Nhớ bánh ít tháng giêng

Ra Tết, mỗi lần đi qua khu vườn nhà ai, thấy dáng bà mẹ quê đang lom khom phơi sắn lát, lòng tôi lại bùi ngùi nhớ về mẹ tôi, cứ tưởng tượng mẹ đang phơi sắn năm nào. Hằng năm, tháng giêng có ngày giỗ mẹ, món bánh ít sắn, dù làm rất kỳ công trong thời hiện đại, nhưng anh em tôi vẫn làm để trước thì quãy (cúng) mẹ, sau là ăn để nhớ lại những ngày thơ tấm bé, cả nhà ăn sắn trừ cơm.

Ai như dáng mẹ tôi lom khom phơi sắn.

Ai như dáng mẹ tôi lom khom phơi sắn.

Tôi còn nhớ như in, hằng năm cứ ra giêng, “ngày rộng tháng dài”, nhà tôi bắt đầu thu hoạch sắn trên rẫy. Sắn sau khi cha tôi nhổ trên rẫy gánh về, mẹ tôi miệt mài cạo vỏ và xắt (thái) lát mỏng, sau đó rửa sạch, ngâm với nước chua khoảng 2 - 3 ngày rồi rửa lại để ráo nước và phơi trên những cái nong sạch sẽ. Vài ba nắng khô khan, mẹ mang cất vào ghè để sáo (ghế) cơm ăn dần, thi thoảng mẹ mang ra giã bột làm các món bánh như: bánh trôi nổi cuốn rau muống chấm mắm cái hay là bánh ít với nhân đậu đen.

Món anh em tôi thích ăn nhất ở tuổi ấu thơ là bánh ít có nhân đậu đen. Để làm món này, mẹ tôi nhào bột sắn khô với nước, để ít lâu cho bột nở ra. Trong lúc chờ đợi, bà bảo anh em tôi ra vườn cắt lá chuối để gói. Phần mẹ thì bận rộn làm nhân bánh với đậu đen hầm mềm, giã nhỏ, trộn với các loại gia vị, rau mùi tàu… sau đó mẹ khử dầu phụng với hành và xào sơ qua hỗn hợp nhân này.

Bánh ít sắn đã chín.

Để gói bánh, mẹ xé lá chuối mỗi miếng khoảng 2 tấc, lau chùi sạch sẽ, bà múc bột sắn đã ủ trải dài trên lá và “đánh rãnh”. Sau đó mẹ lấy muỗng múc nhân đậu đen đã chế biến cho vào rãnh. Cuối cùng là một lớp sắn đắp trên nhân và gói lại, buộc hai dây chuối để giữ lá khỏi bung.

Gói xong, mẹ bắc cái nồi to, cho vào nồi cái rế và đổ nước vừa đủ. Trên rế là cái vỉ bằng tre. Mẹ xếp những cái bánh ít sắn lên trên vỉ để hấp, mẹ không quên thêm vào vài lá dứa thơm, đậy vung lại và nấu. Khoảng 30 phút sau, bánh chín, bà mở vung sắp bánh ra rá nhựa. Mùi lá chuối, nhân bánh, lá dứa… tỏa ra thơm ngát trong gian bếp quê nhà.

Vào những năm hạn hán, mùa màng thất bát, món bánh ít là món ăn trưa thường xuyên của nhà tôi. Những khi không có đậu đen, mẹ tôi thay nhân bằng hạt mít luộc giã nhỏ với gia vị. Ăn loại bánh này tuy ngon nhưng ăn mãi cũng đâm ngán. Song sợ mẹ buồn, anh em chúng tôi, không ai bảo ai, cố mà ăn hết số bánh mẹ nấu để cái bụng được no mà có sức học hành.

Cả nhà quây quần thưởng thức bánh ít sắn.

Tuổi thơ tôi đã qua bao mùa lam lũ nơi miền Trung nghèo khó, lớn lên bằng những hạt lúa, củ khoai, củ sắn trên nương trên rẫy; con tép bạt, con cá trên mương cạn, dưới đồng sâu. Nhớ lại những năm mất mùa, nồi cơm mẹ nấu, chỉ thấy toàn là những lát sắn “cõng” hạt cơm. Thế nhưng, khi ăn cơm, mẹ cũng “ưu tiên” ăn sắn, và sớt lại những hạt cơm ít ỏi trong chén dành cho tôi.

Ngày nay, anh em chúng tôi có đứa ở quê, có đứa làm ăn phiêu bạt góc phương trời, tuy kinh tế không khá lắm, nhưng có thể đãi cho mẹ những món cao lương mỹ vị. Và chợ quê ngày Tết, có bán đủ các món ngon, vật lạ mà ngày ấy không hề có, và nếu có thì chẳng có tiền để mua. Song, lúc này mẹ tôi đã thành người thiên cổ mà lúc sinh thời, người suốt đời vất vả vì đàn con đông đúc.

TIÊN SA

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nho-banh-it-thang-gieng-d69906.html