Bầu cử Nghị viện: Châu Âu 'phân mảng' tại cuộc đua các vị trí chủ chốt

Với 1 Nghị viện châu Âu phân mảng và đa sắc hơn, cuộc đua vào những vị trí chủ chốt trong các thể chế của EU được dự đoán sẽ rất quyết liệt.

Tuy trào lưu ủng hộ châu Âu vẫn còn thắng thế, nhưng tương quan lực lượng trên chính trường đã có những thay đổi sâu sắc và đầy phức tạp, với sự trỗi dậy của các đảng hoài nghi châu Âu, cũng như các đảng sinh thái và tự do.

Châu Âu "phân mảng" trong cuộc đua vào vị các vị trí chủ chốt. Ảnh: Reuters

“Chưa hẳn là một cơn sóng thần nhưng ít ra cũng là một cơn địa chấn nhỏ”, là nhận định của nhiều chuyên gia sau khi những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử được công bố. Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua cho thấy thành phần Nghị viện châu Âu khóa tới hầu như không giảm, song lại có sự thay đổi rõ rệt về tương quan lực lượng. Bức tranh chính trị châu Âu hiện nay không chỉ còn là sự pha trộn của 2 xu hướng chính trị truyền thống tả-hữu, mà đa sắc hơn nhiều. Phe ủng hộ châu Âu vẫn chiếm đa số, nhưng phe dân túy, chủ nghĩa dân tộc tiếp tục đà tiến lên.

Nhận được động lực từ đảng Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen tại Pháp hay đảng Liên đoàn của phó Thủ tướng Italia Matteo Salvini và cả đảng ủng hộ Brexit tại Anh của ông Nigel Farage, các đảng hoài nghi châu Âu đã giành được tới 1/4 số ghế tại cơ quan lập pháp châu Âu (171 ghế theo các dự báo mới đây nhất so với 155 ghế tại Nghị viện sắp mãn nhiệm). Không chỉ thế, cuộc bầu cử vừa qua cũng chứng kiến sự đột phá của các đảng sinh thái và tự do, mà dẫn đầu là đảng Xanh tại Đức hay bất ngờ mà đảng Xanh tại Pháp đạt được khi về thứ 3 trong cuộc đua. Lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini cho biết:

“Không chỉ đảng Liên đoàn trở thành đảng lớn nhất tại Italia, mà cả đảng Tập hợp quốc gia của bà Marin Lơ Pen, hay đảng Brexit của ông Nigel Farage. Đây là dấu hiệu cho thấy một châu Âu đang thay đổi.”

Theo các nhà phân tích, hiện không đảng nào có thể tuyên bố thống trị chính trường châu Âu. Để có đa số, họ sẽ phải liên minh với ít nhất ba hoặc thậm chí bốn nhóm đảng để có đa số vững chắc. Một Nghị viện châu Âu phân mảng như hiện nay cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm đồng thuận sẽ càng phức tạp hơn, dù là những dự án cải cách lớn của Liên minh châu Âu hay trong việc phân chia các vị trí lãnh đạo.

Có thể nói, cuộc bầu cử Nghị viện 2019 đã buộc 28 nước thành viên phải rút ra “bài học sâu sắc”. Chỉ trong vài ngày qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp với một loạt quan chức Liên minh châu Âu (EU) từ Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, tới Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hay Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa. Lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng có kế hoạch gặp nhau vào tối nay để trao đổi về những bổ nhiệm sắp tới. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết:

“Chúng tôi sẽ xây dựng một châu Âu Xã hội. Chắc chắn chúng tôi sẽ thúc đẩy một châu Âu bảo vệ, mà trước tiên là thông qua các kế hoạch tái thiết và củng cố tất cả các chính sách liên quan tới việc làm và tiền lương.”

Thử thách đầu tiên mà Nghị viện châu Âu phải vượt qua được sẽ là việc tìm người thay thế ông Jean Claude Juncker trên cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Tại sao gọi là thử thách đầu tiên? Bởi, dù lãnh đạo 28 nước thành viên có đưa ra được đề cử sáng giá, thì đề cử này cũng phải nhận được đa số thông qua, 376 lá phiếu ủng hộ, tức là phải sự có sự đồng thuận của ít nhất nhất 3 nhóm chính trị chứ không phải 2 như trước đây./.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bau-cu-nghi-vien-chau-au-phan-mang-tai-cuoc-dua-cac-vi-tri-chu-chot-914394.vov