Bầu cử Tổng thống Mỹ: Người Mỹ thêm một lần phá lệ?

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định và đã xuất hiện dấu hiệu chứng tỏ ông Donald Trump lội ngược dòng.

Tín hiệu xấu trong cuộc đua của bà Clinton

Báo chí Mỹ ngày 7/11 đưa tin, trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin AP, ông Robert Satiacum, một cử tri của đảng Dân chủ tại bang Washington đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho cho bà Hillary Clinton.

Lý do được ông này đưa ra là vì cựu ngoại trưởng Mỹ đã không dành sự quan tâm đáng kể đối với cộng đồng người Mỹ bản địa.

Ông Robert Satiacum là người từng ủng hộ ứng cử viên Bernie Sanders trong cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ với bà Hillary Clinton.

Bà Clinton bị cử tri ở bang Washington cho là ít quan tâm đến người bản địa

Cũng theo nguồn tin trên, một cử tri khác của đảng Dân chủ tại bang Washington là Bret Chiafalo cho biết chưa chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào.

Điều đáng lo ngại hơn là chính những cử tri của đảng Dân Chủ không mặn mà với ứng viên của đảng mình và trong con mắt của họ, bà Clinton chưa phải là lựa chọn tốt.

Trước đó, bà Hillary Clinton cũng gặp bất lợi sau khi Giám đốc FBI James Comey công bố điều tra một loạt email mới của bà Clinton vào ngày 28/10.

Dù ngay sau đó, cựu ngoại trưởng Mỹ đã được giải oan nhưng giới phân tích cho rằng việc này dường như quá muộn màng khi hàng chục triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm.

"Không thể đảo ngược toàn bộ thiệt hại trong 9 ngày qua", một đảng viên Dân chủ cấp cao tuyên bố.

Thậm chí, Thượng nghị sĩ California Dianne Feinstein, một thành viên cao cấp của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ còn tuyên bố, thông báo ban đầu của ông Comey đã "gây ảnh hưởng oan uổng đến chiến dịch của một ứng viên tổng thống và thay đổi phương hướng của cuộc bầu cử".

Theo Bustle, đến ngày 4/11, ít nhất 37 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, có nghĩa là hàng chục triệu cử tri đã đi bầu trước thông báo mới của ông Comey.

Cơ hội cho ông Trump là...

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đang bước vào giai đoạn nước rút. Tuy nhiên theo đánh giá của giới quan sát và truyền thông thì hiện nay ưu thế vẫn đang nghiêng về phía cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Một khảo sát của tờ Washington Post và kênh truyền hình ABC News cho thấy 48% số người được hỏi sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton trong khi 43% ủng hộ Donald Trump.

Trong khi đó, thăm dò của hãng NBC/Wall Street khẳng định bà Clinton dẫn trước ông Trump 4% với tỷ lệ 44 - 40%.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định và có cơ hội để ông Donald Trump lội ngược dòng.

Phản ứng tích cực về mặt tài chính cũng đang khiến bà Clinton nhận được thêm nhiều kỳ vọng.

Thực tế là, ngay sau khi FBI công bố sẽ không truy tố bà Hillary Clinton về bê bối e-mail, nhà đầu tư chứng khoán Mỹ mua mạnh tay trở lại.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,1% lên 18.259,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 46,34 điểm, tương đương 2,2%.

Chỉ số Nasdaq cũng tăng 119,80 điểm, tương đương 2,4%, lên 5.166,17 điểm. Mức tăng của cả ba chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ phiên hôm qua cao nhất tính từ đầu tháng 3/2016.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, các nhà phân tích kinh tế đều đặt nhiều niềm tin hơn vào chính sách của ông Trump. Theo họ, nếu trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, Donald Trump sẽ có những chiến lược thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ. Đặc biệt có thể thay đổi chính sách thương mại và an ninh đối với các nước châu Á.

Nhà phân tích John Cairns thuộc Rand Merchant Bank nhấn mạnh trên Bloomberg kế hoạch của Trump về việc buộc các tập đoàn lớn chuyển hàng tỷ USD từ nước ngoài về nước. Chính sách này có thể đẩy nhu cầu đồng USD gia tăng. Ngoài ra, chủ trương của Trump về nới lỏng chính sách tài khóa thông qua tăng thuế có thể sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo đó dẫn tới lãi suất cao hơn.

“Về logic, đồng USD sẽ tăng giá nếu Trump thắng. Ông ấy nhiều khả năng sẽ giảm thuế, dẫn tới việc vốn được chuyển về Mỹ nhiều hơn”, ông Cairns nhận định.

Nên nhớ, để trở thành tổng thống, một ứng viên cần hội đủ tối thiếu 270 phiếu đại cử tri. Ngoài ra người đắc cử không nhất thiết phải giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trên cả nước. Điều này đồng nghĩa có ứng viên vẫn có quyền bước vào Nhà Trắng miễn là có đủ trên 270 phiếu đại cử tri, dù thua đối thủ về phiếu phổ thông.

Vậy những đại cử tri, mà đa phần trong số họ là những nhà tài phiệt kinh tế sẽ ủng hộ ai? Họ sẽ chấp nhận sự ổn định từ chính sách của bà Clinton hay tin vào khát vọng ''nước Mỹ trở lại với sự vĩ đại của nó'' trong chính sách của ông Trump.

Người Mỹ đã từng chọn ông Obama, Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử. Có lẽ, họ cần một sự khác biệt, một sự đột phá và nếu như vậy, cơ hội dành cho ông Trump lớn hơn nhiều so với những dự đoán hiện có của giới truyền thông?

Hoàng Sơn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bau-cu-tong-thong-my-nguoi-my-them-mot-lan-pha-le-3322561/