Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Quy trình bỏ phiếu phức tạp có thể mang đến kết quả bất ngờ

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay là 3/11, do đây là ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11. Trừ những trường hợp đã bỏ phiếu trước, vào ngày này các cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu cử, song thực chất là họ chỉ quyết định việc đại cử tri nào được lựa chọn.

Cử tri theo dõi các ứng cử viên tổng thống Trump và Biden tranh luận.

Cử tri theo dõi các ứng cử viên tổng thống Trump và Biden tranh luận.

Theo quy định của Mỹ, 538 đại cử tri Mỹ (tương ứng với số Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ liên bang và 3 đại diện cho thủ đô Washington D.C. của Mỹ) mới là những người bỏ phiếu trực tiếp để bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ.

Việc lựa chọn các đại cử tri này cũng khá phức tạp và trừ một số ngoại lệ như tại Maine và Nebraska, các đại cử tri sẽ được lựa chọn trên cơ sở có được nhiều phiếu phổ thông hơn (hay còn gọi là quy tắc “người chiến thắng giành hết phiếu”: Nếu số phiếu phổ thông ủng hộ nhiều hơn cho phía Đảng Dân chủ thì Đảng Dân chủ sẽ được toàn bộ số phiếu đại cử tri của Bang đó; tương tự nếu như cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa).

Trong lịch sử mà gần đây nhất là vào kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, người giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc đua vào vị trí quyền lực nhất nước Mỹ đã chiến thắng nhờ số phiếu đại cử tri, dù thua về số phiếu phổ thông.

TS Lại Thái Bình trên báo Việt Nam và Thế giới cho biết, một trong những nguyên nhân khiến Mỹ vẫn duy trì cơ chế đại cử tri là lập luận cho rằng hệ thống này đòi hỏi các ứng cử viên Tổng thống phải đi đến mọi bang để tranh cử nếu muốn giành chiến thắng ở bang đó (với hàm ý sẽ phải đáp ứng tốt nhất các quan tâm khác nhau của từng bang).

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York, GS Dublin - Trưởng Khoa về các vấn đề chính quyền tại Đại học Mỹ (American University), nhận định phương thức bỏ phiếu đa dạng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể khiến kết quả thêm khó đoán định.

Theo GS Dublin, có thể nhiều người không quen với việc lần đầu tiên bỏ phiếu qua đường bưu điện, không điền đúng, điền đủ phiếu và dẫn đến có những phiếu bầu không hợp lệ. Tuy nhiên, hiện nhiều bang ở Mỹ đã cho bỏ phiếu sớm, do đó nhiều người có thể lựa chọn đi bỏ phiếu theo cách truyền thống để giảm thiểu sai sót. Bên cạnh đó, một số bang như North Carolina cũng đang làm rất tốt công tác hỗ trợ cử tri, như gửi thông báo đến những cử tri có phiếu bầu không hợp lệ để họ sửa lại hoặc bổ sung thông tin.

Theo GS Dublin, hiện nay ở một số bang của Mỹ, đảng Cộng hòa lo ngại cách thức bỏ phiếu đa dạng có thể ảnh hưởng tới số phiếu đại cử tri (số phiếu quyết định ứng cử viên nào trở thành tổng thống). Trong khi đó, một số bang khác gặp khó khăn trong việc xác minh căn cước công dân để đảm bảo người đi bầu đúng là người có quyền bỏ phiếu.

Giáo sư Dublin cũng giải thích lý do số cử tri đi bỏ phiếu trên thống kê được công bố thường thấp hơn số thực tế là bởi số thống kê dựa trên số liệu dân số của các bang, mà Mỹ là đất nước người dân di chuyển nơi sinh sống qua các bang khác nhau rất thường xuyên, do đó nhiều khi dân số trên số liệu của bang không đúng với thực tế.

Ngoài ra, số người đến tuổi bỏ phiếu nhưng chưa đủ tiêu chuẩn được bỏ phiếu (ví dụ người dân nhập cư chưa được coi là công dân Mỹ) cũng khá đông. Một lý do nữa có thể do người dân tại bang đó không quan tâm chính trị.

Cũng theo Giáo sư Dublin, việc kiểm phiếu nhanh hay chậm cũng tùy thuộc mỗi bang. Ông cho biết những bang như Florida hay North Carolina, Maryland sẽ kiểm phiếu khá nhanh, nhưng một số bang "chiến địa'' như Pennsylvania hay Wisconsin sẽ không kiểm phiếu nhanh được. Với tình hình cách thức bỏ phiếu khác biệt như năm nay, càng không thể dễ dàng đoán được kết quả, kể cả khi đã công bố kết quả của 60% số phiếu bầu.

Về những yếu tố để cử tri cân nhắc khi đưa ra quyết định bỏ phiếu, Giáo sư Dublin cho rằng yếu tố quan trọng là sự gắn bó của cử tri với một đảng nhất định.

Một yếu tố nữa là cử tri quyết định bỏ phiếu cho ai cũng dựa trên cảm giác ứng cử viên nào có thể giải quyết được những vấn đề mà họ phải đối mặt, hoặc quan tâm, ví dụ như khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sau ngày bầu cử 3/11, thời gian từ 3-8/11 là giai đoạn giải quyết các sai sót trong kiểm phiếu và các tranh cãi.

Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu phổ thông, sau khi được xác định, các đại cử tri Mỹ sẽ bỏ lá phiếu bầu trực tiếp ra Tổng thống Mỹ vào ngày 14/12. Theo quy định, các đại cử tri sẽ gặp nhau tại bang của họ để bỏ lá phiếu trực tiếp bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ hai vào tháng 12 của năm bầu cử.

Về cơ bản, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Tổng thống mà các đại cử tri đã cam kết ủng hộ. Tuy nhiên về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể xảy ra các trường hợp: Bỏ đúng theo cam kết, bỏ phiếu sai so với cam kết, tùy ý bỏ cho các ứng cử viên mình thích khi đã trở thành các đại cử tri.

Có 18 bang ở Mỹ không yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống mình đã cam kết; 16 bang khác và thủ đô Washington D.C. yêu cầu các đại cử tri phải bỏ phiếu đúng cho các ứng cử viên họ cam kết ủng hộ, song không có các chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Phần còn lại có quy định cụ thể về về xử phạt với các đại cử tri đã bỏ phiếu không đúng với cam kết. Tất cả cho thấy thêm về sự phức tạp và khó lường của bầu cử Mỹ, dù về cơ bản các đại cử tri bỏ phiếu theo đúng cam kết.

T. Anh (t/h)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/bau-cu-tong-thong-my-2020-quy-trinh-bo-phieu-phuc-tap-co-the-mang-den-ket-qua-bat-ngo-553826.html