Bầu cử Mỹ 2020: Ai chiến thắng và nỗi lo của châu Á

Châu Á gần đây khá căng thẳng với cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, nhiều người kỳ vọng vào cuộc bầu cử Mỹ sẽ làm giảm nhiệt tại khu vực. Nhưng đó dường như vẫn là một tương lai khó đoán định.

Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2020 tới đây vẫn rất khó đoán định. (Nguồn: AP)

Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ 2020 tới đây vẫn rất khó đoán định. (Nguồn: AP)

Tổng thống Trump đã làm tốt?

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng rõ rệt, châu Á mong đợi cuộc bầu cử ở Mỹ sắp tới sẽ giúp làm "giảm nhiệt" những căng thẳng đang leo thang này.

Tuy nhiên, với việc cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là Donald Trump và Joe Biden đều cam kết đưa ra các chính sách cứng rắn với Trung Quốc, các chính phủ ở châu Á hiểu rằng cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ không biến mất cho dù ai sẽ trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng dù chính quyền ông Biden (nếu ông Biden đắc cử) có thể làm dịu bớt các căng thẳng Mỹ-Trung, song chính trị gia này vẫn quyết tâm hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác, và điều này có thể gây áp lực buộc một số quốc gia phải rơi vào thế chọn bên.

Học giả Malcolm Cook, làm việc tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho rằng có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các quốc gia Tây Âu sẽ thích chính quyền Biden hơn, song rất khó để xác định cụ thể các quốc gia châu Á ủng hộ bên nào trong cuộc đua giữa ông Trump và ông Biden.

Ông Malcolm Cook nói: “Nếu Trung Quốc không tỏ ra quá hung hăng như vậy trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump, thì hẳn ở châu Á sẽ không có nhiều nước ủng hộ ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai”.

Theo học giả này, các quốc gia phải đối mặt với áp lực từ phía Trung Quốc rất có thể sẽ ủng hộ chính quyền Mỹ đương nhiệm.

Ông Biden có đáng tin?

Về ông Biden, Phó Giáo sư Chong cho rằng dù ông Biden cũng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc, song vẫn có lo ngại rằng ông sẽ sử dụng những nhân vật từng phục vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Phó Giáo sư James Crabtree, làm việc tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho rằng ông Biden gặp vấn đề về tín nhiệm ở châu Á, bất chấp khả năng chính quyền của ông có thể mang lại “vùng nước yên bình hơn” cho khu vực.

Theo ông Crabtree, các quốc gia lo ngại nhất về Trung Quốc cũng chính là các quốc gia cảm thấy “thoải mái nhất” về ông Trump.

Ông Crabtree phân tích: “Nếu bạn lo lắng về sự ổn định trong khu vực thì bạn sẽ muốn duy trì sự tham gia của Mỹ. Ông Biden hứa hẹn sẽ có nhiều cam kết đa phương hơn và đó là điều tích cực, nhưng sau đó cũng có mặt tiêu cực. Nhiều nước trong khu vực rất thoải mái với cách mà Mỹ đã hành xử trong 4 năm qua".

Về kinh tế, trong cuộc trao đổi gần đây với Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức tư vấn của Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết một trong những điều mà ông hy vọng nhất từ chính quyền tiếp theo của Mỹ là nước này sẽ “tìm cách quay lại” với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dù vậy, điều này là khó xảy ra, bất kể ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, bởi chiến dịch bầu cử của ông Biden ít đề cập khả năng có thêm các thỏa thuận thương mại tự do mới trong tương lai gần.

Điểm chung của cả hai ứng cử viên là họ đều dự kiến sẽ theo đuổi chính sách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, một động thái mà các quốc gia châu Á hy vọng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài từ các công ty và doanh nghiệp sản xuất Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc đang tìm cách rời khỏi đây.

(theo The Australian)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2020-ai-chien-thang-va-noi-lo-cua-chau-a-126637.html