Bây giờ trời đã sang Đông

Ảnh: Internet

Không hiểu sao, tôi rất thích cái cảm giác giao mùa, ranh giới ấy thật mơ hồ không rõ rệt. Chu kỳ bốn mùa trong năm cứ tuần hoàn như một dòng chảy: Từ Xuân vào Hạ, từ Hạ vào Thu, từ Thu sang Đông.

Tôi thích tâm trạng “chớm Đông” hơn là “sang Đông” và “đầu Đông”. Trong cái cảm giác “chớm Đông” ấy có gì vừa mong manh bảng lảng, vừa sương sớm heo may chút nắng ngọt cuối Thu đã chạm vào vị Đông. Khi lá trên cành về cội đã thoáng chút vun vén để cây dồn nhựa vớt ánh diệp lục quang hợp nuôi cành. Hình như thiên nhiên cũng bày tỏ chân thành qua những màu hoa báo mùa. Hoa sen báo hiệu mùa Hè, hoa sữa nồng nàn hương vị đặc trưng của mùa Thu thì cúc họa mi trắng tinh khôi lại như “gọi” mùa Đông về. Đây là loài hoa nhỏ màu trắng cánh đơn, nhụy vàng. Cứ ngỡ mong manh li ti vậy mà không ngại tiết trời giông gió mưa phùn rét mướt. Hoa cứ bung nở khoe sắc trên các gánh hàng rong mang đến niềm vui cho mỗi ngôi nhà, để mùa Đông trở nên thân thiện và chân tình kiêu hãnh. Thu cho cúc vàng, từng đóa vàng lộng lẫy. Đông cho cúc họa mi li ti để thành trao gửi đắm đuối một vẻ đẹp khiêm nhường mà mời gọi sự ân tình tinh tế và duyên dáng. Loài hoa mang tên một loài chim quý phái âm thầm giấu vào mình bao tiếng hót gọi người, gọi bạn để bung nở sắc hoa, sắc thanh…

Đông về, mang đến cho ta bao nhung nhớ với những ngày đã xa và khơi dậy bao kỷ niệm. Có bập bùng bếp lửa mùa Đông mà tiếng reo phần phật của ngọn lửa như tiếng reo hò của tuổi thơ khi nhóm khói hun chuột trên đồng. Rồi cái nệm rơm quấn quýt vào ta hương đồng, hơi ruộng, vun lên trong ta cả sự ắp đầy no ấm. No và ấm là cái ước mơ khao khát một thời. Bây giờ ngon và đẹp, trong ngon đã có no, trong đẹp đã có ấm. Nhưng làm sao tìm lại được cái thơm tho tin cậy, chân thật đến vụng về của sum suê bền chắc từ sản phẩm nhà quê làm ra. Ấy là sạch cả từ ngọn gió Đông, mang theo vị khói đốt đồng, vị cơm thơm gạo mới bò ngoằn ngoèo trên mái rạ. Có ẩm ướt để hanh khô, khô ráo chứ không nứt nẻ khô giòn. Bấy giờ Đông về còn có vẻ rụt rè như chạm ngõ mặc dù: “Đã nghe rét mướt luồn trong gió/Đã vắng người sang những chuyến đò” (Xuân Diệu). Còn có bao phân vân như cánh cò trên bờ ruộng. Còn có bao gấp gáp như ngổn ngang mây trắng.

Đông về, bao màu áo được dịp khoe sắc. Những sợi len được dịp dệt bao nỗi niềm, bao tâm tình, sợi thương, sợi nhớ. Sợi len giăng mắc, tình người giăng mắc và Đông cũng chậm lại bởi được dịp khâu nối khi ta có dịp quây quần xua đi sự đơn lẻ cô quạnh. Đông cũng đã tạo ra một năng lượng mới đó là năng lượng của tình người, của hơi người. Không còn gián cách khi mà:“Em đi lửa cháy trong bao mắt/Anh đứng thành tro em biết không” như tâm trạng của nhà thơ Vũ Quần Phương khi Đông về bắt gặp “Áo đỏ em đi giữa phố đông”. Ơi cái màu đỏ, đỏ như bếp lửa, đỏ như sắc áo, đỏ ngời và đỏ rạng.

Và ta bỗng nhận ra có một khóm dong riềng thắp đỏ. Nhưng thiên nhiên mùa Đông khắc nghiệt để một sớm ra vườn bỗng trống vắng: “Còn một chút hoa dong riềng cuối giậu/Có một ngày sương muối đến mang đi” (Hữu Thỉnh). Sương muối có thể mang đi cái sắc đỏ của hoa nhưng không thể lấy được cái nồng nàn thắm tươi dồn về cho củ. Chính cái màu hoa lặng lẽ nhỏ nhoi rất dễ bị khuất lấp của khóm dong riềng cho ta nhận ra hơi ấm của tình người, của cộng đồng là sắc đỏ muôn thủa lan tỏa ấm áp và bền bỉ. Bền bỉ như sợi rơm vàng chuốt thành sợi nắng. Bền bỉ như gốc củi khô thổi bùng ngọn lửa. Bền bỉ như miếng trầu của bà của mẹ. Ta đã sẵn sàng đồng hành với mùa Đông, bởi sáng nay nhìn lên và nhận ra: Bây giờ trời đã sang Đông.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/201811/tan-van-bay-gio-troi-da-sang-dong-825327/