Bầu Thủ hiến bang tại Thüringen và cái bắt tay lay động người Đức

Dịch bệnh viêm phổi do virus corona đang lây lan trên toàn cầu không phải là điều duy nhất khiến nước Đức và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại. Nhận định của Thế giới & Việt Nam.

Cái bắt tay giữa tân Thủ hiến Thuringen Thomas Kemmerich và thủ lĩnh AfD tại Thurinberg Bjorn Hocke đã khiến người Đức giật mình. (Nguồn: DPA)

Cái bắt tay có phần tương tự giữa Adolf Hitler, Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa (NSDAP hay Nazi) và Chủ tịch Nghị viện Đế chế Đức Paul Von Hindenburg đã mở ra thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Đức và thế giới. (Nguồn: Getty Images)

Địa chấn từ Thüringen

Ngày 27/10/2019, 1,73 triệu cử tri (chiếm 64,9%) bang Thüringen đã đi bỏ phiếu bầu cử nghị viện bang thay thế cho nhiệm kỳ của chính phủ liên minh Đỏ - Đỏ - Xanh (Cánh tả - Dân chủ Xã hội - Đảng Xanh) do thủ hiến Bodo Ramelow lãnh đạo cầm quyền từ 2014. Kết quả, Đảng Cánh tả đạt số phiếu cao nhất (31%), Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) với 21,7%, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) với 8,2%, Đảng Xanh với 5,2% và Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) với 5%. Điều đáng ngại hơn cả là sự thắng thế của đảng cực hữu “Giải pháp cho nước Đức” (AfD): Lần đầu tham gia tranh cử, song AfD đã về nhì (23,4%) vượt lên trên cả CDU, từng cầm quyền hơn 20 năm cầm quyền ở bang này kể từ ngày thống nhất.

Với kết quả này, việc lập chính phủ mới tại Thüringen sẽ cực kỳ khó khăn, do cả liên minh Đỏ - Đỏ - Xanh của ông Ramelow và liên minh Đen - Vàng (CDU - FDP) đều không đủ đa số. CDU trước đó đã loại trừ khả năng liên minh với Cánh tả và AfD. Do đó, hơn bốn tháng qua, bang này vẫn chưa có chính phủ mới và chính phủ của ông Bodo Ramelow vẫn tạm quyền.

Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đã khác. Ngày 5/2, Nghị viện mới với 90 nghị sĩ đã nhóm họp tại Erfurt để bầu thủ hiến và chính phủ mới. Trước đó, liên minh cũ Đỏ - Đỏ - Xanh của đã đạt được thỏa thuận liên minh. Qua hai vòng bỏ phiếu đầu, ông Ramelow không đạt số phiếu cần thiết và đến vòng bỏ phiếu thứ ba ông cũng không đạt được số phiếu quá bán cần thiết (quá bán thường). Ứng cử viên của FDP Thomas Kemmerich, người đến lần bỏ phiếu thứ ba mới ra ứng cử, có nhiều hơn ông Ramelow 1 phiếu (45/44, 1 phiếu trắng) và trở thành thủ hiến mới, mặc dù đảng của ông chỉ có 5 ghế trong nghị viện và ông không có ý định ra tranh cử.

Việc bầu ông Kemmerich làm tân thủ hiến bang Thüringen đã gây nên trận động đất chính trị ở Đức, khiến toàn bộ nền chính trị của nước này ngay lập tức phải có những giải pháp đối phó với sự kiện “vỡ đê”, “phá vỡ lời nguyền” hay “lịch sử xám lặp lại” này.

Xu hướng đáng ngại

Tình trạng ở Thüringen phản ánh ba xu hướng đáng ngại của chính trị Đức hiện nay.

Thứ nhất, chưa có bang nào mà sự cạnh tranh ảnh hưởng của hai xu hướng Tả - Hữu lại gay gắt như ở Thüringen. Sau khi thống nhất, CDU liên tục cầm quyền với đa số tuyệt đối và đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế - xã hội ở bang cực Nam Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, với kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp. Song sau đó, nhiều chính sách xã hội mới đã làm người dân bất bình, khiến CDU thất cử và từ năm 2014, Đảng Cánh tả đã dẫn dắt chính phủ Đỏ - Đỏ - Xanh đầu tiên ở Đức. Chính phủ liên minh này cũng gặp chỉ trích từ CDU và FDP, song theo thăm dò dư luận mới nhất của Đài Truyền hình MDR, 71% người dân Thüringen đánh giá ông Ramelow là “thủ hiến tốt” và nếu bầu trực tiếp, 60% sẽ bỏ phiếu cho ông.

Nhưng thời gian qua, tại các bang Đông Đức như Sachsen, Thüringen hay Sachsen-Anhalt, lực lượng thiên hữu, cực hữu của AfD cũng thu hút nhiều người ủng hộ. Tỷ lệ phiếu bầu năm 2019 (31% Cánh tả và 23,4% AfD), tỷ lệ bầu thủ hiến vừa qua (ông Kemmerich 45 và ông Ramelow 44 phiếu) cho thấy rõ điều này. Dù ông Kemmerich khẳng định muốn củng cố phe “trung hữu” và không liên minh dưới bất kỳ hình thức nào với AfD, nhưng việc được đảng cực hữu này “giúp đỡ” bầu vào ghế thủ hiến cho thấy ông đã gián tiếp liên kết với AfD và chắc chắn sẽ bị chi phối nhất định. Đáng chú ý, thủ lĩnh AfD tại Thüringen là phần tử cực hữu nhất của đảng, bị coi như “phát xít mới” (Nazi) và bị cơ quan bảo vệ Hiến pháp theo dõi.

Kết quả bầu cử tại Thuringen cuối tháng 10/2019. (Nguồn: DW)

Thứ hai, kết quả bầu cử ở Thüringen cho thấy ảnh hưởng ngày một suy yếu của chính đảng truyền thống. SPD đã đánh mất chính mình khi chỉ nhận được hơn 8% phiếu bầu ở Thüringen. Đảng CDU mất nhiều phiếu qua các cuộc bầu cử địa phương vừa qua, nhiều nơi đứng sau cả AfD như tại Thüringen; họ cũng tự đánh mất vai trò khi không đưa ra ứng cử viên thủ hiến mà lại dồn phiếu cho FDP, cùng AfD đưa Kemmerich ngồi vào ghế thủ hiến. Vấn đề của những đảng này ở Thüringen hay ở các bang khác cũng khiến Chính quyền Liên bang của CDU đau đầu. Nếu xu hướng này duy trì và phát triển thời gian tới, nó có thể khiến hai đảng chính là SPD, CDU mất dần ảnh hưởng chính trị, nhường chỗ cho những đảng khác, trong đó có AfD. Tương lai chính phủ liên minh mới của Đức năm 2021 sẽ bấp bênh hơn bao giờ hết.

Thứ ba, xu hướng thiên, cực hữu hay làn sóng dân túy đang thắng thế ở nhiều nơi giờ không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu tại Đức, khiến người Đức nói riêng và châu Âu nói chung quan ngại. Trước đây, nhiều người cho rằng dân túy thiên hữu chỉ là xu hướng chính trị sớm nổi, sớm tàn và không bao giờ tạo thành lực lượng chính trị đủ mạnh ở Đức. Song trên thực tế, mấy năm qua AfD đã có mặt ở tất cả các nghị viện bang và với Thüringen, lần đầu tiên đảng này can thiệp trực tiếp vào việc lập chính phủ, tác động tới chính trị xã hội ở địa phương. Nếu điều này tiếp diễn, không loại trừ khả năng một ngày nào đó, nó cũng sẽ xảy ra ở Berlin.

Ngay sau khi thất cử, ông Rammelow đã đăng trên Twitter ảnh tân Thủ hiến Kemmerich bắt tay Thủ lĩnh AfD tại nghị viện bang Björn Höcke. Đáng chú ý, nó xuất hiện cùng với bức ảnh cái bắt tay “lịch sử” giữa Chủ tịch Nghị viện Đế chế Đức Paul von Hindenburg và Hitler tháng 2/1930, đúng 90 năm về trước tại Thuringen. Chiến thắng này đã tạo cơ hội để Hitler trở thành Quốc trưởng, đẩy nước Đức và thế giới vào Thế chiến II. “Nguy cơ xám” hay chủ nghĩa phát xít mới từ AfD, là nỗi lo đang hiện hữu tại Đức và châu Âu.

Tân Thủ hiến Thuringen Thomas Kemmerich đã phải từ chức sau chưa đầy 24 tiếng cầm quyền. (Nguồn: DPA)

Thủ hiến một ngày

Chưa khi nào mà người dân và chính giới Đức lại phản ứng nhanh và quyết liệt như với sự kiện vừa qua ở Thüringen. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu đượ công bố, hàng ngàn người dân đã biểu tình trước trụ sở nghị viện và chính phủ bang, đòi hủy kết quả bỏ phiếu và ông Kemmerich từ chức. Biểu tình cũng nổ ra ở Berlin trước trụ sở chính của CDU và FDP.

Chủ tịch CDU Liên bang, Bộ trưởng Quốc phòng Kramp-Karrenbauer đã phản đối “thái độ bầu cử” của CDU Thüringen khi cùng AfD bỏ phiếu cho ông Kemmerich, đi ngược lại yêu cầu, khuyến nghị của CDU Liên bang; yêu cầu hủy kết quả và tổ chức bầu cử mới ở Thüringen, vì điều đó liên quan đến “lòng tin vào những người dân chủ thiên chúa giáo” và hệ thống chính trị. Phát biểu trong chuyến thăm chính thức Nam Phi, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố “hôm qua là một ngày tồi tệ đối với nền dân chủ Đức” và yêu cầu hủy kết quả, tổ chức bầu cử mới. Chủ tịch đảng CSU Markus Söder phê phán kịch liệt quyết định của CDU Thüringen và yêu cầu sớm tổ chức bầu cử lại để lấy lại lòng tin của cử tri đối với CDU/CSU.

Thủ lĩnh các đảng SPD, Đảng Xanh và Cánh tả cũng có những yêu cầu tương tự. Chủ tịch FDP Christian Lindner, người bị cho là đã “bật đèn xanh” cho ông Kemmerich ra ứng cử chức thủ hiến với sự giúp sức của CDU và AfD, cũng phải tuyên bố sẽ đi Erfurt để thuyết phục ông Kemmerich từ chức nếu như FDP không được CDU, SPD ủng hộ để lập chính phủ mới.

Trước áp lực này, chiều 6/2, tức chưa đầy 24 giờ tại chức, ông Kemmerich đã tuyên bố từ chức và giải tán nghị viện để tổ chức bầu cử mới. Với việc ra đi của vị “Thủ hiến một ngày”, chắc chắn cử tri bang Thüringen sẽ sớm lại được đi bỏ phiếu, song tương lai chính trị của CDU và FDP sẽ càng mờ mịt, bởi vết nhơ khó rửa khi bắt tay với thế lực bị coi là phát xít mới.

Hữu Tráng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-thu-hien-bang-tai-th-ringen-va-cai-bat-tay-lay-dong-nguoi-duc-109075.html