Bay bổng cùng Hồ Mây

Hồ Mây vốn là một hồ nước nhỏ do thiên nhiên tạo ra nằm trên đỉnh núi Lớn ngay trung tâm thành phố biển Vũng Tàu. Hồ Mây cao hơn mặt nước biển 250m, được người dân địa phương đặt cho cái tên này vì vào những ngày mưa, mây bao phủ kín đỉnh núi và từ dưới nhìn lên chỉ thấy trùng điệp núi rừng quyện với mây trời.

Sau hơn 15 năm xây dựng, nơi đây giờ đã biến thành một khu du lịch (KDL) sinh thái hấp dẫn bậc nhất của phố biển. Người biến núi đá thành điểm du lịch chính là cựu chiến binh Đậu Văn Hóa (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu, chủ đầu tư KDL Hồ Mây).

Khu du lịch tổng hợp trên đỉnh núi

Mặc dù chưa bình phục hẳn sau cơn tai biến, nhưng khi nghe có khách từ TPHCM xuống, ông Hóa liền đích thân đưa chúng tôi lên núi. Chỉ sau ít phút ngồi cáp treo, chúng tôi đã đặt chân lên gần đỉnh núi. Ông lấy ô tô điện chở chúng tôi men theo những con đường xi măng ngoằn ngoèo xây dựng dọc sườn núi, tham quan một vòng KDL nằm ẩn hiện giữa những tán cây rừng. Không khí thật trong lành, dễ chịu.

Cáp treo Vũng Tàu

Cáp treo Vũng Tàu

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là khu Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được gấp rút hoàn thiện, dự kiến sẽ mở cửa đón khách sau Tết Nguyên đán 2019. Nhà gồm 5 gian, 2 chái, làm từ gỗ đỏ, giáng hương, được ông Hóa mua từ Tây Nguyên chở về; bên ngoài thiết kế tiểu cảnh, hồ sen, có đồi A1 tưởng nhớ chiến công lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu gắn với uy danh của Đại tướng ở Điện Biên Phủ năm 1954. Đây là nơi cao nhất của núi Lớn (cao 260m) để thể hiện tấm lòng của một cựu binh dành cho vị tướng huyền thoại, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xuôi theo một con dốc thoai thoải là đến khu Công viên nước đầu tiên trên núi ở Việt Nam, rồi hồ bơi và cạnh đó là một resort tiêu chuẩn 4 sao với 70 phòng. Lượn qua bên kia của sườn núi là một vườn hoa lớn, đi xuống một đoạn nữa là công trình nhạc nước có sức chứa 5.000 chỗ ngồi. “Công trình hiện đại tầm cỡ châu Á với màn hình cỡ lớn diện tích 16 x 60m”, ông Hóa nói.

Ít ai ngờ, khi đặt chân lên đến đỉnh núi này lại là cả một thế giới vui chơi, khám phá. Chỉ riêng khu vui chơi công nghệ cao đã có đến 22 trò tiêu khiển như nhạc nước, rạp phim 3D, bóng nước, công viên nước, câu cá khủng… Vừa làm hướng dẫn viên, ông Hóa vừa để ý quan sát công việc của nhân viên, lúc thì ông dừng lại bảo sửa lại cái thùng rác cho ngay ngắn, khi lại đòi phạt một nhân viên bày đồ ra phơi chiếm đường đi của khách. Sự tỉ mỉ của ông khiến chúng tôi hiểu được phần nào mồ hôi, công sức, tâm trí của doanh nhân cựu binh đã bỏ ra trong suốt hơn 15 năm trời cho KDL này, trong điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt núi cao, mưa và mây mù, nhất là vào mùa biển động với bão, gió thổi thốc vào từ biển khơi.

Định hình 5 dòng sản phẩm

Tranh thủ lúc ngồi cáp treo xuống núi, ông Hóa kể một cách rành rọt cho chúng tôi nghe về KDL Hồ Mây - một sản phẩm ra đời cùng quá trình đổi mới, phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây gần 20 năm.

Vốn là một giáo viên dạy Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp ở Vĩnh Phúc, cuối năm 1973, ông Hóa là thành viên của đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh binh chủng tăng cường vào chiến trường miền Nam. Ngày 30-4-1975, ông vinh dự cùng những người lính tăng thiết giáp có mặt để giải phóng Sài Gòn. Ông về Vũng Tàu làm doanh nghiệp từ năm 2000, khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành chủ trương cho lập công ty cổ phần du lịch với sự hợp tác của 10 doanh nghiệp. Năm 2003 được đánh dấu bằng việc xây dựng cáp treo, năm 2004, đơn vị chỉ còn 4 pháp nhân, và đến năm 2012, 3 đối tác rút nốt, chỉ còn lại mỗi Công ty Cáp treo của ông Hóa. Ông Hóa nhẩm tính, tổng vốn đầu tư lúc đó tính đến khi KDL tổng hợp này đi vào hoạt động là khoảng 1.500 tỷ đồng, nếu tính theo giá hiện tại thì khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng.

Trò chơi xe trượt dốc ở KDL Hồ Mây

Hiện nay, Hồ Mây đã định hình 5 dòng sản phẩm, đầu tiên là du lịch sinh thái với rừng đặc dụng cảnh quan có diện tích lên đến 1.000ha rừng bao quanh tạo cho KDL Hồ Mây luôn có nhiệt độ lý tưởng, bình quân là 250C, đến tối chỉ còn 230C. Thứ hai là du lịch văn hóa với đền thờ tâm linh, nhà hát biểu diễn văn hóa nghệ thuật, ảo thuật quốc tế. Kế tiếp là du lịch ẩm thực với hệ thống 5 nhà hàng trên núi và 3 nhà hàng ở dưới chân núi (công ty tổ chức một khu nuôi trồng riêng cung cấp thực phẩm tươi sống như heo, gà, cá cho du khách thưởng thức tại chỗ). Thứ tư là du lịch vui chơi, giải trí với một hệ thống trò chơi dân dã đến mạo hiểm. Thứ năm là du lịch nghỉ dưỡng với 100 phòng lưu trú.

Khó nhất vẫn là cơ chế quản lý

Hiện KDL Hồ Mây đang tạo việc làm cho 1.000 lao động với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng/người. Theo kế hoạch, KDL Hồ Mây sẽ có thêm 2 khách sạn 5 sao (một sát biển và một trên núi), thêm 1 thủy cung hiện đại với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Ông Hóa còn ấp ủ dự định sẽ đầu tư đường lên núi cho ô tô và xe máy. Hiện đã có sẵn một con đường rộng 4m làm từ cách đây khoảng 50 năm để xe quân sự lên xuống trạm radar.

Ông Hóa cho biết: “Thời gian tới sẽ có công văn gửi tỉnh xin chủ trương và nếu được tỉnh chấp thuận, đơn vị sẽ đầu tư mở rộng mặt đường thành 8m, dài 5km có dải phân cách cứng ở giữa, dự toán kinh phí khoảng 350 tỷ đồng, để tạo thuận lợi cho các loại xe cộ muốn du ngoạn khung cảnh rừng núi trên đỉnh núi và phát triển du lịch thêm”.

Có lẽ, bên cạnh ý chí làm du lịch thôi thúc, chính những giây phút bồng bềnh trên cao, dưới mây trời ở Hồ Mây, đã giúp người cựu binh này có những ý tưởng mới cho tương lai.

“Sau quá trình hơn 15 năm đầu tư một dự án lớn về du lịch như Hồ Mây thì khó khăn lớn nhất mà ông gặp phải là gì?”, chúng tôi hỏi.

Ông Hóa trầm ngâm: “Khó khăn lớn nhất không phải là vốn vì đã có sự hỗ trợ của bạn bè. Cái khó nhất chính là cơ chế quản lý, là thủ tục hành chính, là phương thức làm việc còn nhiều trở ngại cho doanh nghiệp”. Theo ông Hóa, xã hội phát triển phải thay đổi cơ chế quản lý, trong đó có cả lương bổng phù hợp cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ để hạn chế tiêu cực, không cần cái kiểu “không lo lót là không xong”. Cái gốc của vấn đề, chính là do lương ít, thu nhập chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống của công chức và gia đình.

Rời Hồ Mây xuống núi, cảm giác bay bổng giữa mây trời trên cao hòa quyện với ý tưởng dám nghĩ dám làm của chủ đầu tư KDL Hồ Mây vẫn cứ níu bước chân mỗi chúng tôi…

VĂN PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bay-bong-cung-ho-may-575112.html