Bày bán thức ăn đường phố không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Hỏi: Trên đường đi làm tôi thường thấy có mấy người bán cơm nắm, bánh dày giò ven đường. Tôi thấy việc bày bán thức ăn đường phố trên thúng, mẹt không có bàn, giá, kệ,… không có biện pháp che đậy bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xin hỏi việc bán hàng như vậy có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì những người bán hàng sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?

(Nguyễn Hải Linh, trú tại Tây Hồ, Hà Nội)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 31 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố như sau:

“1. Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.

2. Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.”

Theo quy định trên, bán thức ăn đường phố phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố. Việc những cá nhân bán cơm nắm, bành dày giò ven đường không bày bán đồ ăn trên bàn, giá, kệ,… không có biện pháp che đậy bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật An toàn thực phẩm. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cụ thể:

“Điều 16. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn;

b) Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

b) Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố;

c) Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn;

d) Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống;

đ) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn đường phố, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này”

Như vậy, hành vi bày bán thức ăn đường phố trên thúng, mẹt không có bàn, giá, kệ, … không có biện pháp che đậy bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý theo quy định tạ điểm a Khoản 1 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tại Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân, và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với mỗi cá nhân bán bán cơm nắm, bánh dày giò ven đường trên thúng, mẹt không có bàn, giá, kệ, … không có biện pháp che đậy bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là 750.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Hoàng Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bay-ban-thuc-an-duong-pho-khong-co-ban-gia-ke-phuong-tien-bao-dam-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-196512.html