BẦU CỬ ĐBQH KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU QUA CÁC VÒNG HIỆP THƯƠNG

Thông qua các vòng Hiệp thương do Mặt trận Tổ Quốc các cấp tổ chức, danh sách ứng cử viên đại biểu dân cử đều được xem xét, nhận xét kĩ lưỡng theo những tiêu chuẩn đã được qui định trong các văn bản luật định.

Toàn cảnh Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba

Toàn cảnh Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba

Tại Điều 21 của Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

Trong khi đó, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định, đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách và tham gia vào việc quản lý Nhà nước. Như vậy, việc trở thành một đại biểu dân cử ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương cũng như cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương vừa là niềm vinh dự to lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân đều có những quyền hạn nhất định, vì vậy việc lựa chọn những đại biểu dân cử để thực thi những quyền hạn đó theo đúng pháp luật, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi quá trình chọn lọc qua các vòng hiệp thương phải được tiến hành kĩ lưỡng, tinh chuẩn.

Trao đối về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, qua các phần của hiệp thương đã có sự thống nhất, biểu quyết cao, những nội dung còn lại phải tiếp tục hoàn thiện quy định, và hướng dẫn để rút kinh nghiệm cho cuộc bầu cử tới đây.

Hiện nay, Hiệp thương lần 3 đã được hoàn tất từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, danh sách các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 - 2026 cũng đã được lựa chọn và thông qua. Có thể nói, để thực hiện được 3 vòng hiệp thương dân chủ, chặt chẽ, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đặc biệt quan trọng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực

Sau khi kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ hai, từ danh sách 205 người được lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú, các đại biểu tham dự hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đã tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, hội nghị hiệp thương lần thứ ba cũng đã biểu quyết thông qua danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV với tỉ lệ 100% đồng ý. Tương tự ở cấp Trung ương, các cấp địa phương cũng thực hiện Hiệp thương vòng 3 hết sức dân chủ, thẳng thắn, đảm bảo những cái tên trong danh sách để cử tri lựa chọn phải là những cái tên có cả tài và đức, nhiệt thành với vai trò của một người Đại biểu dân cử.

Theo Ông Lê Bá Trình - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: “ Chúng ta đã có tiêu chuẩn về đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách từ văn bản của luật cho đến các hướng dẫn của các cơ quan trung ương, của Đảng, của Nhà nước . Đây là những tiêu chí để rà soát, lựa chọn. Trong đó phần kê khai tài sản quan trọng, trong kê khai tài sản cần nêu rõ các nội dung chi tiết để sau nay cử tri và nhân dân giám sát.”

Để lựa chọn những người đại biểu đủ đức đủ tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, những vấn đề quan tâm tới đại biểu và quá trình người đi ứng cử, tiếp xúc vận động cử tri thì cử tri và các cơ quan đơn vị tiếp tục theo dõi, giám sát nhận xét, trước khi bước vào kỳ bầu cử, để người dân lựa chọn đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Sau Hiệp thương vòng 3, danh sách các ứng cử viên sẽ được công bố và niêm yết tại các điểm bầu cử. Đây sẽ là khoảng thời gian để cử tri cả nước một lần nữa quan sát, tìm hiểu kĩ, đánh giá những ứng cử viên trong danh sách để xem họ có thực sự phù hợp trở thành người đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình hay không./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=55275