'Bây giờ muốn đọc thơ trước đám đông, anh phải trả tiền'

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thơ ca đang bị đẩy dạt sang một bên đời sống, bị các loại hình giải trí khác chiếm độc giả, thậm chí người ta còn đùa muốn đọc thơ phải mất tiền.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa đạt giải thưởng thơ Changwon KC của Hàn Quốc. Giải thưởng này không chỉ mang tới vinh dự cho bản thân tác giả, mà còn là niềm vui cho người yêu thơ Việt. Nhân dịp này, Nguyễn Quang Thiều trò chuyện về giải thưởng, thơ ca Việt Nam, và cách quảng bá thơ ca trong thời đại bùng nổ các loại hình giải trí.

Thơ đăng Facebook, chỉ cần được chia sẻ, đồng cảm đã hạnh phúc rồi

- Giới văn chương vui mừng trước tin nhà văn Nguyễn Quang Thiều đạt giải Changwon KC của Hàn Quốc. Không biết, ông đã được thông báo thế nào về giải thưởng?

- Cách đây vài ngày tôi nhận được thông báo mình đạt giải. Tôi sẽ nhận giải vào ngày 7/9 tại Hàn Quốc, sau đó tham dự Liên hoan Văn học Changwon.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi - Mỹ Latin.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi - Mỹ Latin.

- Phần thưởng mà ông nhận được là gì?

- Theo quy định lâu nay của Hàn Quốc, phần thưởng là 5.000 USD (khoảng 114,9 triệu đồng) tiền mặt, kèm chi phí đi lại ăn ở, tham dự lễ trao giải, tham dự một hoạt động về thơ ca tại Hàn Quốc trong dịp này.

- Cho tới khi thông tin nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đạt giải thưởng Changwon KC, nhiều người Việt mới biết tới giải thưởng này. Trước đây ông đã biết tới giải thưởng hay chưa?

- Tôi cũng như mọi người, chưa biết nhiều về giải thưởng; bởi chúng ta thường chú ý đến nhưng giải thưởng lớn, hoặc tên tuổi. Trước đó, tôi được thông báo là được đề cử cho một giải thưởng như vậy của Hàn Quốc. Bẵng đi một thời gian, một ngày họ thông báo tôi được giải.

Sau khi được thông báo mình đạt giải, tôi vào Internet đọc, tìm hiểu giải thưởng này ra sao, tổ chức trao giải là như thế nào. Lúc đó mới biết những người được giải đều là những tên tuổi lớn mà mình từng đọc, hoặc có người là bạn tôi ở Mỹ.

Giải thưởng trao cho nhà thơ quốc tế, có quá trình sáng tạo thi ca, có dấu ấn trong quá trình sáng tạo. Họ xem xét những hoạt động, những tập thơ đã in trong nước, giải thưởng thơ ca trong và ngoài quốc gia của nhà thơ đó, việc xuất hiện thơ của họ trên báo, tạp thí, tuyển tập xưa nay.

Giải thưởng chỉ trao cho các nhà thơ từ 50 tới 65, tôi không hiểu rõ lý do vì sao lại chọn những nhà thơ trong độ tuổi ấy. Nhưng tôi nghĩ, nhà thơ trong độ tuổi đó đã có một quá trình sáng tác nhất định, chưa nói hết cuộc đời, nhưng gần hết cuộc đời; và trao cho họ trong độ tuổi này để họ vẫn tiếp tục sáng tạo trong phần đời còn lại của mình.

- Ông có biết những tác phẩm cụ thể giúp ông đạt giải là gì không?

- Trước tiên, người ta xét quá trình sáng tác. Tôi đã vài ba lần có thơ được giới thiệu trên các tuyển thơ, tạp chí Hàn Quốc. Những bài thơ của tôi được dịch sang tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh là cơ sở để họ xem xét.

Những bài thơ này được chọn lựa từ nhiều tập thơ, đặc biệt từ Sự mất ngủ của lửa đến những tập sau này. Qua tác phẩm thơ, hoạt động thơ của người đó, qua sự xuất hiện thơ của người đó trên quốc tế, dựa trên những giải thưởng mà người đó đã đạt được… dựa trên đó, hội đồng cùng trao đổi, bàn luận, bỏ phiếu để tìm ra người đạt giải.

- Cảm xúc của ông ra sao khi biết mình đat giải?

- Tôi rất vui. Đối với người làm thơ, nhận được sự đồng cảm là điều quan trọng. Ví dụ, ai đó làm thơ đăng lên Facebook mà nhận sự chia sẻ, ủng hộ bài thơ đó thì đã vui rồi. Huống hồ có những tổ chức, giải thưởng uy tín (Changwon KC là giải thưởng uy tín của Hàn Quốc) đọc và đồng cảm nữa.

Khi được giải này tôi hạnh phúc. Một lần nữa thơ của mình được những người bạn ở nền văn hóa khác đọc, và hưởng ứng ở một góc nào đó, thì đó là niềm hạnh phúc cho người sáng tác.

- Trước đây thơ ca của ông đã xuất hiện như thế nào tại Hàn Quốc?

- Tôi đã 3 lần trình bày thơ của mình tại Hàn Quốc (hai lần tham gia liên hoan, một lần tham gia hội thảo), thơ của tôi được tuyển tập, tạp chí thơ uy tín Hàn Quốc giới thiệu. Mỗi lần như thế họ giới thiệu khoảng 5 đến 10 bài thơ.

Qua 2, 3 lần giới thiệu như thế, có lẽ họ có một cách nhìn nào đó về thơ tôi. Khi họ nghiên cứu về những ứng cử viên của giải, có thể họ đã tìm hiểu thông tin về tôi về tác phẩm xuất hiện trên thế giới. Thơ tôi đã xuất hiện ở Mỹ, Anh, Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha…

- Đã có nhiều thơ được giới thiệu ở nước ngoài. Vậy ông có bí quyết, cách thức nào quảng bá thơ ca của mình không?

- Kể ra chúng ta có một lộ trình để giới thiệu thơ ca thì tốt hơn. Tôi cũng đi tham dự những liên hoan thơ quốc tế. Những tổ chức, các hội nhà văn giới thiệu các hội viện, các tác giả tới nhau. Một ngày tôi nhận được email, họ nói họ muốn giới thiệu, mời tôi tham dự những hội thảo, liên hoan thơ như vậy. Và tôi tham dự.

Năm 1992 tôi đi Mỹ tham dự một hội thảo thơ mùa hè. Để người Mỹ biết điều gì đó về thơ mình, tôi tự dịch thơ trong tập Sự mất ngủ của lửa ra tiếng Anh, tôi đọc bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Sau đó một nhà thơ đã đến nói với tôi rằng: “tôi muốn đọc thơ ông, được dịch thơ cùng ông”. Và tập thơ Những người đàn bà gánh nước sông xuất bản năm 1997 tại Mỹ. Sau đó tạp chí Đại học Harvard có giới thiệu trang trọng tập thơ này. Những đánh giá của họ khiến tôi bất ngờ xúc động.

Năm 1998, Hiệp hội các dịch giả văn học cấp quốc gia Mỹ đã trao giải thưởng cho tập thơ đó ở Mỹ.

Tôi cũng có những bài thơ mà bạn đọc tự dịch, ví dụ năm 2011, bài thơ Bài hát về cố hương được một dịch giả chuyển ngữ, và được trao là Bài thơ dịch hay nhất năm tại báo Văn học Nga.
Việc dịch thơ của tôi đến rất tự nhiên. Thế giới họ có nhu cầu tìm hiểu thơ của các dân tộc khác nhau. Ai có cơ hội sẽ làm. Điều thiệt thòi cho các nhà thơ Việt Nam là ít được học tiếng Anh. Các sự kiện xuất bản, giao lưu, chúng ta vẫn chưa có dự án truyền bá văn học Việt Nam ra nước ngoài một cách chiến lược.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (giữa) trong Ngày hội thơ ở Văn Miếu.

- Như vậy nhà văn muốn quảng bá tác phẩm của mình cần tự giắt lưng vốn liếng ngoại ngữ?

- Họ không nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ, nhưng phải có một chiến lược, ngân sách để dịch và truyền bá cho việc đó. Điều này phải nằm trong chiến lược của nhà nước, chọn giới thiệu các nhà thơ tốt.

Mấy năm nay tôi làm Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà văn Á, Phi, Mỹ Latin, tôi đã chọn lựa những bài thơ Việt dịch sang tiếng Anh giới thiệu trên tạp chí Hoa Sen của hội. Nếu nơi nào phát hiện, yêu thích nhà thơ nào của Việt Nam thì liên hệ để dịch, giới thiệu.

Bạn đọc không còn say đắm thơ như thuở trước

- Với tư cách Phỏ Tổng thư ký hội Nhà văn Á, Phi, Mỹ Latin, ông đánh giá như thế nào về mặt bằng thơ ca Việt Nam hiện nay?

- Chúng ta có nền thơ ca đa dạng, phong phú. Trong những năm chiến tranh, thơ ca chúng ta dồn vào mục đích cao nhất là giải phóng dân tộc. Sau năm 1975, thơ ca chúng ta thay đổi, đổi mới, tiếp cận thế giới nhanh chóng. Không ít nhà thơ Việt Nam hiện diện trên các văn đàn uy tín, ví dụ như Mai Văn Phấn nhận giải Cikada, trước đó là nhà thơ Ý Nhi…

Từ đó có thể thấy mặt bằng thi ca của nước ta có bản sắc riêng, có sự ngang bằng, càng ngày sự phong phú, tính hiện đại của thơ Việt ngày càng cao. Nhưng việc chuyển dịch của chúng ta còn yếu. Vì thế sự xuất hiện của các nhà thơ Việt Nam khi đứng cạnh các nhà thơ khác trên thế giới, được các bạn thế giới chia sẻ vô cùng hạn chế.

- Quay lại tình hình tiếp nhận thơ trong nước, ông nghĩ sao khi ngày càng ít người bỏ tiền ra mua thơ?

Tập thơ The Woman Carry River Water xuất bản tại Mỹ.

- Việc bạn đọc yêu thơ không còn nhiều, không say đắm như thuở trước, tôi cho đó là một xu thế thường thấy không chỉ ở Việt Nam, mà khá nhiều nước trên thế giới.

Nhưng lướt qua mạng xã hội thấy nhiều người làm thơ, khi viết thơ trên Facebook vẫn được chia sẻ. Nghĩa là người Việt Nam vẫn luôn hướng đến những bài thơ rung cảm, sâu sắc, chạm tới bên trong tâm hồn mỗi người đọc.

Trong đời sống này, không chỉ thơ ca, mà nhiều loại hình khác cũng bị đẩy lùi ra, dạt sang một bên, như văn xuôi, hội họa, âm nhạc chính thống… Chúng ta nên nhìn lại để tìm cách tuyên truyền quảng bá tốt hơn nữa.

Có những người khi nghe đọc thơ đã nói: “Chúng tôi hoàn toàn không biết đến tác giả này. Nhưng khi nghe bài thơ này, tôi phát hiện ra nhiều điều, và muốn đọc nhiều hơn nữa”.

Như vậy, cách chúng ta truyền bá thơ ca của ta, các nhà thơ rơi vào thế bị động, không lạc quan lắm cho việc giới thiệu thơ của mình. Các nhà thơ làm thơ ra, đọc cho đồng nghiệp của mình nghe, in với số lượng rất nhỏ, mang đi tặng, rồi tác phẩm vào quên lãng. Điều này lỗi do thi ca có phần, nhưng có một cách chúng ta truyền bá cho thơ ca yếu kém.

- Tức là bản thân người sáng tác cần phải biết cách quảng bá thơ mình?

- Người ta vẫn thường đùa: Bây giờ muốn đọc thơ trước đám đông, anh phải bỏ tiền ra, muốn được đọc thơ thì phải tặng tiền cho người ta rồi đọc.

Đó chỉ là cách nói đùa hài hước, nhưng điều đó cho thấy sự tiếp nhận của công chúng với thơ ca đã hạn chế đi rất nhiều. Họ đang phải tiếp nhận lượng thông tin giải trí quá lớn từ mạng, truyền hình…

Nhưng ngay tại Mỹ là đất nước hiện đại như vậy, công nghiệp giải trí phát triển như vậy, nhưng các hoạt động thi ca của họ dày đặc, đều đặn, liên tục. Tôi biết một tờ báo ở Masachuset, vẫn thường xuyên đưa tin những chương trình giới thiệu đọc thơ, giao lưu các nhà thơ ở một câu lạc bộ, ở một quán café, thư viện hay nhà thờ. Đó cũng là một cách truyền bá thơ.

Theo news.zing.vn

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/cuoc-song-va-van-hoa/bay-gio-muon-doc-tho-truoc-dam-dong-anh-phai-tra-tien-352162.html