Bầu cử Mỹ 2020: Phi vụ mập mờ với Trung Quốc, ông con Hunter Biden có khiến ông bố Biden khó xử?

Hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy, cựu Phó Tổng thống Joe Biden có liên quan hoặc thu lợi từ liên doanh do con trai Hunter Biden và anh trai ông theo đuổi.

Bằng cách tìm kiếm một mối liên hệ nào đó giữa ông Biden với các giao dịch quốc tế của cậu con trai Hunter Biden và người anh James Biden, trong những nỗ lực cuối cùng của chiến dịch tranh cử, đương kim Tổng thống Trump và đội ngũ thân cận đang “cố gắng” khơi vấn đề về đạo đức của cựu Phó Thổng thống Mỹ Joe Biden.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden, 1/2009. (Nguồn: Getty Images)

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden, 1/2009. (Nguồn: Getty Images)

Những nỗ lực tìm kiếm của họ đang nhận được sự trợ giúp đắc lực từ Tony Bobulinski, một cựu cộng sự của Hunter và James Biden, với kho dữ liệu từ email, ảnh chụp tin nhắn, văn bản được mã hóa và nhiều tài liệu có liên quan khác. Nhiều hồ sơ trong số đó tập trung vào một liên doanh được đề xuất vào năm 2017, sau khi ông Biden rời nhiệm sở với một đối tác Trung Quốc. Nhưng thỏa thuận cuối cùng đã đổ vỡ.

Cựu Phó Tổng thống có "dính" vào thương vụ của con trai Hunter Biden?

Không có bằng chứng trong hồ sơ cho thấy ông Biden đã tham gia hoặc thu lợi từ liên doanh. Các tin nhắn mã hóa, email và các tài liệu khác được The New York Times kiểm chứng không cho thấy Hunter Biden hoặc James Biden thảo luận về bất kỳ vai trò nào của cựu Phó Tổng thống trong dự án.

Tờ khai thuế do ông Joe Biden công bố, không cho thấy thu nhập từ bất kỳ hoạt động kinh doanh nào như vậy. Không có gì bất hợp pháp khi kinh doanh ở Trung Quốc hoặc với các đối tác Trung Quốc. Chính đương kim Tổng thống Donald Trump từ lâu vẫn theo đuổi các giao dịch ở Trung Quốc và có quan hệ với một doanh nghiệp do chính phủ kiểm soát, cũng như duy trì tài khoản ngân hàng của công ty ở đó.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Joe Biden và các cộng sự đã bác bỏ mọi ý kiến cho rằng cựu Phó Tổng thống có vai trò trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hoặc có cổ phần nào trong đó. “Ông Joe Biden thậm chí chưa bao giờ cân nhắc việc tham gia kinh doanh với gia đình mình, cũng như bất kỳ công việc kinh doanh nào ở nước ngoài”, phát ngôn viên chiến dịch Biden - Andrew Bates nói.

Tại cuộc tranh luận trước bầu cử mới đây, ông Biden cũng từng nói: “Tôi chưa từng lấy một xu nào từ bất kỳ nguồn nước ngoài nào trong đời”. Trong khi đó, các tin nhắn do Bobulinski thu thập được dường như đã nói đến cuộc gặp giữa ông này, cựu Phó Tổng thống và James Biden vào hồi tháng 5/2017 tại Beverly Hills, California. Tuy nhiên, các tin nhắn không thể hiện rõ những gì đã được thảo luận.

Ông Bates đã không trả lời các câu hỏi về tuyên bố của ông Bobulinski rằng, ông ta đã gặp cựu Phó Tổng thống, nhưng nói rằng, thỏa thuận với Trung Quốc chưa bao giờ được ông Biden đề cập với các thành viên trong gia đình. “Ông ấy chưa bao giờ có bất kỳ cuộc trò chuyện nào về những vấn đề này”, ông Bates nói.

Một email khác được gửi vào ngày 13/5/2017, bởi một thành viên trong liên doanh đã thảo luận cách các đối tác trong thỏa thuận có thể phân chia quyền lợi thế nào. Trong đó, nội dung email có đề cập việc chia cho “ông lớn (the big guy)” 10% . Nội dung không ghi rõ người này là ai, chỉ ghi “10 phần do H cầm cho ông lớn?”. Ông Bobulinski khẳng định khá chắc chắn rằng tài liệu trên có liên quan đến cựu Phó Tổng thống.

Ông Hunter Biden và James Biden đã làm gì?

Hồ sơ do ông Bobulinski cung cấp cho thấy vào năm 2017, Hunter Biden và James Biden đã tham gia vào các cuộc đàm phán về một liên doanh với một công ty tài chính và năng lượng Trung Quốc có tên CEFC China Energy.

Tập hồ sơ do Bobulinski cung cấp, bao gồm email, hợp đồng, tài liệu kế hoạch kinh doanh và ảnh chụp các tin nhắn được mã hóa giữa các đối tác Mỹ. Tờ The Times không thể xác thực độc lập tất cả các hồ sơ, nhưng các hồ sơ được đề cập trong bài viết phù hợp với các cuộc phỏng vấn và báo cáo trước đó của hãng truyền thông này. Còn chiến dịch tranh cử của ông Biden không đề cập việc ông James và Hunter Biden tham gia đàm phán với công ty Trung Quốc.

Nội dung hồ sơ trên cho thấy, Hunter Biden tự coi thế lực gia đình là một tài sản có giá trị, nên khá giận dữ và trích dẫn “thương hiệu gia đình” mình như một lý do để đưa ra làm đối trọng trong liên doanh được đề xuất. Các tài liệu cũng cho thấy, các đối tác mà ông Hunter Biden, James Biden và các cộng sự lên kế hoạch giao dịch khá trùng hợp với các quốc gia mà ông Joe Biden trước đây từng có quan hệ với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ. Một kế hoạch dài 42 trang bao gồm một phần nêu rõ vai trò của cựu Phó Tổng thống Biden trong việc thúc đẩy tăng cường thương mại với Colombia, là một trong những mục tiêu của liên doanh trên, cùng với Luxembourg, Oman và Romania.

Theo một tài liệu, vai trò của Hunter Biden trong thỏa thuận này “là chìa khóa quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ.

Tờ Times đưa tin vào năm 2018 rằng, Chủ tịch CEFC Ye Jianming đã gặp riêng ông Hunter Biden tại một khách sạn ở Miami vào tháng 5/2017, tại đây Giám đốc điều hành Trung Quốc đề xuất hợp tác đầu tư vào các thỏa thuận năng lượng và cơ sở hạ tầng của Mỹ. Các tài liệu chỉ ra, CEFC Trung Quốc ban đầu cho biết sẽ gửi 10 triệu USD cho liên doanh vào năm 2017.

Một phiên bản ban đầu của kế hoạch kinh doanh chỉ ra rằng, ông Hunter và James Biden cùng các cộng sự người Mỹ “đã tạo dựng liên minh với các cấp chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp cao nhất”.

Điều gì đã xảy ra với thỏa thuận?

Đến tháng 8/2017, thương vụ có dấu hiệu trục trặc. Ông Bobulinski đã viết thư cho CEFC lưu ý rằng, khoản thanh toán 10 triệu USD như hứa hẹn đã không được gửi vào tài khoản ngân hàng của đối tác Mỹ. Có mâu thuẫn trong việc này, bởi hiện không có bất kỳ khoản tiền nào như thế đã từng được giao từ phí đối tác Trung Quốc. Một cuộc điều tra kéo dài một năm của hai ủy ban Thượng viện về các cáo buộc tham nhũng chống lại nhà Biden đã không tìm thấy bằng chứng nào về ảnh hưởng không chính đáng hoặc hành vi sai trái của cựu Phó Tổng thống và cho thấy số tiền trên đã được CEFC chuyển đến.

Các tài liệu từ tháng 8/2018 cho thấy, các bộ phận của liên doanh đã ngừng hoạt động hoặc ít nhất có kế hoạch đóng cửa, có một tài liệu dự thảo đề cập việc “thanh lý và giải thể hoàn toàn” các phương tiện đầu tư chính của liên doanh. CEFC, một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc, đã bị tuyên bố phá sản vào tháng 3 năm nay sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ nêu tên trong một cuộc điều tra hình sự.

(theo Nytimes)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2020-phi-vu-map-mo-voi-trung-quoc-ong-con-hunter-biden-co-khien-ong-bo-biden-kho-xu-127312.html