nhà báo đưa tin ngủ gật ở những tầng ghế phụ.

Những ngày ở Dhaka, tôi có cơ hội được thưởng thức đời sống văn hóa của dân thành thị. May mắn nhất có lẽ là đúng đợt ấy, tại đây đang diễn ra hội sách lớn nhất Nam Á, quy tụ hàng trăm nhà xuất bản. Jafar cũng là chủ một nhà phát hành nho nhỏ.

Tại gian hàng của anh, tôi có cuộc gặp gỡ kỳ lạ với Jaglul Haider, một nhà thơ kỳ cựu và trùng hợp thay, cũng là người dịch tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang tiếng Bengali.

Giáo sư Haider không biết tiếng Việt, ông dịch lại từ tiếng Anh, mặc dù thế, ông miên man nói chuyện về cuộc đời bôn ba của Cụ Hồ, ông hiểu về cụ có khi còn nhiều hơn cả một người Việt Nam là tôi nữa, rồi ông ngâm một bài thơ mà tôi đoán chính là bài Vọng nguyệt: “Trong tù không rượu cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ...”.

Để đáp lại, tôi đọc mấy vấn thơ của Tagore, vị thi thánh Bengali từng có thời gian sống tại Bangladesh và được người dân xứ này sùng bái, mà tôi mới đọc không lâu trong tập Thơ dâng tuyệt tác: “Hái bông hoa nhỏ bé này đi, rồi cầm lấy, đừng trù trừ anh ạ. Em sợ hoa sẽ rũ cánh và rơi vào cát bụi mất thôi...”.

Người viết về trăng, người viết về hoa, thế mà dường như cái tâm hồn hiến dâng của hai thi nhân đều như nhau cả. Sức mạnh của văn chương là thế đấy.

Và giữa một Dhaka nghèn nghẹt cư dân, một Dhaka bụi bặm cùng những con đường xóc nảy, một Dhaka khó sống dễ chết, những hồn hoa vẫn cứ bay lên!

Hiền Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/14cuthang__-bay-ngay-o-thanh-pho-kho-song-nhat-the-gioi-497637/