Bầu cử Italy: Giấc mơ về Augustus

Người dân xứ sở hình chiếc ủng đang kì vọng có thể tìm kiếm một nhà lãnh đạo tài năng, dẫn dắt đất nước vượt khó trong cuộc bầu cử ngày 4/3 sắp tới.

Người dân Italy đang kì vọng có thể tìm kiếm một nhà lãnh đạo tài năng, dẫn dắt đất nước trong cuộc bầu cử ngày 4/3 sắp tới.

Có thể nói, ngay cả những chuyên gia lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng Italy đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở thời điểm hiện tại. Tốc độ tăng trưởng của quốc gia này năm 2017 đạt mức 1,4%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, song vẫn kém xa mức trước khủng hoảng tài chính năm 2008 (7,5%) hay thậm chí so với tốc độ phát triển trung bình (2,5%) của các nước trong cùng khối Eurozone. Theo các chuyên gia, dù là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực Eurozone, song Italy lại được đánh giá là nước có năng suất lao động thấp nhất trên toàn châu Âu, với tín nhiệm thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, cùng môi trường kinh doanh kém thân thiện.

Bên cạnh đó, nhập cư tiếp tục là vấn đề nhức nhối, đe dọa an ninh và ổn định của quốc gia này. Trong năm 2017, Tổ chức Quốc tế về Nhập cư của Liên hợp quốc (IOM) ghi nhận có 119.310 người vượt biển tới Italy, với 2.832 người tử nạn hoặc mất tích. Đây vẫn là con số đáng báo động, dù phần nào thuyên giảm so với mức kỷ lục năm 2016.

Trong bối cảnh đó, không khó hiểu khi người dân xứ sở hình chiếc ủng kì vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ giúp họ chọn ra một nhà lãnh đạo có tâm và đủ tầm để dẫn dắt đất nước. Dù vậy, tương tự như cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt mà La Mã thời hậu Julius Caesar phải trải qua trước khi đi vào quỹ đạo ổn định, Italy giờ đây sẽ phải trải qua nhiều vòng bầu cử cam go nhằm tìm kiếm một Chính phủ vững chắc.

Cựu Thủ tướng Berlusconi, Renzi và nhân tố mới nổi Di Maio, ai sẽ là người chiến thắng? (Nguồn: EPA)

Tái lập Liên minh Tam hùng

Tuy nhiên, chính trường Italy, vốn nổi tiếng vô thường với những đảng phái, liên minh “hợp rồi tan”, càng khiến cho kết quả cuộc bầu cử ngày 4/3 trở nên khó đoán định.

Một trong những nét nổi bật của “sân khấu” Rome năm nay là màn tái xuất của các vị cựu Thủ tướng. Kế thừa di sản của đảng Nhân dân Tự do, dưới sự dẫn dắt của ông Silvio Berlusconi, đảng “Tiến lên Italy!” (FI) được đánh giá là nhân tố chủ chốt trong cuộc chạy đua quyền lực. Việc bắt tay với những đảng khác, trong đó có Liên đoàn Phương Bắc (NL), càng củng cố vị trí vững chắc của đảng này trước thềm bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, ngay cả khi giành chiến thắng, ông Berlusconi cũng khó có thể tham gia lãnh đạo do vướng vào án phạt trốn thuế.

Một cựu Thủ tướng khác là ông Matteo Renzi cùng đảng Dân chủ (PD) đương quyền cũng được đánh giá rất cao. Tương tự như FI, PD đã thỏa thuận với nhiều đảng nhỏ hơn, với mong muốn thu thập đủ số phiếu ủng hộ và tìm kiếm một chân trong Chính phủ mới. Nếu PD thành công, Thủ tướng đương nhiệm Paolo Gentiloni nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền, khi ông nhận được nhiều sự ủng hộ của giới doanh nghiệp với những chính sách hỗ trợ của mình.

Tuy nhiên, chính những nhân tố mới đang thu hút được nhiều sự theo dõi nhất trên chính trường Italy thời gian qua. Thách thức về kinh tế, chính trị và xã hội mà Rome phải đối mặt thời gian qua đã tạo điều kiện cho lực lượng dân túy và những đảng cựu hữu mở rộng ảnh hưởng tại Italy, thu hút nhiều sự ủng hộ của một bộ phận người dân đã mất niềm tin vào các chính trị gia truyền thống. Đảng dân túy Phong trào Năm sao (M5S) dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch 31 tuổi Luigi Di Maio là đại diện tiêu biểu của làn sóng này. Hiện M5S đang nhận được nhiều sự ủng hộ và được dự đoán sẽ vượt mặt liên minh cầm quyền PD, chỉ đứng sau liên minh FI của cựu Thủ tướng Berlusconi.

Lịch sử có lặp lại?

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sẽ không có một chính đảng nào có đủ số phiếu để thiết lập Chính phủ. Điều này buộc ba bên sẽ phải thỏa hiệp cho một Chính phủ liên minh. Dù vậy, không ít người lo ngại rằng Italy đang đi theo vết xe đổ của Đức, khi khác biệt quan điểm về vấn đề nhập cư và phát triển kinh tế có thể khiến những thỏa thuận này trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, sự thiếu ổn định của chính trường Rome khiến nhiều người liên tưởng về một cuộc bầu cử sớm, hơn là một “Liên minh Tam hùng” rệu rã.

Không chỉ người dân Italy, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đang dõi theo từng bước của ba đảng phái lớn tại xứ sở hình chiếc ủng, đặc biệt là khi phong trào kêu gọi Italy rời EU (Italexit) vẫn dâng cao trong cả nước. Ngay cả khi điều này chưa trở thành sự thực, một Chính phủ tạm quyền bấp bênh cùng tư tưởng chống EU sẽ là bài toán khó cho Brussels.

Quay ngược dòng lịch sử, những bất ổn của La Mã thời hậu Caesar chỉ chấm dứt với sự tan rã của Liên minh Tam hùng lần 2, thất bại của Mark Antony, Lepidus và chiến thắng của Augustus, người đi vào sử sách khi trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã. Hơn lúc nào hết, người Italy và EU cần một Augustus mới để bình ổn chính trường Italy và khôi phục hào quang thuở nào của thành Rome. Tuy nhiên, khác với 2060 năm trước, số phận của người Italy lần này sẽ được định đoạt bởi chính lá phiếu của họ trong vài ngày tới.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/bau-cu-italy-giac-mo-ve-augustus-66917.html