Bầu cử, nhân tố quyết định tính chính danh của Đảng cầm quyền

Bầu cử trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chọn ra người cầm quyền, quyết định sinh mệnh cầm quyền của Đảng.

Góp phần cho việc xây dựng văn kiện Đảng, phục vụ Đại hội XIII tới, tạp chí Cộng Sản cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia hôm nay (25-9) tổ chức hội thảo “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Một tham luận gây chú ý đến từ PGS-TS Lê Minh Thông, hiện là trợ lý Chủ tịch Quốc hội. Bài tham luận của ông Thông tập trung vào chế độ bầu cử trong Đảng, mà như ông nói: “Đây là nhân tố quyết định tính chính danh cầm quyền của Đảng và hiệu quả cầm quyền của Đảng”.

PLO giới thiệu tóm lược bài tham luận của PGS-TS Lê Minh Thông.

PGS-TS Lê Minh Thông.

PGS-TS Lê Minh Thông.

Bầu cử trong Đảng là chọn ra người cầm quyền

Đảng cầm quyền bằng Nhà nước, tức là phải thông qua những cán bộ, đảng viên mà Đảng giới thiệu, cử vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Để cử cán bộ vào thì phải lựa chọn. Cách lựa chọn phổ biến nhất hiện nay là bầu cử. Qua bầu cử trong Đảng thì Đảng tiến cử người của mình vào các vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước, để thực thi quyền lực của nhân dân.

Do đó, bầu cử trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chọn ra người cầm quyền, quyết định sinh mệnh cầm quyền của Đảng. Làm thế nào để chọn được người đủ tâm, đủ tầm, đủ độ tin cậy để thực hiện cầm quyền của Đảng là vấn đề cần tiếp tục được đóng góp, hoàn thiện.

Bầu cử trong Đảng liên thông với bầu cử trong Nhà nước. Chọn đúng, chọn chính xác người vào cấp ủy thì khi giới thiệu bầu vào HĐND, Quốc hội thì nhân dân tin tưởng. Nhưng thực tiễn bầu cử cơ quan dân cử vừa qua cho thấy có trường hợp được cấp ủy giới thiệu nhưng ra nhân dân không tín nhiệm nên trượt. Ta thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, mà chủ tịch UBND thì phải là đại biểu HĐND. Có trường hợp trúng cử bí thư cấp ủy nhưng lại không trúng HĐND. Vậy đã không được cử tri tín nhiệm thì có thể làm bí thư tốt được không? Đấy là vấn đề cần suy nghĩ.

Hai khâu cần thông tin sớm hơn

Đầu tiên là quy hoạch. Đảng viên cần biết ai được quy hoạch vào đâu. Chứ như hiện nay, quy hoạch thế nào chỉ cấp ủy biết. Như thế, đảng viên khó kiểm soát tốt nhân sự sẽ đại diện cho mình cầm quyền. Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền. Nhưng không có thông tin thì làm sao kiểm soát được?

Cho nên cần công khai quy hoạch trước đại hội. Ví dụ, vừa rồi Bộ Chính trị duyệt quy hoạch hơn 200 nhân sự giới thiệu lần đầu vào Trung ương khóa XIII. Công khai ra thì đảng viên biết để giám sát.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học được mời dự hội thảo có ý nghĩa lý luận quan trọng do tạp chí Cộng Sản và NXB Chính trị quốc gia tổ chức.

Tiếp theo là danh sách được cấp ủy đề cử trên cơ sở số được quy hoạch. Lâu nay, đại hội khai mạc rồi vẫn chưa biết ai được đề cử, mà chỉ tới ngày bầu cử mới công bố. Nên chăng công khai danh sách này ngay sau khi đại hội khai mạc để đại biểu có đủ thời gian nghiên cứu nhân thân.

Làm thế nào để có cạnh tranh trong bầu cử?

Lâu nay ta quan niệm bầu cử trong Đảng, có số dư là có cạnh tranh rồi. Nhưng còn tranh cử thì sao? Như bầu cử bên Nhà nước, theo luật, những người ứng cử đại biểu HĐND, Quốc hội phải đi vận động, tranh cử, trình bày chương trình hành động trước cử tri. Nhưng quy chế bầu cử trong Đảng không có hoạt động này.

Tất nhiên, Đại hội Đảng thì không thể như bầu đại biểu Quốc hội, HĐND. Nhưng có lẽ trong hồ sơ bắt buộc của các ứng viên cần có chương trình hành động để đại biểu nghiên cứu, cân nhắc. Và khi họ trúng cử thì trong suốt nhiệm kỳ cấp ủy, đại biểu có cơ sở đánh giá anh có làm như lời hứa không.

Ngoài ra, để khắc phục việc bầu mà không biết mặt, đại hội cũng cần tổ chức các diễn đàn bầu cử để ứng viên giao lưu, lắng nghe, giải trình với người cầm lá phiếu. Qua đó cũng tạo cơ chế tranh cử.

Về số dư, theo quy định hiện nay, danh sách cấp ủy giới thiệu dư không quá 15%, danh sách bầu cử sau khi tổng hợp ứng cử, nhận đề cử tại đại hội dư không quá 30%. Theo tôi, như vậy vẫn ít, tính cạnh tranh vẫn thấp, cơ bản được giới thiệu là trúng. Nên chăng cần tăng số dư hơn nữa?

Vấn đề cuối cùng là bầu cử trực tiếp. Hiện nay mới bầu trực tiếp ở đại hội cấp chi bộ nơi có điều kiện. Theo tôi, cần tổng kết để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở đại hội các cấp. Bí thư do đại hội bầu sẽ có vị thế khác.

Tôi hiểu các vấn đề trên cần có thời gian. Nhưng đây là con đường để chúng ta biết mà đi, mà hướng tới. Như thế, hiệu quả tìm kiếm nhân tài qua bầu cử trong Đảng sẽ cao hơn.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/bau-cu-nhan-to-quyet-dinh-tinh-chinh-danh-cua-dang-cam-quyen-860300.html