Bầu cử Hạ viện ở Malaysia: Bên tám lạng, người nửa cân

Ngày 9-5, cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia lần thứ 14 sẽ diễn ra với sự tham gia của 3 lực lượng chính gồm Liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (BN), Liên minh đối lập (PH) và đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS).

Đảng nào giành thắng lợi bằng việc chiếm được đa số ghế trong tổng số 222 ghế trong Hạ viện sẽ giành được quyền thành lập chính phủ và quyết định chiếc ghế Thủ tướng Malaysia nhiệm kỳ tới.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia lần này có tính cạnh tranh lớn nhất trong lịch sử Malaysia và “đáng quan tâm nhất” từ trước tới nay với số lượng ứng cử viên kỷ lục lên tới 2.333 người.

9.000 địa điểm bỏ phiếu chính thức được mở cửa vào 7h sáng 9-5 và kết thúc vào lúc 19h cùng ngày. Tuy nhiên, cũng có một số bộ phận cử tri thuộc lực lượng vũ trang và cảnh sát đã đi bỏ phiếu sớm từ hôm 5-5 tại 586 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.

Ủy ban bầu cử Malaysia cho biết, số lượng cử tri bỏ phiếu sớm đạt ở mức 278.000 người và các thùng phiếu với lá phiếu bỏ sớm này được giữ an toàn tại các trụ sở cảnh sát cho đến khi có lệnh đồng loạt mở hòm phiếu. Vì thế mới có chuyện là trong khi một bộ phận nhỏ cử tri đi bỏ phiếu sớm thì các đảng phái vẫn nỗ lực hết sức để vận động nhằm có thêm lá phiếu ủng hộ từ các cử tri.

Bầu cử Hạ viên Malaysia thực chất là cuộc đua song mã giữa đương kim Thủ tướng Najib Razak và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ảnh: Getty.

Hãng tin The Strait Times cho hay, tham gia cuộc bầu cử lần này gồm Liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (BN), Liên minh đối lập (PH) và đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS). Liên minh BN đã cầm quyền ở Malaysia khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1957 và là chính phủ được bầu lâu nhất thế giới.

Liên minh BN gồm 13 đảng do Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) của Thủ tướng Najib Razak đứng đầu với tuyên ngôn "làm cho Malaysia trở nên vĩ đại hơn". Hiện Liên minh BN đang nắm giữ 132 trong số 222 ghế trong Hạ viện và nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ hai bang thuộc đảo Borneo.

Đối thủ lớn nhất của Liên minh BN trong cuộc bầu cử là Liên minh PH. Điểm yếu của PH là liên minh này từng bị tan rã vào năm 2015 sau khi đồng minh Hồi giáo chính rời đi và nhà lãnh đạo đối lập có uy tín Anwar Ibrahim bị giam giữ vì bê bối tham nhũng.

Trong cuộc bầu cử lần này, PH do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (92 tuổi), thủ lĩnh của đảng Người dân bản địa Malaysia thống nhất (PPBM) dẫn đầu.

Hãng tin Reuters nhận định, dù mới được thành lập hồi tháng 9 năm 2016 song PPBM đã nhanh chóng nổi lên như là một “lực lượng đáng gờm” đối với UMNO cũng như liên minh BN nói chung.

Liên minh PH gồm một số đảng đối lập có cùng mục tiêu là “hạ bệ” Thủ tướng Najib Razak và vận động cử tri bỏ phiếu ủng hộ mình bằng việc tung thông tin về tình trạng tham nhũng và phê phán chính sách dân túy gây nhiều tranh cãi của chính phủ đương nhiệm.

Liên minh PH hiện đang nắm 72 ghế trong Hạ viện trong khi đảng phái cuối cùng tranh cử là đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) với 14 ghế trong Hạ viện. Đảng PAS mới tách khỏi Liên minh PH do bất đồng. Sự góp mặt của đảng PAS được dự đoán là yếu tố làm loãng phiếu, lấy đi cơ hội của 2 liên minh còn lại, đặc biệt là Liên minh đối lập PH.

Tuy vậy vẫn có thể khẳng định, cuộc bầu cử Hạ viện lần này thực chất là cuộc đua song mã giữa đương kim Thủ tướng Najib Razak và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad.

Hãng CNN viết: “Cuộc chiến giữa hai chính trị gia gạo cội này là phần “đáng quan tâm” nhất của cuộc bầu cử bởi lẽ Thủ tướng Najib Razak từng được chính cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad hậu thuẫn trên con đường chính trị”.

Năm nay 64 tuổi, ông Najib Razak đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 3 trong bối cảnh chịu áp lực lớn về cải tổ hoạt động của Liên minh BN và những thách thức từ bên trong đảng UMNO. Ông Najib Raza là con trai của Thủ tướng thứ hai của Malaysia, ông Abdul Razak Hussein. Chú của ông cũng chính là Thủ tướng thứ ba của Malaysia, ông Tun Hussein Onn.

Khi mới 22 tuổi, Najib Razak đã trở thành nghị sĩ Quốc hội trẻ nhất Malaysia và ông cũng là chính trị gia có nhiều kinh nghiệm nhất tại Malaysia khi từng phục vụ 3 thập kỷ trong chính phủ và đảm nhiệm nhiều vị trí như Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và là Phó Thủ tướng Malaysia năm 2004.

Najib Razak đã trở thành Thủ tướng thứ 6 của Malaysia vào năm 2009 và hiện uy tín của ông đang bị suy giảm nặng nề do bê bối tham nhũng, rửa tiền tại Mỹ và một số quốc gia khác của Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia 1MDB.

Trong cương lĩnh tranh cử năm nay, ông Najib Razak cam kết sẽ giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng hiện nay tại Malaysia, tăng lương tối thiểu lên khoảng 388 USD/tháng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông và tạo thêm 3 triệu việc làm mới.

Còn cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad thì được Liên minh PH lựa chọn làm ứng cử viên Thủ tướng bởi ông hiện là Chủ tịch PPBM và là người có nhiều kinh nghiệm trên chính trường. Là người từng dẫn dắt BN cũng như UMNO trong nhiều thập kỷ, hơn ai hết, Mahathir Mohamad “tỏ tường” về những “đường đi nước bước” của liên minh cầm quyền.

Bên cạnh đó, ông vẫn là chính trị gia được đông đảo người dân Malaysia tín nhiệm và kính trọng bất chấp việc ông đang bị điều tra với cáo buộc loan tin giả mạo. Hãng tin AP cho biết, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamed xuất thân từ một gia đình giáo viên tại vùng nông thôn Malaysia.

Trong suốt 22 năm cầm quyền từ 1981 đến 2003, ông Mahathir Mohamad đã có công lớn trong việc giúp đất nước Malaysia phát triển như ngày nay khi đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của các ngành công nghệ cao và có một chiến lược kinh tế ổn định.

Di sản mà ông Mahathir Mohamad để lại bao gồm tòa tháp đôi cao 88 tầng ở Kuala Lumpur, thủ đô hành chính Putrajaya xa hoa của Malaysia, một loạt các đường cao tốc 6 làn xe và một ngành công nghiệp xe hơi lớn mạnh.

Kể từ khi từ chức, ông trở thành cố vấn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia của Malaysia như Petronas và Malaysia Proton. Và nếu được bầu làm Thủ tướng Malaysia sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới, ông Mahathir Mohamad sẽ là vị Thủ tướng cao tuổi nhất thế giới hiện nay.

Phan Hiển (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/bau-cu-ha-vien-o-malaysia-ben-tam-lang-nguoi-nua-can-490117/