Bẫy đất

Gần hai mươi năm trước, khi Nhơn Trạch (Đồng Nai) được quy hoạch thành phố và tiến hành xây dựng hạ tầng, cơn sốt đất nơi này nổi lên như sấm chớp. Dòng người từ khắp nơi đổ xô về đây săn đất, nhộn nhịp như đi trẩy hội. Không chỉ trong khu đô thị, đất những khu vực lân cận cũng được săn lùng ráo riết, dù chỉ mua bán giấy tay.

Tôi và nhiều người thân, bạn bè cũng bị cuốn vào cơn địa chấn đó và đã dốc những đồng tiền ky cóp được trong bao nhiêu năm, rồi huy động thêm từ nhiều nguồn khác, kể cả vay ngân hàng với lãi suất cao để vội vã “xuống tiền” kiếm một vài suất đất với hy vọng đổi đời khi thành phố mọc lên.

Một năm, hai năm, rồi cả chục năm chờ đợi, thành phố Nhơn Trạch vẫn chẳng thấy đâu, dù đường rộng thênh thang. Thay vào nhà cửa, phố xá là những đám cỏ hoang, lau sậy ngút ngát và trở thành nơi chăn thả trâu bò. Từ hy vọng, phấn khích, mọi người rơi vào trạng thái thất vọng, lo lắng với một đống nợ nần chôn trong “thành phố ma” Nhơn Trạch.

Đâu chỉ Nhơn Trạch, từ bao năm qua những cơn sốt đất vẫn luôn bất ngờ xuất hiện ở đâu đó. Chỉ cần một thông tin, thậm chí chỉ là đồn đoán, về quy hoạch dự án khu đô thị, trung tâm thương mại hay công trình nào đó như sân bay, cảng, cầu đường, khu công nghiệp… là lập tức cơn sốt đất xảy ra. Mới đây nhất, tại Bình Phước, một cơn địa chấn trong thị trường đất đai đã diễn ra khi có thông tin tỉnh này sẽ xây dựng sân bay. Dù mới chỉ là dự kiến của địa phương nhưng cũng khiến cho hoạt động mua bán đất đai khu vực xung quanh “sân bay” trở nên huyên náo và giá cả tăng theo chiều thẳng đứng.

Bạn tôi, người ngày trước rủ tôi đi xem đất Nhơn Trạch, giờ đã thuộc hàng có “số má” trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phân tích: Chủ yếu có 3 dạng nhà buôn đất. Thứ nhất là người ky cóp những đồng tiền dành dụm sau bao năm vất vả, mua miếng đất để chờ thời. Thứ hai, những người có tiền nhưng đầu tư theo kiểu lướt sóng. Loại còn lại là những con cá mập, âm thầm thu gom rất nhiều đất để làm chủ cuộc chơi. Cả ba loại này, dù khác nhau về tính chất, mức độ nhưng đều giống nhau ở chỗ không có nhu cầu nhà đất để ở, mua rồi để đó.

Nhưng không nằm yên chờ thời, khi nắm trong tay một lượng đất đáng kể, họ bắt đầu tung chiêu làm cho thị trường nóng lên, nhất là tận dụng cơ hội khi nhà nước chuẩn bị triển khai các dự án đầu tư để tạo sóng. Nhiều trường hợp khác tự vẽ ra quy hoạch khu đô thị và các dự án đầu tư đi kèm để thu hút, chiêu dụ con mồi.

Tất nhiên, để làm được điều này, những con cá mập phải có nhiều vây cánh, “tay trong, tay ngoài” cùng phối hợp nhịp nhàng, nhất là với lực lượng cò đất tại địa phương để thổi giá và chiêu dụ. Đó là lý do tại sao, ở rất nhiều nơi, kể cả vùng sâu vùng xa, dù kinh tế khó khăn, người dân còn nghèo và nhu cầu nhà, đất ở không cao nhưng giá đất luôn cao chót vót và đa phần người dân vẫn tin đó là sự thật.

Trước những ma trận và đòn tung hỏa mù, những con mồi - thường là người ít tiền, không đủ kinh nghiệm, hiểu biết thị trường - bị sập bẫy là điều khó tránh khỏi. Và rất nhiều người đã đổ gục khi vướng vào “bẫy đất”.

Đại Dương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/bay-dat-1802504.tpo