Bầu cử Mỹ 2020: Nga lại bị réo tên

Giới chức Mỹ xác nhận đã tấn công mạng vào Nga để ngăn Moscow can thiệp bầu cử.

Tướng Paul Nakasone, chỉ huy Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Chỉ huy mạng của quân đội Mỹ đã xác nhận với NBC News cho biết, nước này tiến hành một loạt các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu Nga và Iran để ngăn các nỗ lực can thiệp bầu cử.

Mỹ đã tấn công mạng Nga trước để tránh khả năng bị can thiệp bầu cử Tổng thống

Mỹ đã tấn công mạng Nga trước để tránh khả năng bị can thiệp bầu cử Tổng thống

Ông Nakasone lập luận rằng, cơ quan này tin hành động đó là đúng đắn.

"Tôi tin rằng các hành động mà chúng tôi đã thực hiện chống lại các đối thủ đã đảm bảo rằng họ sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi" - tướng Nakasone nói.

Cách đây hai tuần, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe cáo buộc Iran và Nga đã thực hiện các hành động cụ thể nhằm tác động quan điểm dư luận đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, song không đưa ra bằng chứng nào.

Nhưng đến nay, Mỹ cũng khẳng định rằng họ đã không ghi nhận các cuộc tấn công mạng từ bên ngoài và cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn.

Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Chad Wolf khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy tồn tại "yếu tố bên ngoài" tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ông Wolf nói: "Chúng tôi không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về một tác nhân nước ngoài dàn xếp hoặc bóp méo tiến trình bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này."

Đáng nói rằng, Mỹ không cần đến một yếu tố nước ngoài nào có thể can thiệp vào cuộc bầu cử của họ. Mâu thuẫn giữa 2 đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đang khiến cuộc bầu cử này trở nên hỗn loạn.

Biểu tình đã nổ ra và trong lúc các kết quả kiểm phiếu chưa được hoàn tất, ứng viên Đảng Dân chủ đã chuẩn bị các tiến trình trao đổi quyền lực, còn đương kim Tổng thống Donald Trump tích cực đưa đơn kiện lên tòa án tối cao về việc kiểm phiếu bầu cử ở một số bang mà ông nghi ngờ có gian lận.

Trong một diễn biến liên quan, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang mở cuộc điều tra loạt cuộc gọi điện thoại tự động bí ẩn kêu gọi người dân ở nhà vào Ngày bầu cử (3/11).

Bầu cử trực tiếp bất lợi cho Trump, xuất hiện cuộc gọi bí ẩn dọa người dân không ra đường bầu cử

Bà Giulia Porter - Phó Chủ tịch công ty RoboKiller chuyên ngăn chặn các cuộc gọi tự động và bán hàng qua điện thoại cho hay, giọng nữ nhân tạo trong đoạn ghi âm sẵn nói: “Xin chào. Đây là cuộc gọi thử. Đến lúc phải ở nhà. Hãy giữ an toàn và ở nhà”.

Bà Porter cho biết, cuộc gọi này đã xuất hiện hàng triệu lần suốt 11 tháng qua, song vào ngày 3/11, nó xuất hiện dày đặc, leo lên vị trí số 5 – 6 của danh sách các cuộc gọi làm phiền hàng đầu ở Mỹ. Ước tính, hàng ngàn hoặc thậm chí hàng chục ngàn người đã nhận được thông điệp trên vào Ngày bầu cử.

Một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay FBI đang điều tra những cuộc gọi trên. Một số cơ quan hành pháp khác ở Mỹ cũng quan tâm đến vấn đề này. Bộ trưởng Tư pháp bang New York Letitia James hôm 3/11 đã thông báo mở cuộc điều tra.

Những cuộc gọi tự động mang thông điệp tương tự, kêu gọi người dân ở nhà còn xuất hiện tại các bang chiến địa như Florida và Iowa. Giới chức bang Kansas cũng phản ánh tình trạng như trên.

Tại Michigan, những cuộc gọi tự động lại kêu gọi người dân thành phố Flint đi bỏ phiếu vào hôm sau để không phải xếp hàng chờ đợi. Bộ trưởng Tư pháp bang Michigan Dana Nessel khẳng định trên Twitter: “Rõ ràng cuộc gọi là giả mạo và nhằm đàn áp cuộc bầu cử”.

Bầu cử trực tiếp vào Ngày Bầu cử 3/11 được cho là luôn mang lại lợi thế cho Đảng Cộng hòa trong khi hình thức bỏ phiếu sớm qua thư mang lại lợi thế cho Đảng Dân chủ.

Điều này cũng khiến ông Trump nhiều lần lên án việc bỏ phiếu qua thư và kiểm phiếu kéo dài qua ngày bầu cử.

Ai sẽ thắng sát nút?

Đã thêm 1 ngày trôi qua nhưng người Mỹ chưa biết ai sẽ lèo lái đất nước vào năm sau.

Truyền thông Mỹ cho rằng, ông Trump đã bắt đầu có cơ hội để vượt lên "làn sóng xanh" từ Đảng Dân chủ.

Đảng Cộng hòa vẫn giữ được các ghế Thượng viện mà đảng Dân chủ muốn giành lấy. Chưa hết, đảng Cộng hòa còn có thể thu hẹp thế đa số của đảng Dân chủ tại Hạ viện.

Và ngay cả nếu ông Trump thất bại, sự sát nút của cuộc đua cho thấy ông Biden nếu đắc cử sẽ khó có được sự đồng thuận cần thiết để thực thi các chính sách, theo AP.

“Liên minh của ông Trump đứng vững, kiên định, và mạnh hơn chúng tôi tưởng” - Hạ nghị sĩ Gerald Connolly, từ bang Virginia, cho biết.

Ông Trump đã thu hẹp lại khoảng cách với Biden vì những bất ngờ. Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Nhà Trắng vào Tháng Lịch sử người Mỹ gốc Phi (1/2/2020 - 1/3/2020). Ảnh: New York Times

Một dấu hiệu đáng lo ngại nữa cho đảng Dân chủ, là ông Trump còn được thêm sự ủng hộ từ người da đen và người Mỹ Latin. Tưởng rằng với các phát ngôn, chính sách của ông Trump về người nhập cư, về biểu tình George Floyd, ông sẽ mất nhiều ủng hộ từ các nhóm này.

Trong khi đó, so với bà Clinton năm 2016, ông Biden đã thu hẹp cách biệt của đảng Dân chủ so với ông Trump ở nhiều bang như Iowa, Ohio và Texas. Nhưng ông vẫn chỉ về sau, chưa giành lại được các bang này.

“Rất khó hiểu vì sao có sự khác biệt lớn như vậy giữa các thăm dò và kết quả sau cùng” - người phụ trách đảng Dân chủ ở bang Texas, Gilberto Hinojosa, bình luận.

Chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ Jesse Ferguson có cái nhìn lạc quan hơn. Ông nói còn quá sớm để kết luận đảng Dân chủ đã làm không tốt, khi mà ông Biden nhiều khả năng sẽ dựng lại được “Bức tường Xanh” (Michigan, Pennsylvania, Wisconsin), đồng thời chuyển được Arizona sang Dân chủ. Ông cũng vẫn còn cơ hội cạnh tranh ở Georgia, bang chưa từng về tay Đảng Dân chủ từ thập niên 90.

Cho đến nay, các cách biệt giữa ông Biden và ông Trump đang được thu hẹp lại ở các bang Wisconsin với 99% phiếu đã kiểm; Pennsylvania với 89% phiếu bầu được kiểm; North Carolina đã kiểm 95% số phiếu, Georgia đã kiểm 95% số phiếu, Nevada - 86% số phiếu đã kiểm, Arizona đã kiểm 86% số phiếu và Alaska đã kiểm 56%.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bau-cu-my-2020-nga-lai-bi-reo-ten-3421993/