Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Chặt chẽ, bài bản

'Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội'; 'việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình'. Những yêu cầu này đã được quán triệt, nhấn mạnh khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức 'khởi động' bằng hội nghị toàn quốc.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ngay từ giữa năm 2020, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung, dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tiếp theo đó, các cấp, các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử. Nhiều điểm mới được chỉ rõ, những yêu cầu về tiêu chuẩn lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, hiệp thương, thẩm định hồ sơ… đều được quy định rất chặt chẽ và kỹ lưỡng.
Có thể nói, các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn này sớm và nhanh chóng được truyền tải tới các tỉnh, thành sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan liên quan, địa phương chủ động trong triển khai cuộc bầu cử. Trong đó, cùng với những quy trình, thủ tục, các bước tiến hành, việc quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử được nhấn mạnh, công khai để không chỉ các cấp, các ngành hiểu thực hiện mà cũng tạo điều kiện để người dân giám sát. Để từ đó, tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh; khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khóa gần đây.
Trước thực tế vừa qua, vẫn có những đại biểu Quốc hội và HĐND bị xử lý hoặc vi phạm các quy định dẫn đến phải miễn nhiệm, việc làm sao để chặt chẽ ngay từ đầu, giới thiệu, lựa chọn cho được những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Thực hiện nghiêm yêu cầu “kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Trong đó, sự tham gia rộng rãi, ý thức trách nhiệm đến hành động thực tế của cả hệ thống chính trị trong việc phát hiện, giới thiệu, hiệp thương nhân sự cụ thể rất quan trọng. Và cuối cùng quyền quyết định thuộc về cử tri thông qua mỗi lá phiếu bầu cử.
Đúng như nhiều ý kiến đã chỉ rõ, để tránh việc lợi dụng khe hở đưa người không đủ tiêu chuẩn vào HĐND và đại biểu Quốc hội, việc lấy ý kiến đại biểu, cử tri nơi cư trú và nơi công tác cần được tiến hành thực chất. Từ đó, có sự đánh giá chính xác với từng nhân sự, chọn được người đúng tiêu chuẩn. Và như quy định, người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định, cũng là một điểm mới để góp phần lựa chọn được những ứng cử viên uy tín. Để từ đó, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-hdnd-cac-cap-nhiem-ky-2021-2025-chat-che-bai-ban-407646.html