Bầu cử Mỹ trong mùa dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 được giới phân tích nhận định sẽ ảnh hưởng đáng kể tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng như thế nào và mức độ ra sao sẽ còn tùy thuộc vào tình hình diễn biến của đại dịch cũng như khả năng chống chịu của nước Mỹ đến đâu…

Cho dù hiện nay mới ở giai đoạn bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ để lựa chọn ra ứng cử viên tiềm năng tranh tài với đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây, nhưng có thể nhận thấy những tác động đầu tiên của đại dịch Covid-19 tới cuộc đua quyền lực này. Đó là sự bứt phá của ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân chủ trước đối thủ cùng đảng là ông Bernie Sanders, phần nào nhờ ông có kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng thời còn là Phó tổng thống Mỹ. Giới phân tích cho rằng, tâm lý sợ hãi mùa dịch đã tác động ít nhiều tới lá phiếu của cử tri Mỹ. Thông thường, tác động của đại dịch đối với bầu cử Mỹ ít nhất sẽ thể hiện ở hai hướng: Có thể là làm giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và khiến cử tri quan tâm nhiều đến các vấn đề chính sách liên quan tới dịch bệnh. Cựu Phó tổng thống Joe Biden đang rất biết cách tận dụng lợi thế của mình với việc tập trung quảng bá những chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 trong chiến dịch vận động tranh cử.

Về phía Đảng Cộng hòa, ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống Donald Trump vốn bị mất điểm ít nhiều do những phản ứng gây tranh cãi giai đoạn đầu dịch bùng phát, nay cũng đang quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp chặn dịch, nhằm chứng tỏ nỗ lực của chính phủ. Lần đầu tiên ông nhắc tới một “kẻ thù vô hình” có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, mặc dù trước đó ông đưa ra những phát biểu có phần lạc quan về kinh tế đất nước trong khi dịch Covid-19 đang ngày càng cho thấy có sức tàn phá kinh hoàng đối với nền kinh tế toàn cầu.

 Khu phố ở Manhattan (Mỹ) vắng tanh do đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Khu phố ở Manhattan (Mỹ) vắng tanh do đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh không được khống chế tại Mỹ, không loại trừ khả năng tiếp tục lây lan tới ngày bầu cử, thì dù Tổng thống Donald Trump có nói gì chăng nữa cũng khó mà lấy được niềm tin của cử tri. Trong suốt 3 năm qua, ông Donald Trump đã duy trì tỷ lệ ủng hộ 45-55%, nhưng trong mùa dịch hiện nay, việc giữ được tỷ lệ cao này là một thách thức không nhỏ. Chưa kể khả năng đại dịch sẽ khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp giảm, sẽ có lợi cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ vốn nhận được sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi sử dụng thành thạo internet. Khả năng phải bỏ phiếu qua internet cũng không thể loại trừ nếu tình hình đại dịch lây lan không được kiểm soát.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đang tác động nhiều mặt tới kinh tế-xã hội Mỹ theo chiều hướng tiêu cực có thể sẽ cuốn đi những thành tựu mà ông Donald Trump rất tự hào. Hơn nữa, sự quan tâm của cử tri Mỹ đối với hệ thống y tế trong mùa dịch đã cho thấy rõ những thiệt hại mà Đảng Cộng hòa đã gây ra cho Đạo luật Cải cách y tế Obamacare. Đảng Cộng hòa kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền đã tìm mọi cách để “khai tử” đạo luật được xây dựng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhưng đều thất bại. Đây là những nhân tố tiềm ẩn nguy cơ đối với khả năng tái cử của ông Donald Trump cũng như tác động tới tình hình bầu cử của Đảng Cộng hòa.

Vẫn còn hơn 7 tháng nữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới diễn ra. Theo đánh giá, Tổng thống Donald Trump vẫn có nhiều cơ hội để xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho mình. Chính quyền của ông vẫn chiếm ưu thế vì đang kiểm soát phần lớn vấn đề và quyền đối phó với tình hình dịch bệnh. Theo các cuộc thăm dò, tính đến đầu tháng 3, mặc dù chỉ có khoảng 43% người Mỹ hài lòng với phản ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đại dịch, nhưng vẫn có 87% thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ ông.

Trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ cũng từng có trường hợp tương tự hiện nay. Đó là cuộc bầu cử năm 1976 khi nước Mỹ đang trong cuộc chiến chống lại dịch cúm lợn. Trong cuộc bầu cử này, Tổng thống đương nhiệm là Gerald Ford cũng tìm cách để tái cử. Năm đó, Mỹ tuyên bố dịch cúm lợn cũng giống như đại dịch toàn cầu năm 1918 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Tổng thống Ford sau đó đã tuyên bố ủng hộ chương trình miễn dịch toàn dân và tổ chức tiêm chủng toàn dân. Tuy nhiên, vài tháng sau, toàn nước Mỹ có khoảng 500 người bị bệnh nặng và biến chứng sau khi tiêm vaccine, trong đó 30 người tử vong nên chương trình tiêm chủng bị dừng lại. Nghiên cứu vaccine sau đó cho thấy do thời gian gấp, nhà sản xuất vaccine đã sử dụng virus sống giảm động lực, chứ không phải virus bất hoạt, nên dẫn đến những phản ứng nguy kịch và biến chứng sau khi tiêm.

Cuộc bầu cử năm đó, Tổng thống Ford đã thất bại trước ứng cử viên Jimmy Carter, nhưng cũng không ai dám chắc chắn thất bại này liệu có phải do khả năng ứng phó kém của ông với dịch cúm lợn hay không? Nhưng một câu hỏi được đặt ra đó là, nếu không phải là năm bầu cử, thì liệu chính quyền Mỹ lúc đó có nôn nóng đi ngược quy luật khoa học như vậy mà đẩy nhanh sản xuất vacccine cũng như chương trình tiêm chủng toàn dân hay không?

Dù sao câu chuyện lịch sử nói trên cũng là một bài học lịch sử. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn đang ở phía trước hứa hẹn nhiều kịch tích và đại dịch Covid-19 sẽ là một nhân tố tạo ra nhiều bất ngờ.

NGUYÊN HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bau-cu-my-trong-mua-dich-covid-19-613312