Bầu cử giữa kỳ 2018: Khoảnh khắc xoay trục cán cân quyền lực nước Mỹ

Trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ, toàn bộ 435 ghế trong hạ viện Mỹ sẽ được bầu lại và có thể chứng kiến tình thế đảo chiều ngoạn mục trong việc nắm quyền kiểm soát hạ viện.

Đảng Dân chủ cần có thêm được ít nhất 23 ghế để kiểm soát Hạ viện (ảnh). Ảnh: Wikimedia Commons.

Đảng Dân chủ cần có thêm được ít nhất 23 ghế để kiểm soát Hạ viện (ảnh). Ảnh: Wikimedia Commons.

Cử tri trên khắp nước Mỹ hôm 6/11 sẽ đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử giữa kỳ để lựa chọn người đại diện cho họ ở nhiều vị trí khác nhau, từ lưỡng viện quốc hội cho tới thị trưởng, cảnh sát trưởng nơi họ sinh sống, theo Washington Post.

Trong đợt bầu cử giữa kỳ này, toàn bộ 435 ghế trong hạ viện Mỹ sẽ được bầu lại và có thể chứng kiến tình thế đảo chiều ngoạn mục giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc nắm quyền kiểm soát hạ viện.

Trong khi đó, chỉ có 1/3 số ghế ở thượng viện được bầu lại, do nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ Mỹ kéo dài tới 6 năm. Năm nay, chỉ 35 trong tổng số 100 ghế ở thượng viện Mỹ có thể sẽ được đổi chủ. Tất cả những quy định về nhiệm kỳ và ngày bỏ phiếu đều được quy định trong hiến pháp Mỹ.

Hiến pháp quy định một đảng cần nắm giữ ít nhất 51 ghế để kiểm soát thượng viện và 218 ghế để kiểm soát hạ viện. Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ, bởi đảng Dân chủ hiện chỉ nắm 49 ghế ở thượng viện và 193 ghế tại hạ viện.

Dựa trên kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, bình luận viên Aaron Blake của Washington Post dự đoán sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, đảng Dân chủ sẽ giành lại được quyền kiểm soát hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa vẫn giữ vững vị thế của mình ở thượng viện, thậm chí là có thể có thêm 1-2 ghế.

Đảng Dân chủ hiện nay chỉ cần có thêm 23 ghế là sẽ giành quyền đa số tại hạ viện Mỹ. Cuộc thăm dò do Cook Political Report tiến hành cho thấy họ sẽ lấy lại được ít nhất 16 ghế từ phía đảng Cộng hòa, và chỉ cần thêm 7 ghế trong tổng số 30 ghế "dao động" là sẽ kiểm soát được hạ viện, kịch bản được Blake đánh giá là hoàn toàn khả thi.

Bầu cử hay một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump?

Tổng thống Trump tại một sự kiện vận động ở bang Florida ngày 3/11. Ảnh: Reuters

Trong khi tên mình không có trên lá phiếu, Tổng thống Trump hôm 5/11 vẫn thừa nhận rằng cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 giống như một cuộc trưng cầu dân ý về vai trò tổng thống của ông trong hai năm qua.

Cụ thể, những lá phiếu vào ngày 6/11, dù mang tên hàng trăm người khác, sẽ giải đáp câu hỏi người Mỹ ai đã và ai không hối hận về lựa chọn của họ vào năm 2016. Hai năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã chứng kiến hàng loạt vụ bê bối tại Washington D.C., sự thách thức các chuẩn mực hiến pháp và hủy hoại đáng kể đối với các thể chế nước Mỹ đang xây dựng nhiều thập niên qua để duy trì trật tự thế giới.

Nhưng cũng trong hai năm đó, Tổng thống Trump đã giữ rất nhiều lời hứa với cử tri của ông, kể cả những lời hứa gây tranh cãi nhất, trải qua một giai đoạn kinh tế tốt đẹp và định hình Tòa Tối cao Mỹ thêm một thế hệ nữa bằng việc đề cử thành công một thẩm phán bảo thủ.

Một cuộc khảo sát của Wall Street Journal NBC News, công bố hôm 4/11, cho thấy vai trò của tổng thống trong lá phiếu: 32% người được hỏi nói rằng phiếu bầu của họ là thông điệp ủng hộ Trump, 40% nói rằng đó là thông điệp phản đối và 28% nói rằng đó không phải là về tổng thống.

Một số chương trình hành động và cam kết tranh cử có thể được Trump hồi sinh nếu đảng Cộng hòa bảo vệ được quyền kiểm soát quốc hội của mình. Tổng thống Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare, thậm chí nỗ lực đưa đạo luật mới ra trước thượng viện hồi năm ngoái nhưng chưa thành công.

Nếu sau cuộc bầu cử giữa kỳ này, đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại hạ viện và thượng viện, nỗ lực bãi bỏ Obamacare của Trump được dự đoán là sẽ thuận lợi hơn nhiều và đạo luật thay thế có thể được thông qua ngay trong năm tới.

Trong khi đó, nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, họ có thể cản trở hàng loạt biện pháp do đảng Cộng hòa đưa ra bằng cách ngăn cản việc thực thi chúng. Khi nắm quyền kiểm soát hạ viện, đảng Dân chủ thậm chí còn có thể khởi động tiến trình luận tội Trump, kịch bản có thể khiến Tổng thống bị phế truất nếu ông bị kết luận là thông đồng với Nga.

Dù đây là kịch bản được rất nhiều người nhắc đến, các chuyên gia cho rằng nó sẽ rất khó xảy ra trong tình hình chính trị nước Mỹ hiện nay. Hiến pháp Mỹ quy định luận tội là tiến trình gồm hai bước, trong đó bước đầu tiên diễn ra ở hạ viện, nơi các nghị sĩ đưa ra những lời buộc tội chống lại tổng thống.

Nếu đa số nghị sĩ tại hạ viện nhất trí với lời buộc tội này, tổng thống gần như chính thức bị truy tố. Lúc đó, thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu và tổng thống chỉ bị phế truất khi 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý với lời buộc tội.

Cuộc bầu cử quan trọng nhất trong ký ức

Cựu tổng thống Barack Obama trong cuộc vận động tranh cử ủng hộ ứng viên thuộc đảng Dân chủ tại Chicago, bang Illinois, hôm 2/11. Ảnh: AP.

Theo CNBC, không có nhiều cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ được theo dõi sát sao đến vậy trên toàn cầu. Lý do rất rõ ràng: Ảnh hưởng của nó đến hình ảnh về sức hấp dẫn của nền dân chủ trên thế giới, một hé lộ về sức chịu đựng của chính quyền Tổng thống Trump và những chính sách đối ngoại của họ cũng như tác động đối với phong trào dân túy trên toàn thế giới.

Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, gần đây nói với CNN: "Nếu bạn lo lắng về mô hình của Mỹ, chúng ta có nhiều công cụ để vận hành một chính sách đối ngoại phục vụ cho lợi ích của chúng ta, mang lại thịnh vượng và an ninh cho người dân. Nhưng thương hiệu của chúng ta trên toàn cầu đang không ổn".

"Có lý do để mọi người không xem thường tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có một mô hình mới. Vì mô hình của chúng ta đang trông không tốt", ông nói.

Cuộc bầu cử trở thành cuộc trưng cầu dân ý, không chỉ đối với tổng thống mà còn cả với thương hiệu chính trị dân túy mà ông là người đại diện. Dù phong trào dân túy đã tồn tại từ trước nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, chiến thắng của ông là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy cả những người ủng hộ dân túy trong nước lẫn nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu.

Người ta sẽ phải đợi đến đêm 6/11 tại Mỹ để biết liệu "làn sóng xanh màu tiền" và những gương mặt mới mẻ của đảng Dân chủ có mang lại cho họ quyền kiểm soát Đồi Capitol hay không, hay người dân vẫn sẽ chọn những chỉ số kinh tế đang rất tốt sau 2 năm đảng Cộng hòa hậu thuẫn cho những chính sách của Tổng thống Trump.

Không ai biết liệu người dân Mỹ sẽ chọn những gương mặt có phần đa sắc tộc hơn của đảng Dân chủ hay cảm thấy bị đe dọa bởi đoàn "caravan" di cư đang tiến sát biên giới Mỹ và chọn lấy ứng viên với chính sách nhập cư cứng rắn. Và nếu đảng Dân chủ chiến thắng ở ít nhất một viện của quốc hội Mỹ, nỗi lo sẽ chuyển từ việc đảng chiếm đa số hậu thuẫn và "nuông chiều" tổng thống quá mức sang việc không thể có tiếng nói chung giữa đảng kiểm soát quốc hội với tổng thống, trong bối cảnh sự chia rẽ tại Washington D.C. lẫn nước Mỹ ngày càng rộng ra.

"Tất cả chính trị đều là chuyện địa phương", Tip O’Neill’s, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ và là một người Cộng hòa, từng nói. Nhưng những lá phiếu địa phương của người Mỹ sẽ vươn ra khỏi các bang mà họ bỏ phiếu, sẽ tiếp tục định hình nước Mỹ và có ảnh hưởng đến thế giới trong ít nhất 2 năm nữa.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/bau-cu-giua-ky-2018-khoanh-khac-xoay-truc-can-can-quyen-luc-nuoc-my-a250343.html