'Báu vật' trăm năm của tộc người Khùa

Tộc người Khùa, thuộc nhóm dân tộc Bru-Vân Kiều, sống rải rác lưng chừng núi thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hơn 100 năm nay, người Khùa vẫn gìn giữ, lưu truyền những quyển sách lá được xem là 'báu vật' thiêng liêng về gốc gác, cội nguồn cũng như kinh nghiệm sinh tồn của dân tộc mình.

Nguồn gốc “báu vật”

Ông Hồ Phoong, người duy nhất còn giữ được 2 quyển sách lá cuối cùng của tộc người Khùa.

Theo các thư tịch cũ, do không có chữ viết nên người Khùa phải vay mượn chữ Lào cổ (ngày xưa các nhà sư Lào thường dùng để viết kinh Phật), rồi viết lại những gì cần lưu trữ trong sách lá, truyền lại cho thế hệ con cháu đời sau.

Sách lá được làm từ lá cây Thốt Nốt, cây Bay Lan ở Cam-pu-chia hay lá cây Buông ở Lào. Từ lá cây tươi, để “thành sách”, phải ủ những lá cây này đủ 1 năm, sau đó đem phơi nắng, sấy khô, vuốt thẳng rồi mới viết chữ lên và đóng thành quyển. Mực viết lên lá là loại mực tàu trộn với mật của một loại cá sống ở khe suối. Nhờ đó chữ viết mới không bị mờ hay nhòe khi tiếp xúc với nước. Sách lá tiếng Lào gọi là “Mạy mặc tàn”, tiếng Khùa gọi là “Phôộc năng xừ”. Loại sách này được lưu hành thông dụng ở Lào vào khoảng hơn 200 năm trước. Xưa, chỉ những gia đình danh giá, có học mới có những quyển sách này.

Ông Hồ Phoong (62 tuổi), người duy nhất trong bản Kroong, xã Dân Hóa còn giữ được hai quyển sách lá. Một quyển dài khoảng 50cm, có 150 trang (mỗi trang rộng chừng 5cm có 5 dòng chữ viết), quyển còn lại dài khoảng 60cm, có 200 trang (mỗi trang có 4 dòng chữ viết). Điều đặc biệt, loại sách lá này có thể ngâm trong nước mấy ngày liền vẫn không nát, chữ viết không nhòe.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phoong cho biết, lâu quá rồi nên ông không còn nhớ rõ sách cổ này ra đời từ bao giờ. Chỉ nghe ông nội của ông kể lại rằng, từ đời cụ nội đã có hai quyển sách lá này. Trước lúc lâm chung, cụ gọi hai bố con ông lại căn dặn, dù thế nào cũng phải gìn giữ hai bộ sách lá cẩn thận, bởi đó là gốc tích, là nguồn cội của người Khùa. Khắc ghi lời dạy ông cha, mấy chục năm nay ông Hồ Phoong vẫn luôn gìn giữ hai quyển sách như là “báu vật” và đặt trang trọng ngay trên bàn thờ gia tiên của nhà mình.

“Cách đây mấy năm có mấy tay săn đồ cổ về hỏi mua, trả tôi gần chục triệu đồng, nhưng tôi không bán vì bán sách lá, khác nào bán cả gốc tích, cội nguồn của dân tộc mình. Chỉ tiếc là cha tôi mất sớm không kịp truyền lại cho tôi cách đọc” . Ông Hồ Phoong tâm sự.

Nỗi niềm người Khùa

Một số già làng ở Dân Hóa cho biết, sách lá là cuốn “Bách khoa toàn thư” ghi lại nguồn gốc của tộc người Khùa, tập tục văn hóa và cả những điều răn dạy về đạo lý, kinh nghiệm trồng trọt, đất đai, thời tiết cũng như những “kỹ xảo” về săn bắn, hái lượm... do nhiều đời trước truyền lại. Theo “gợi ý” này, chúng tôi đã mượn hai quyển sách của ông Hồ Phoong và chuyển cho chị Trần Thị Thanh Loan, thông dịch viên Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, từng tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học Đại học Quốc gia Lào nhờ giúp đỡ, nhưng chị Loan cũng chỉ đọc được một số chữ ở trong văn tự cổ này, còn lại thì lắc đầu “bó tay”.

Cũng như chị Loan, ông Hồ Căm (77 tuổi) ở bản Y Leng, xã Dân Hóa cũng chỉ đọc được một số đoạn trong hai quyển sách lá. Lật dở từng trang, ông đọc cho chúng tôi nghe một đoạn, chuyện chàng trai Khùa đứng hát và thổi khèn bên dòng suối Y Leng thơ mộng, tán tỉnh cô gái xinh đẹp cùng bản. Ông cho biết, loại sách lá này còn được người Khùa dùng để ghi lại các bài khấn trong tang lễ, cúng bái. Ông Hồ Kết (86 tuổi) ở bản Y Leng trước đây cũng có một cuốn, nhưng đã bị mất trong một lần ông chuyển nhà...

“Sách lá của người Khùa còn được lưu giữ hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đang bị mai một dần. Thêm vào đó, người biết tiếng Lào cổ để đọc được sách này chủ yếu là người già trong bản, thế hệ này cũng rất ít người còn sống. Họ cũng chỉ đọc được một số đoạn trong sách. Giá trị nội dung, nghệ thuật của sách vì thế không thể nào đánh giá được hết. Hy vọng trong tương lai, các nhà văn hóa, ngôn ngữ sẽ cùng vào cuộc, có những công trình nghiên cứu góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa của bộ sách lá” - Ông Đinh Minh Đấu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết.

Nhi Lê

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bau-vat-tram-nam-cua-toc-nguoi-khua/