Bầu cử Mỹ: Những át chủ bài có giúp bà Clinton làm nên lịch sử?

Bầu cử Mỹ 2016 chỉ còn tính bằng giờ đồng hồ. Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đang ngày càng khẳng định những 'con át chủ bài' đóng vai trò không nhỏ giúp bà có cơ hội giành chiến thắng trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

những "con át chủ bài" đóng vai trò không nhỏ giúp bà có cơ hội giành chiến thắng trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Bầu cử Mỹ 2016 chỉ còn tính bằng giờ, các ứng viên đang tích cực vận động để kêu gọi sự ủng hộ của cử tri trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày hôm nay 8/11 theo giờ địa phương.

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đang ngày càng khẳng định những "con át chủ bài" đóng vai trò không nhỏ giúp bà có cơ hội chiến thắng trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Bầu cử Mỹ và sự góp mặt của Barack Obama: chuyện trăm năm chưa từng có

Ngày 5/7, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ là ông Barack Obama chính thức tham dự vào cuộc vận động tranh cử của bà Hillary Clinton - cựu Ngoại trưởng Mỹ, ứng cử viên sáng giá tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ hết lời khen ngợi bà Hillary, người từng là đối thủ của ông trong cuộc tranh cử ứng viên đảng Dân chủ vào năm 2008. Tròn 8 năm, chính bà Hillary đã dồn lại sự ủng hộ của mình cho Obama, để rồi sau khi ông Obama vào Nhà Trắng, bà Hillary vẫn hỗ trợ ông, trở thành ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Từ vị trí là hai đối thủ , ông Obama trở thành người ủng hộ đắc lực cho bà Clinton với uy tín và sự nổi tiếng của mình. Đây được xem là chuyện trăm năm chưa từng có. Trong suốt 100 năm qua, chưa từng có tổng thống Mỹ nào vận động mạnh mẽ cho ứng viên kế nhiệm như việc ông Obama đang làm cho bà Clinton.

Ông Obama chính thức bước vào cuộc tranh cử của bà Hillary khi uy tín đang lên có thể tạo nên một "cú hích" lớn.

Là người ủng hộ bà Clinton và luôn dành cho cựu ngoại trưởng của mình những lời có cánh. Với bà Clinton, ông Obama ngợi ca "tinh thần làm việc phi thường" cũng như óc thông minh và tài phán đoán của cựu Ngoại trưởng Mỹ. Ông khiêm tốn thừa nhận, cả ông và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đều chưa chắc có khả năng điều hành đất nước như bà Clinton. Ông Obama tin tưởng tương lai nước Mỹ tươi sáng hơn dưới sự điều hành của bà Clinton.

Bà Clinton không được đánh giá cao về kỹ năng diễn thuyết tự nhiên, trong khi đương kim tổng thống Mỹ lại được xem là "bậc thầy" trong các bài phát biểu. Những lời ngợi khen mà ông Obama dành cho bà Clinton trong những bài phát biểu của ông có sức lan tỏa và ảnh hưởng nhất định đối với công chúng.

Hơn nữa, bà Clinton luôn yếu thế về tỷ lệ cử tri trẻ tuổi ủng hộ, trong khi Tổng thống Obama lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những cử tri Dân chủ truyền thống, trong đó có những cử tri trẻ tuổi. Giới chức Nhà Trắng đánh giá chính sức hút của ông Obama với các cử tri da màu và cử tri trẻ tuổi sẽ là nhân tố tích cực giúp cho bà Clinton trong cuộc bầu cử.

Hồi tháng 5 năm nay, tờ New York News&Politics đã dẫn kết quả khảo sát của công ty thăm dò Gallup (Mỹ) cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama càng về cuối nhiệm kỳ càng được cải thiện. Tỷ lệ ủng hộ trung bình ông Obama năm 2015 là 46%, thì đến tháng 5/2016, tỷ lệ đó là 51% - bằng mức ủng hộ khi ông vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 2 năm 2012.

Ông Obama chính thức bước vào cuộc tranh cử của bà Hillary khi uy tín đang lên có thể tạo nên một "cú hích" lớn. Thậm chí, các phương tiện truyền thông còn gọi ông Obama là vũ khí "hữu hiệu" được bà Hillary tung ra sau vụ "bê bối email cá nhân".

Michelle Obama - đòn bẩy có thể giúp Hillary Clinton chiến thắng trong bầu cử Mỹ

Vào ngày 27/10, đệ nhất phu nhân Michelle Obama lần đầu sát cánh cùng bà Clinton trong cuộc vận động tranh cử tổng thống. Sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ này thực sự là một cú hích trong giai đoạn nước rút của bà Clinton.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama hôm 25/7 đã có bài phát biểu gây tiếng vang tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra ở Philadelphia, bang Pennsylvania. Không hề nhắc tới tên tỷ phú Donald Trump nhưng bằng những lời lẽ đầy ẩn ý của mình, bà Obama đã giáng một đòn mạnh mẽ vào uy tín của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.

Nhiều tờ báo đã gọi đệ nhất phu nhân là "vũ khí bí mật của đảng Dân chủ".

Kết thúc bài diễn văn, bà Obama kêu gọi tất cả mọi người "dốc cạn nhiệt huyết, sức mạnh và tình yêu đối với đất nước để bầu cho bà Hillary Clinton trở thành tổng thống Mỹ".

Giới chuyên gia đánh giá bà Michelle Obama sẽ là sợi dây kết nối ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton với các cử tri phụ nữ, cộng đồng người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và cả những người trẻ tuổi.

Đệ nhất phu nhân Obama là người nhận được sự ủng hộ rất lớn, thậm chí còn lớn hơn cả chồng bà là đương kim Tổng thống Obama. Kết quả cuộc khảo sát của Gallup hồi tháng 8 cho thấy bà Obama được người Mỹ biết đến nhiều hơn cả cựu tổng thống Bill Clinton và phu nhân ông Donald Trump, bà Melania Trump. Cũng theo kết quả này, 64% số người được hỏi nói rằng họ yêu mến bà Obama, trong khi tỷ lệ này đối với ông Clinton và bà Trump lần lượt là 49% và 38%.

Mới đây, cựu ngoại trưởng Mỹ tiết lộ bà sẽ rất vui lòng chào đón Đệ nhất phu nhân Michelle Obama vào chính quyền của mình nếu đắc cử tổng thống vào ngày 8/11 tới.

Sự ủng hộ của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders

Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders ngày 12/7 chính thức tuyên bố ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đối thủ chính của ông tại đảng Dân chủ, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Chính sự ủng hộ này đã phần nào cho thấy sự đoàn kết trong nội bộ đảng Dân chủ, điều mà đảng Cộng hòa đang thiếu.

Đây được xem là động thái gây bất ngờ của Thượng nghị sĩ bang Vermont vì trước đó ông từng tuyên bố sẽ bám trụ đến cùng cuộc đua giành chiếc vé đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nay.

Ông Sanders là một vũ khí tiềm năng giúp bà giành được phiếu bầu của các cử tri tự do.

Các trợ lý của bà Clinton cho rằng ông Sanders là một vũ khí tiềm năng giúp bà giành được phiếu bầu của các cử tri tự do, vì ông Sanders từng giành được phiếu bầu của lượng lớn người trẻ nhờ tư tưởng tự do của ông.

Sức mạnh của truyền thông trong bầu cử Mỹ

Không chỉ có lợi thế về những người ủng hộ so với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump, đội ngũ cố vấn truyền thông xuất sắc cũng là một trong những công cụ đắc lực giúp bà Clinton mở rộng cánh cửa bước vào Nhà Trắng.

Tuyệt chiêu trong cuộc đua này của Donald Trump là tạo nên cơn sốt truyền thông với những tuyên bố mang tính xỉa xói, công kích cá nhân nhằm tạo ra hiệu ứng xã hội. Bà Hillary Clinton cũng tỏ ra không hề kém cạnh trên mặt trận này. Chiến dịch truyền thông được các chuyên gia đánh giá là vô cùng liền mạch và hiệu quả. Điều này đến từ một đội ngũ cố vấn truyền thông với bề dày kinh nghiệm từng làm việc trong Nhà Trắng phía sau bà.

Bà Jennifer Palmieri, Giám đốc truyền thông trong chiến dịch tranh cử của cựu ngoại trưởng Mỹ, là một chuyên gia truyền thông với 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị. Bà Palmieri từng là giám đốc truyền thông của Nhà Trắng từ năm 2013 đến 2015 dưới chính quyền ông Obama.

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, bà từng là phó thư ký báo chí Nhà Trắng, trợ lý đặc biệt cho chánh văn phòng của Nhà Trắng Leon Panetta. Trở thành giám đốc truyền thông trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton, công việc của bà là quản lý các phát biểu của bà Clinton, quan hệ với truyền thông báo chí và giải quyết khủng hoảng.

Đội ngũ cố vấn truyền thông xuất sắc là một trong những công cụ đắc lực giúp bà Clinton mở rộng cánh cửa vào Nhà Trắng.

Các sản phẩm truyền thông của bà Clinton luôn được chăm chút cẩn thận. Ngoài những bài phát biểu chất lượng, thể hiện được thông điệp muốn truyền tải, khẳng định được năng lực và đẳng cấp ngoại giao, chiến thuật chỉ trích đối thủ rõ ràng, các sản phẩm truyền thông khác trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton còn sử dụng các thiết kế đồ họa dễ hiểu để giúp khán giả có thể dễ dàng nắm bắt được nội dung.

Ngoài ra, báo chí Mỹ cũng là một trong những công cụ hiệu quả giúp ích cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Minh chứng là nhiều tờ báo lớn của Mỹ như USA Today hay The New York Times đã nói không với ông Trump. Ban biên tập USA Today dù không nói thẳng việc ủng hộ bà Clinton nhưng kêu gọi cử tri Mỹ không bầu cho ông Trump bằng cách bầu cho bà Clinton.

Trong khi đó, trong lịch sử nước Mỹ, chưa có vị ứng cử viên tổng thống nào chịu nhiều chỉ trích từ giới truyền thông như Donald Trump. Tờ Daily News gọi ông với những "mỹ danh" như kẻ lừa đảo, đạo đức giả, tên ăn trộm... trong khi những tờ báo lớn khác lại quay sang chế giễu ông, hoặc xoáy vào những vụ bê bối của vị tỷ phú này. Hầu như tất cả những hãng tin lớn như CNN hay NBC tại Mỹ đều dự đoán rằng ông Trump không thể chiến thắng, nước Mỹ sẽ thành thảm họa nếu Trump đắc cử.

Bà Clinton sẽ làm nên lịch sử?

Có thể thấy, ứng cử viên Đảng dân chủ Hillary Clinton có một đội ngũ hùng hậu "ủng hộ". Họ đều là những tên tuổi "sáng giá" trong chính giới Mỹ.

Tuy nhiên, việc cựu Ngoại trưởng Mỹ, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, có thành công hay không trong cuộc chạy đua lần này chủ yếu phụ thuộc vào việc bà sẽ làm gì cho người dân nước Mỹ và khả năng thực hiện những cam kết mà bà đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Bà Clinton đang nắm 90% cơ hội chiến thắng.

"Chiếc vé chắc chắn" đưa bà Hillary đi đến chiếc ghế quyền lực nhất ở Nhà Trắng là chính bản thân bà, chứ không phải ai khác

Kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos States vài giờ trước khi người Mỹ bắt đầu đi bỏ phiếu cho thấy, ứng viên Dân chủ Hillary Clinton có 90% cơ hội đánh bại đối thủ Cộng hòa Donald Trump để trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Cũng theo khảo sát này, hiện tỷ lệ ủng hộ bà Clinton là 45%, dẫn trước 3 điểm so với ông Trump. Cựu Ngoại trưởng được dự đoán giành 303 phiếu đại cử tri, trong khi tỷ phú Trump chỉ giành 235 phiếu. Mỗi ứng viên cần tối thiếu 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống.

Hồ Mai

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/bau-cu-my-nhung-at-chu-bai-co-giup-ba-clinton-lam-nen-lich-su-20161108083930538.htm