Bầu cử Israel: Quá tam ba bận

Không có nhiều chỉ dấu cho thấy rằng kết quả của bầu cử lần thứ ba trong chưa đầy một năm sẽ khai thông thế bế tắc hiện nay tại chính trường Israel. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Người dân Israel thực hiện quyền công dân tại điểm bỏ phiếu ngày 3/2. (Nguồn: AP)

Ngày 2/3, cử tri Israel một lần nữa bỏ phiếu lựa chọn người lãnh đạo đất nước sau hai lần trước không thành công. Có bốn điểm đáng chú ý trong cuộc bỏ phiếu lần này:

Thứ nhất, theo thống kê, tính đến 10 giờ sáng ngày 3/2, 14,5% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, giảm 0,5% so với lần trước. Một mặt, người dân Israel có thể e ngại dịch viêm phổi do virus corona (Covid-19) gây ra. Song mặt khác, cử tri Israel đang tỏ ra thờ ơ với cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái và người chiến thắng, dù là đảng Likud hay Liên minh Xanh – Trắng, không còn quá quan trọng với họ. Sự hờ hững này là một thực tế đáng báo động đối với nền dân chủ Israel.

Bản thân Tổng thống Israel Reuven Rivlin cũng bày tỏ sự thất vọng về những hành động xấu xí ngay trước thềm bầu cử của nhiều bên như công bố số liệu sai lệch hay viết thư giả, buộc đảng khác rút khỏi danh sách ứng cử viên. Ông khẳng định: “Tôi đã sát cánh cùng bầu cử Israel từ những ngày đầu lập quốc. Đó luôn là ngày chúng tôi thấy vui mừng vì sự hiện diện của nền dân chủ tại Israel, song ngày hôm nay, tôi đã không còn cảm giác đó. Thế chỗ cho nó là nỗi xấu hổ trước các bạn, công dân của Israel".

Thứ hai, kết quả bỏ phiếu được dự đoán sẽ không khác biệt nhiều với hai lần trước. Khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng Likud sẽ tăng nhẹ, có thể do tác động đến từ vị thế thuận lợi của Israel sau khi Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để đảng này phá thế bế tắc với Liên minh Xanh – Trắng dẫn dắt, khi cùng có 34/120 ghế.

Thứ ba, trong bối cảnh đó, các chính đảng bé hơn sẽ trở thành đối tượng để Likud và Liên minh Xanh – Trắng tranh thủ. Đảng Joint List của người gốc Arab, dự kiến sẽ tiếp tục duy trì vị thế lớn thứ ba tại Knesset khi giành ít nhất 14/120 ghế. Trong quá khứ, Joint List đã có nhiều hành động gây tranh cãi khi giơ khẩu ngữ “Jerusalem là thủ đô của Palestine” trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Knesset đầu năm 2018 và từng công khai ủng hộ Liên minh Xanh – Trắng thành lập chính phủ. Tuy nhiên, việc Liên minh Xanh – Trắng ủng hộ Kế hoạch Hòa bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ khiến khả năng hợp tác giữa Liên minh và Joint List khó khả thi hơn.

Tương tự, đảng Yisrael Beiteinu do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman dẫn dắt sẽ là nhân tố quan trọng. Hồi tháng 4 và 9/2019, ông Lieberman từng từ chối hợp tác với ông Benjamin Netanyahu, bất chấp quan hệ thân thiết nhiều thập kỷ, song cũng quyết không liên minh với ông Benny Gantz.

Thứ tư, việc ông Netayahu bị truy tố ngày 28/1 không tác động nhiều đến kết quả bầu cử. Đương kim Thủ tướng Israel sẽ chính thức hầu tòa 15 ngày sau khi bầu cử kết thúc. Theo luật Israel, ông sẽ không phải từ chức cho đến khi ông bị kết án sau quá trình kháng cáo, vốn có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là hàng năm. Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo ông Netanyahu ở trên cương vị này khi phán quyết cuối cùng được đưa ra.

Người xưa có câu “Quá tam ba bận”: Khi làm việc gì đó, nếu tới lần thứ 3 mà vẫn không thành công thì nên dừng lại, để suy nghĩ và tìm cách khác hiệu quả hơn. Trong bối cảnh bầu cử liên tiếp không thể khai thông thế bế tắc, thậm chí tác động tiêu cực tới nền dân chủ, liệu đã đến lúc Tổng thống Reuven Rivlin cân nhắc những giải pháp chính trị mới? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-israel-qua-tam-ba-ban-110691.html