Bầu Hiển buộc phải chọn làm chủ tịch Ngân hàng SHB hay 'sếp' của Tập đoàn T&T

Theo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi người giữ chức vụ chủ tịch ngân hàng sẽ không đồng thời được giữ chức vụ chủ chốt tại doanh nghiệp.

Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sẽ phải lựa chọn một là làm Chủ tịch Ngân hàng SHB hoặc là Chủ tịch của Tập đoàn T&T.

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua trong đó có nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018

Theo đó quy định của Luật sửa đổi, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.

Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Từ quy định này so với thực tế hiện nay rất nhiều chủ tịch hội đồng quản trị của các ngân hàng tư nhân đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp khác.

Điển hình như như ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) vừa làm Chủ tịch Ngân hàng SHB đồng thời cũng là Chủ tịch của Tập đoàn T&T;

Ông Dương Công Minh vừa làm Chủ tịch Ngân hàng Sacombank kiêm chủ tịch HĐQT của Công ty CP Him Lam (chủ đầu tư dự án sân golf Tân Sơn Nhất);

Ông Hồ Hùng Anh vừa giữ chức vụ Chủ tịch Techcombank đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group;

Tương tự bà Nguyễn Thị Nga hiện đang là Chủ tịch Seabank và Chủ tịch của BRG Group và là Chủ tịch/thành viên HĐQT của nhiều công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam ...

Như vậy theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bắt đầu từ ngày 15/1/2018, những trường hợp như bầu Hiển, ông Dương Công Minh, bà Nguyễn Thị Nga…sẽ buộc phải lựa chọn giữa các vị trí lãnh đạo khác nhau.

Có thể hiểu quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng mới nhằm tránh sở hữu chéo, tránh việc ngân hàng làm sân sau của doanh nghiệp. Từ đó nhằm thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch, phòng chống rủi ro cho cả hoạt động tín dụng và sản xuất

Tuy nhiên suy cho cùng việc tránh sở hữu chéo nếu chỉ dựa vào các chức vụ nắm giữ của các các nhân tại tổ chức tín dụng hay tại các doanh nghiệp là không thực tế. Hoàn toàn những doanh nhân ở trên vẫn có thể có tác động điều hành vào doanh nghiệp hoặc ngân hàng ngay cả khi không nắm chức vụ quan trọng bởi uy tín cũng như số cổ phần nắm giữ.

Trước đó tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng;

Xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu vốn; ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối trong các tổ chức tín dụng;

Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm toán nhà nước; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật.

Hoàng Linh

Nguồn SHTT: http://www.sohuutritue.net.vn/bau-hien-buoc-phai-chon-lam-chu-tich-ngan-hang-shb-hay-sep-cua-tap-doan-tt-d17558.html