Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Tổng thống Trump sẽ 'lên hương' hay gặp ác mộng?

Hàng triệu cử tri Mỹ sẽ đến các điểm bầu cử trên khắp đất nước vào ngày 6-11 tới, tuy nhiên, không phải họ đang đi bầu một Tổng thống mới, mà họ sẽ tham gia vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, một cuộc bỏ phiếu cũng quan trọng không kém.

Ảnh minh họa. CNN.

Tên của Tổng thống Donald Trump sẽ không được in trên các lá phiếu, nhưng kết quả của cuộc bầu cử lần này cũng sẽ được coi như như một cuộc trưng cầu dân ý về sự lãnh đạo của chính quyền của ông trong thời gian qua. Đây là cơ hội để Tổng thống củng cố thêm quyền lực tại Washington hoặc cũng có thể là ngược lại.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ diễn ra vào này 6-11 tới đây, tuy vậy, nhiều người vẫn có thể bỏ phiếu sớm hơn ngày dự kiến. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khoảng 40% phiếu đã được bỏ và kiểm trước ngày bầu cử.

Nhiều người có thể đã quen thuộc với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, được tổ chức bốn năm một lần và là một trong những cuộc chạy đua chính trị được chú ý theo dõi hàng đầu trên thế giới. Tuy vậy, vẫn còn những cuộc bầu cử khác tại Mỹ, như cuộc chạy đua vào Thượng/Hạ viện hay tranh cử thống đốc các bang, cũng được tổ chức ngay giữa nhiệm kỳ Tổng thống, chính vì vậy, những cuộc bầu cử này được gán với cái tên “giữa (nhiệm) kỳ”.

Tất cả 435 ghế trong Hạ viện Mỹ sẽ được bầu trong cuộc bầu cử giữa kỳ, bởi các thành viên trong Hạ viện sẽ vận động hai năm một lần. 35 ghế trong Thượng viện gồm 100 thành viên (các thành viên sẽ hoạt động trong nhiệm kỳ 6 năm) cũng sẽ được bầu trong cuộc bỏ phiếu năm nay. Ngoài ra, vị trí thống đốc 36 bang cũng sẽ được quyết định trong dịp này.

Cuộc bầu cử này có ý nghĩa rất lớn với Tổng thống đương nhiệm, Donald Trump. Đảng nào sau cuộc bầu cử có thể giữ đa số ghế và giành quyền kiểm soát trong Quốc hội Mỹ cũng có thể khiến quãng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông Trump “lên hương” hơn nữa hoặc trở thành một cơn ác mộng với ông.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là những đảng nào được tham dự trong cuộc đua này. Câu trả lời chính thức là rất nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Mỹ, mỗi cuộc bầu cử lại là cuộc chiến giữa hai đảng lớn: Dân chủ và Cộng hòa. Phần lớn trong lịch sử nước Mỹ, hai đảng nổi bật này luôn cạnh tranh nhau cho cả Nhà Trắng (Tổng thống và chính quyền) lẫn Quốc hội.

Trong năm 2018, các vấn đề chủ đạo ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữ nhiệm kỳ bao gồm chính sách chăm sóc sức khỏe, kinh tế và nhập cư. Bộ ba vấn đề này, theo đúng thứ tự, là những gì mà cử tri Mỹ hiện đang rất quan tâm khi họ đi bầu cử. Đây là nhận định của CNN sau cuộc khảo sát được tiến hành từ đầu năm đến nay. Vấn đề nhập cư, cũng giống như hồi năm 2016, thực sự là một động lực đối với những cử tri ủng hộ cho đảng Cộng hòa. Những cử tri này đã phản ứng rất tích cực đối với những lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc hạn chế nhập cư bất hợp pháp cũng như đề xuất xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Ngoài những ảnh hưởng đối với nội bộ nước Mỹ, kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được cho là sẽ ít nhiều làm thay đổi cách nhìn của những nguyên thủ khác trên thế giới đối với ông chủ Nhà Trắng. Trong bối cảnh hiện nay, sự nổi trội của đảng Cộng hòa sẽ tạo ra một ấn tượng rằng ông Trump đang nắm đằng chuôi tại Mỹ, khiến ông và chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông thực sự được khẳng định trên đấu trường thế giới. Ông Trump cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy những thay đổi trong cách mà Mỹ quan hệ với các đồng minh EU và NATO, hay thách thức hơn nữa với phía Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, kinh tế hoặc tranh chấp lãnh thổ ở nhiều khu vực.

Tuy nhiên, nếu phe Dân chủ lại giành ưu thế tại Hạ viện, Thượng viện hoặc cả hai, ông Trump sẽ trở nên yếu thế hơn rất nhiều. Chính quyền của ông có thể sẽ bị tê liệt bởi những cuộc điều tra mà phe Dân chủ dự kiến sẽ tái khởi động nếu như họ giành được đa số ghế. Các đối thủ khác của ông Trump, từ Moscow, Paris đến Bắc Kinh sẽ có cơ hội tăng cường hoạt động vì lợi ích của nước đó trong thời điểm mà ông Trump đang đau đầu vì tình hình nước nhà.

Cuộc bầu cử này như là một cuộc trưng cầu dân ý về những người đang làm việc tại Nhà Trắng. Dựa vào những phiếu bầu của cử tri đối với các ghế trong Quốc hội, ông Trump sẽ có hai năm cuối trong nhiệm kỳ đầu tiên thuận hoặc ngược với chiều gió.

Nếu đảng Cộng hòa giành đa số tại Hạ và Thượng viện Mỹ, ông Trump như hổ mọc thêm cánh. Ông Trump sẽ một lần nữa tuyên bố rằng ông và đảng của ông đã chứng minh rằng những cuộc thăm dò ý kiến là sai. Mối lo ngại về những cuộc điều tra đối với những thành viên trong chính quyền của ông sẽ giảm đi đáng kể. Khi đó, ông Trump sẽ có thể đẩy mạnh hơn nữa nhiều vấn đề, trong đó có tăng cường đầu tư cho bức tường biên giới; gỡ bỏ hoàn toàn chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare và có thể là một đợt cắt giảm thuế nữa.

Còn trong trường hợp đảng Dân chủ chiếm ưu thế, đây sẽ là cơn ác mộng đối với ông Trump. Đảng Dân chủ sẽ tận dụng việc “cân bằng và cân đối” Hiến pháp, phân tách quyền lưc, khiến một cơ quan trong chính phủ không còn có quá nhiều quyền lực nữa. Một Thượng viện do phe Dân chủ nắm đa số sẽ có thể buộc ông Trump đề cử thêm các thẩm phán trung lưu và chương trình “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” cũng có nguy cơ chết yểu ngay trên chính đất Mỹ, theo CNN.

Duy Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tim-hieu-ve-cuoc-bau-cu-giua-nhiem-ky-o-my-517320/