Bắt trúng 'bệnh' của ngành nuôi tôm Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị đã bắt trúng 'bệnh' của ngành nuôi tôm tại địa phương nên đang có định hướng liên kết nông dân với doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao nhằm đem lợi ích lớn đến cho người nuôi.

Lo nguồn cấp giống

Quảng Trị có bờ biển dài 75km, nguồn lao động dồi dào, cần cù lao động nên được đánh giá là có điều kiện thuận lợi cho việc nuôi tôm. Với đặc thù của vùng khí hậu nắng nóng, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã nghiên cứu và chọn nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng với diện tích dao động từ 800 - 1.000ha/vụ.

Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (đội mũ cối) thăm trại tôm giống công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, chi nhánh tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và đề nghị phía công ty liên kết với nông dân để chăn nuôi tôm chất lượng cao. Ảnh: Ngọc Vũ

Một vài năm gần đây, ngành nuôi tôm Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Bên cạnh đó, năng suất tôm nuôi cũng khá thấp, chỉ khoảng 4 - 5 tấn/ha với tôm thẻ chân trắng và 1,5 – 2,5 tấn/ha với tôm sú. Mỗi năm, dịch bệnh gây thiệt hại khoảng 300ha hồ tôm khiến người nuôi tôm lo lắng, nhiều hộ không dám thả nuôi.

Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, thống kê đến năm 2016 cho thấy, 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 3.734 ha nuôi tôm trên cát. Trong đó, Quảng Trị chiếm khoảng 1/4 diện tích nhưng sản lượng chỉ chiếm 1/10.

Năng suất nuôi tôm ở Quảng Trị còn thấp. Ảnh: Ngọc Vũ

Còn ông Nguyễn Văn Huân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị thừa nhận, nguyên nhân của việc nuôi tôm kém hiệu quả do phần lớn các vùng nuôi tôm trên địa bàn đều hình thành tự phát. Kinh tế người nuôi còn yếu nên hệ thống ao nuôi chưa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật như không có hệ thống ao lắng, ao chứa xử lý nước thải... Điểm yếu nhất là tỉnh không chủ động được nguồn giống tôm, nông dân phải tự tìm kiếm tôm giống, dẫn tới khó kiểm soát chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.

Ông Hoàng Đình Anh - Giám đốc HTX phường Đông Giang (TP.Đông Hà) vẫn nhớ cảnh tượng hơn 20ha hồ nuôi tôm của HTX Đông Giang chết trắng vào năm 2008. Nguyên nhân xuất phát từ năm 2006, các hộ dân đưa nguồn giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng về nuôi dẫn đến dịch bệnh phát sinh và lây lan, thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng.

Liên kết nuôi tôm

Theo ông Anh, nuôi tôm có 3 yếu tố quan trọng là giống, môi trường và kỹ thuật, nếu đảm bảo cả 3 yếu tố này thì sẽ thành công. Bởi vậy, người nuôi tôm mong muốn được liên kết 4 nhà để được doanh nghiệp cung cấp giống tôm đảm bảo chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật…

Người nuôi tôm ở Quảng Trị mong muốn được liên kết 4 nhà để hiệu quả nuôi tốt hơn. Ảnh: Ngọc Vũ

"Nếu doanh nghiệp nuôi tôm giống trên địa bàn như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có thể liên kết với nông dân thì đây là thương vụ làm ăn có lãi cho đôi bên, chính quyền tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Đức Chính

Hiểu được mong muốn đó của nông dân, mới đây khi đến thăm Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh tại huyện Hải Lăng, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, tôm là một trong hai con nuôi nằm trong 8 cây con tỉnh chọn tập trung phát triển mang lợi thế cạnh tranh.

Theo đó tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng 6.000 tấn, năng suất đạt 6-7 tấn/ha; đưa diện tích nuôi tôm sú lên 500ha và nâng cao năng suất nuôi.

Theo ông Chính, diện tích có thể nuôi tôm tại tỉnh còn rất lớn. Mỗi năm tỉnh cần đến 100 triệu con tôm giống, vì vậy đây là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam có thể liên kết với nông dân trong việc cung cấp con giống tốt, chuyển giao công nghệ nuôi tôm trong nhà màng giúp kiểm soát vùng nuôi và dịch bệnh, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường…

Ngọc Vũ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/bat-trung-benh-cua-nganh-nuoi-tom-quang-tri-866637.html