Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Tổng thống Trump đang lo sợ?

Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực như thoi đưa đi vận động tranh cử cho cuộc bỏ phiếu không có tên mình.

Ngày 6/11 (giờ địa phương), các cử tri Mỹ sẽ đi bầu toàn bộ nghị sỹ của Hạ viện (435 ghế), 1/3 số nghị sỹ (35 ghế) ở Thượng viện và chọn ra 36 thống đốc bang.

Đây là một cuộc bỏ phiếu chọn ra các Nghị sĩ, không có tên Tổng thống nhưng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách lãnh đạo của ông.

Tổng thống Trump tích cực đi vận động tranh cử cho một cuộc bỏ phiếu không có tên mình.

Tâm điểm của cuộc bầu cử này là cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát thượng viện, hạ viện giữa hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Hiện cả Hạ viện và Thượng viện đều do đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump nắm quyền kiểm soát.

Trong số 35 ghế Thượng viện sẽ được bầu lại, chỉ có 9 ghế hiện do người Cộng hòa nắm giữ và 26 ghế là của người thuộc Đảng Dân chủ.

Như vậy, cơ hội cho phe Dân chủ để giành thêm ghế và kiểm soát Thượng viện là khá thấp. Nhưng đối với Hạ viện, Đảng Dân chủ lại có nhiều cơ hội hơn.

Không tự nhiên mà những ngày vừa qua, người dân Mỹ lại một lần nữa chứng kiến cựu Tổng thống Barack Obama có mặt tại các buổi vận động tranh cử. Ông tới những sự kiện vào hồi tháng 11, khi gần đến ngày kỷ niệm 10 năm ông đắc cử Tổng thống Mỹ. Nhưng lần này ông Obama lại cố gắng kêu gọi những người trẻ tuổi đi bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.

Đây là kỳ bầu cử giữa kỳ sôi động nhất trong vào 20 năm qua tại Mỹ, xét từ cả kết quả thăm dò dư luận, lượng tiền được đổ vào quá trình vận động tranh cử và sự đa dạng của các ứng viên.

Trong số ứng viên ra tranh cử, có 411 người là phụ nữ, người da màu, người thuộc cộng đồng LGBT hoặc 216 người là người da đen, gốc Latin, châu Á, người Mỹ bản địa hoặc đa sắc tộc, đưa cuộc bầu cử năm nay trở thành một trong những cuộc bầu cử đa dạng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Một người cũng đang rất tất bật cho cuộc bầu cử không có tên mình là Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump đã tham gia hơn 30 cuộc vận động vòng quanh nước Mỹ, bay tới hơn chục thành phố chỉ trong 6 ngày trước bầu cử. Ông đã xuất hiện liên tục, trở thành Tổng chỉ huy Vận động tranh cử của Đảng Cộng hòa.

"Tên tôi không có trên phiếu bầu, nhưng tôi vẫn ở trên phiếu bầu, vì đây là một cuộc trưng cầu dân ý về tôi... Tôi muốn các bạn đi bỏ phiếu. Hãy coi như tên tôi ở trên phiếu" - Tổng thống Donald Trump phát biểu trước cử tri tại Southaven, Mississippi.

Phe Dân chủ đổ tiền, phe Cộng hòa có uy tín

Đảng Dân chủ vốn có sức hút đối với các cử tri trẻ tuổi với sự đa dạng về nguồn gốc. Đảng Dân chủ cũng được cho là đã đổ những cơn lốc tiền vào cuộc bầu cử lần này.

Trong khi đó, những người Cộng hòa lại bước vào cuộc bầu cử với thành quả là Mỹ lần đầu trở lại vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế trong quý II năm nay đạt mức tốt nhất trong 4 năm, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 1969.

Bộ Lao động Mỹ ngày 2/11 báo cáo, tăng trưởng việc làm của nước này trong tháng 10 tốt hơn kỳ vọng, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức thấp nhất trong vòng 49 năm qua, 3,7%, trong khi tiền lương đạt mức tốt nhất so với cùng kỳ các năm trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.

Kết quả thăm dò của viện Pew cho thấy những người Mỹ Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục xung đột với nhau ở hầu hết mối quan tâm cơ bản: nhập cư, chăm sóc sức khỏe, công bằng trong kinh tế, phá thai...

Lịch sử cho thấy điều này không phải quá lạ lẫm nhưng Tổng thống Trump lại không hành động như các đời Tổng thống trước đã làm. Ông Trump cổ vũ cho mâu thuẫn và tìm cách tuyên chiến.

Sự "đối đầu" rõ nhất diễn ra hồi cuối tuần qua khi đương kim Tổng thống Mỹ và người tiền nhiệm của ông.

Tổng thống Donald Trump và cựu Tổng thống Barack Obama đối đầu nảy lửa trước bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ông Trump khoe khoang về thành tích kinh tế Mỹ, trong khi cảnh báo sự trở lại của đảng Dân chủ sẽ đồng nghĩa với các vấn đề văn hóa, ví dụ như chuyện nhập cư.

Tại cuộc vận động tranh cử ở Macon Georgie, Tổng thống Trump bóng gió cảnh báo Đảng Dân chủ về nền kinh tế.

“Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu chúng ta có tiếp tục xây dựng được sự thịnh vượng phi thường mà chúng ta đã tạo ra hay không” - ông Trump đồng thời dự báo Đảng Dân chủ sẽ “mang lại một quả bóng hủy diệt đối với nền kinh tế” của nước Mỹ.

Trong khi đó, ông Obama nhiếc móc đảng Cộng hòa vì đã “dối trá trơ tráo, không biết ngượng ngùng”, sử dụng một nhóm người di cư đang hướng đến biên giới Mỹ- Mexico để cố tình gây ra sợ hãi trong công chúng Mỹ nhằm trục lợi chính trị.

Tổng thống Obama chỉ trích ông Trump và Đảng Cộng hòa với chính sách đầy tính chia rẽ và dối trá.

Ông lên án ông Trump và đảng Cộng hòa thường xuyên tìm cách thu hồi luật chăm sóc sức khỏe, một sản phẩm mang thương hiệu Obama.

Tương lai khó đoán định

Tính tới sáng 4/11 (giờ Mỹ), khoảng 34,4 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, tăng 67,8% so với con số 20,5 triệu cử tri đi bầu cử sớm trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014.

Số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm đặc biệt cao ở những bang “chiến địa” như Tennessee, Nevada, Arizona và Texas.

Những cử tri đi bỏ phiếu sớm chỉ đơn giản là những người đã có quyết định sẵn trong đầu, các nhà phân tích chỉ rõ. Trong khi đó, kết quả cuối cùng phụ thuộc vào số cử tri “dễ dao động”.

Đơn cử như cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, mọi dự báo có được từ kết quả bầu cử sớm và cả những thăm dò dư luận trước thềm, bên thềm bỏ phiếu, đều đã sai.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bau-cu-giua-ky-my-tong-thong-trump-dang-lo-so-3368660/