Bầu Đức công kích, giờ ai muốn lo tiền cho VFF?

Ông Cấn Văn Nghĩa đã xin nghỉ, còn chẳng có ai muốn ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch VFF đang bỏ trống.

Trước khi ông Cấn Văn Nghĩa xin từ chức chỉ vài ngày, ông Đoàn Nguyên Đức đã có những công kích vào nhân vật khi đó là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính.

Bầu Đức nói thẳng, nếu giữ chức Phó Chủ tịch VFF mà không lo được lương cho HLV trưởng tuyển quốc gia, không kêu gọi được tài trợ và không có kế hoạch kinh phí giúp bóng đá Việt Nam phát triển thì tốt nhất nên xin nghỉ.

Và sau đó, ông Nghĩa nghỉ thật. Trước khi đệ đơn xin từ chức, ông Cấn Văn Nghĩa có cám ơn bầu Đức vì các cống hiến cho bóng đá Việt Nam, đồng thời khẳng định VFF đủ sức lo cho lương thầy Park nếu gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng khẳng định rằng nếu không thể giúp VFF lo lương cho thầy Park, ông sẵn sàng xin nghỉ như lời bầu Đức nói.

Vấn đề ở đây, VFF vẫn đang đàm phán với đại diện của ông Park Hang-seo về hợp đồng mới. Còn vị trí để lại, phó chủ tịch tài chính vẫn chưa có người ngồi vào.

Ông Cấn Văn Nghĩa

Ông Cấn Văn Nghĩa

Gần nhất, thông tin từ VTC, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch khách sạn Intercontinental Hà Nội, Chủ tịch công ty Nam Hương, Phó chủ tịch khách sạn Sheraton, thành viên HĐQT một số công ty khác..., là người rất tâm huyết với bóng đá nước nhà, đã từ chối nhận trách nhiệm cho vị trí này.

Ông Nam lý giải: "Trong lúc này, VFF đang tìm ứng viên còn việc tôi được nhiều người đề cử không có nghĩa là tôi sẽ được làm. Sau lần tham gia ứng cử ở Đại hội 8 không thành, tôi đã quên đi rồi. Một nhiệm kỳ ở VFF 4 đến 5 năm, nếu tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ càng, phải có tinh thần cho một thời gian dài và có kế hoạch cụ thể.

Mặt khác, vào VFF làm Phó Chủ tịch phụ trách tài chính mà chỉ đi tìm nguồn tài trợ thì không đúng. Phải tham gia vào chiến lược phát triển bóng đá của nước nhà. Phải cùng nhau quản trị số tiền để sử dụng cho đúng, xây dựng một nguồn thu chủ động, không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào tình yêu, tình cảm của các doanh nhân… Thế mới là công việc tôi muốn làm.

Thời điểm hiện tại tôi chưa chuẩn bị gì hết nên không thể nói là tham gia. Tôi nghĩ mình lúc này không phù hợp nên tốt nhất là mình tập trung vào công việc làm bóng đá của tôi. Tôi cam kết sẽ đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam không bằng cách này thì cách khác. Chắc chắn là như thế, nhiệt huyết, tình cảm của tôi không thay đổi”, ông Nam chia sẻ.

Trước ông Nguyễn Hoài Nam, ông bầu Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm và ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch Vinacacao đã chính thức từ chối khéo ứng cử vào vị trí lần này và sẽ nghiên cứu cho nhiệm kỳ sau.

Còn các ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Công ty VPF, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Công ty Động lực... đều là những gương mặt có tiếng tăm và tiềm lực, đều chưa đưa ra bất kỳ lời đánh tiếng nào.

Ông Cấn Văn Nghĩa có phải là người không làm được việc? Trong bài phát biểu sau khi nghỉ vị trí ở VFF, ông cho biết cảm thấy bị xúc phạm vì bị quá nhiều người công kích và vu cáo.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam

Ông Nghĩa tự khoe trong vòng 6 tháng đã kiếm được 148 tỷ đồng tiền tài trợ. Trong đó, có đến 30% từ các doanh nghiệp của Việt Nam - điều chưa từng có trong tiền lệ. Các đội tuyển Việt Nam cũng lần đầu tiên kiếm được hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 5 tỷ đồng, và có một số đối tác bỏ tiền lo cho bóng đá nữ.

Tuy nhiên, như doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã nói, giữ chức Phó Chủ tịch VFF không phải là việc chỉ đi kêu gọi, đi xin tài trợ cho các hoạt động của liên đoàn. Người giữ vị trí này cần có nhiều hành động, nhiều trách nhiệm và kiến thức hơn thế.

Việc các doanh nhân huy động vài trăm tỷ cho bóng đá Việt Nam là điều thực sự dễ dàng. Nhưng có mấy người làm được như bầu Đức? Ông xây trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hiện đại, chuẩn châu Âu đầu tiên của Việt Nam. Ông đưa về HLV Park Hang-seo vì nhận thấy HLV nội không đủ đẳng cấp và dễ gây lãng phí thế hệ cầu thủ vàng lần này. Ông bỏ tiền túi ra để trả lương cho ông Park.

Nhưng cách làm của ông Đức cũng có phần chưa đúng. Việc tự bỏ tiền túi ra để lo tất cả mọi việc cho bóng đá Việt Nam là không hoàn toàn hợp lý. Một mình bầu Đức có tiềm lực, có tầm nhìn, nhưng bên cạnh vẫn còn rất nhiều ông bầu, nhiều doanh nhân khác muốn cống hiến cho bóng đá nước nhà.

Khi ông Nghĩa từ chức, cảnh dở dang là không còn một ai muốn đứng vào giữ vị trí ấy. Một phần vì lòng nhiệt tâm và sự tin tưởng của các ứng cử viên ấy không còn. Một phần vì bản thân VFF nhiều năm qua đã luôn hoạt động thiếu tầm nhìn xa.

Trong một thực tế như vậy, bầu Đức sẽ làm gì? Liệu ông có thể đưa ra những lời giải cho toàn cục? Dù sao, trong bối cảnh như hiện tại, VFF vẫn cần có một người đưa lưng ra gánh vác, gơi dậy mọi tiềm lực quan tâm đến bóng đá trong xã hội.

Hồng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-thao/tin-tuc-bong-da/bau-duc-cong-kich-gio-ai-muon-lo-tien-cho-vff-3383146/