Bầu trời Việt Nam có thêm hãng hàng không mới

Cục Hàng không Việt Nam vừa cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines).

Với giấy chứng nhận khai thác, Vietstar Airlines chính thức trở thành doanh nghiệp hàng không lưỡng dụng đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.

Hai loại tàu bay được cấp phép bay là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300. Embrear Legacy 600 là tàu bay phản lực thương gia hiện đại lắp nội thất ghế VIP, có tầm bay thẳng lên tới 8 giờ trong bán kính khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Vietstar Airlines sẽ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thể hiện tính sang trọng và đẳng cấp thương gia cao nhất.

Bên cạnh các hoạt động bay hàng không chung, Vietstar Airlines và các doanh nghiệp khác trong hệ thống Vietstar còn cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng tàu bay thương mại, dịch vụ bay y tế (Medivac) nội địa, quốc tế với các loại máy bay hiện đại; tích cực chuẩn bị các dự án đầu tư hạ tầng sân bay tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và dự án hãng hàng không Vietstar Air phù hợp với chính sách xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay.

Cuối năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar.

Được thành lập năm 2010, Vietstar Airlines là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).

Theo trang chủ của hãng hàng không này, hãng chủ yếu cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam và phục vụ cho các yêu cầu quốc phòng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.

Như vậy hiện nay, tại thị trường nội địa sẽ có các Hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways và Vietstar Airlines. Trước đó, một số hãng hàng không từng hoạt động là Indochina Airlines, Air Mekong.

Trong một báo cáo gần đây về ngành hàng không, CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo thị trường hành khách nội địa sẽ tăng trưởng CAGR 5,9%/năm cho giai đoạn 2018-2025 với động lực tăng trưởng đến từ mức thu nhập người dân tăng lên, cơ cấu dân số vàng với tỷ trọng tầng lớp trung lưu tăng lên, và tỷ lệ hành khách nội địa trên tổng dân số vẫn ở mức thấp.

Thị trường hành khách quốc tế được MBS dự báo tăng trưởng CAGR 11,4%/năm cho giai đoạn 2018-2025, động lực tăng trưởng từ thị trường du lịch đi và đến Việt Nam. Đó có lẽ là lý do khiến nhiều công ty xếp hàng chờ được bay.

MBS nhận định rằng sự phát triển của các hãng hàng không trong tương lai sẽ tập trung sang thị trường quốc tế khi thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại, rào cản thị phần lớn.

Bên cạnh sự cạnh tranh sẽ lớn dần, trong một báo cáo, FlightGlobal cho biết ngành hàng không Việt Nam tiếp tục gặp khó với tình trạng quá tải năng lực tiếp nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi sân bay quốc tế Long Thành vẫn đang trong quá trình triển khai.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bau-troi-viet-nam-co-them-hang-hang-khong-moi-154489.html