Bất tỉnh, tổn thương cột sống và pha chơi xấu đáng sợ nhất lịch sử

Khuôn mặt của Battiston dính trọn trọng lượng của cả người Schumacher với lực cực mạnh. Hậu vệ người Pháp rơi xuống đất, tay trái giơ lên yếu ớt trước khi lịm dần.

Năm 2002, một tờ báo Pháp đã thực hiện cuộc thăm dò xem ai là người đáng ghét nhất. Adolf Hitler xếp thứ hai, Harald Toni Schumacher xếp thứ nhất.

Chừng đó có lẽ là đủ để khẳng định sự căm phẫn giữa người Pháp với thủ thành Schumacher của đội tuyển Đức, hay vẫn được biết đến với biệt danh “Gã đồ tể thành Seville”.

Pha va chạm kinh hoàng

Trận bán kết World Cup 1982 giữa Pháp và Đức vốn dĩ đã là một cuộc đấu kinh điển trong lịch sử, song những diễn biến hấp dẫn kéo dài suốt 120 phút đến cả loạt luân lưu lại hoàn toàn bị che mờ bởi pha va chạm giữa thủ thành Harald Toni Schumacher và hậu vệ Patrik Battiston vào giữa hiệp 2.

Pha va chạm kinh hoàng giữa Schumacher và Battiston. Ảnh: Le Republicain.

Pha va chạm kinh hoàng giữa Schumacher và Battiston. Ảnh: Le Republicain.

Đường chuyền dài và bổng của Platini đặt Battiston đang lao lên như bay vào tư thế đối mặt với khung thành đội Đức. Ở chiều ngược lại, thủ môn Schumacher cũng lao ra cản phá. Khoảnh khắc sau đó được ghi nhận là một điểm đen trong lịch sử các VCK World Cup.

Khuôn mặt của Battiston dính trọn trọng lượng của cả người Schumacher với lực cực mạnh. Hậu vệ người Pháp bắn xuống đất, tay trái giơ lên yếu ớt trước khi lịm dần. Battiston lập tức bất tỉnh.

“Tôi tưởng cậu ấy đã chết”, Platini hồi tưởng. Battiston không chết, anh “chỉ” bị gãy ba cái răng, vài cái xương sườn, tổn thương cột sống. Hậu vệ Pháp rời sân trong tình trạng mê man, phải thở oxy, đến thẳng bệnh viện, mất 6 tháng chữa chạy mới bình phục hoàn toàn.

Battiston sau này kể lại anh đã nhận ra Schumacher nhắm vào mình chứ không phải bóng nhưng không kịp tránh vì pha bóng diễn ra quá nhanh. Schumacher không hề hấn sau pha va chạm đó. Thủ thành người Đức đứng dậy đi về phía gôn nhà, nhai kẹo cao su để chuẩn bị cho pha phát bóng lên.

Trọng tài người Hà Lan, Charles Cover, thậm chí không cho rằng đấy là một pha phạm lỗi. Mọi căng thẳng còn tăng cao khi sau trận Schumacher đáp ráo hoảnh với cánh báo giới: “Anh ta gãy hai cái răng? Bảo báo giá cho tôi để thanh toán với nha sĩ".

Bất chấp va chạm ghê rợn của Battiston, Pháp với Michel Platini-Alain Giresse-Jean Tigana ở hàng tiền vệ cùng siêu trung vệ Marius Tresor dưới sự dẫn dắt của HLV Michel Hidalgo đã chơi cực hay.

Trận bán kết World Cup 1982 giữa Tây Đức và Pháp được thừa nhận là một trong những trận đấu hấp dẫn nhất lịch sử. Ảnh: fifa.com.

Les Bleus từng có lúc vươn lên dẫn Đức 3-1 trong hiệp phụ và tưởng chừng như có thể kết liễu đối thủ. Song người Đức chưa bao giờ cho thấy rằng họ là dân tộc dễ bỏ cuộc. Hai bàn thắng của Karl-Heinz Rummenigge và Klaus Fischer đã đưa trận đấu vào chấm luân lưu.

Đây cũng là trận đấu đầu tiên trong lịch sử các VCK World Cup phải giải quyết thắng bại trên chấm luân lưu. Dĩ nhiên, đối mặt với sở trường của đối thủ, Pháp đã gục ngã trước tinh thần thép của những người Đức.

Những lời dọa giết

Vô số người Pháp dọa giết Schumacher sau trận. Thủ tướng Đức Helmut Schmidt buộc phải gửi điện cho Tổng thống Pháp Francois Mitterrand. Họ cùng ra tuyên bố chung như một nỗ lực hạ hỏa cho xã hội Pháp.

Bản thân thủ thành người Đức từng muốn sang Pháp dự đám cưới Battiston nhưng không thành. Có quá nhiều người Pháp tuyên bố sẽ “xử” Schumacher ngay khi anh xuất hiện.

Trong phần sau của sự nghiệp, Schumacher từng không ít lần tới Pháp thi đấu, lần nào anh cũng phải nhận cà chua, trứng thối, bị la ó, nhục mạ. "Tôi chưa từng nghĩ mình bị căm ghét đến vậy", Schumacher ngậm ngùi thừa nhận pha bóng với Battiston đã thay đổi cả cuộc đời mình.

Thủ thành Harald "Toni" Schumacher. Ảnh: fifa.com.

Năm 1986, Pháp gặp lại Tây Đức tại World Cup, và vẫn là vòng bán kết. Cả Schumacher lẫn Battiston vẫn có mặt trên sân. Hậu vệ người Pháp không lao lên vòng cấm dù chỉ một lần. Battiston dù đã tha thứ cho Schumacher nhưng cũng khẳng định mình e ngại khi lại gần và chỉ chịu đứng xa thủ thành người Đức ở khoảng cách ít nhất là 40 m.

Nhiều năm sau trận đại chiến tại Seville, Battiston hiện là HLV đội trẻ tại CLB Bordeaux của Pháp và gần như không muốn nhắc lại tai nạn ngày nào nữa. Thủ thành nổi tiếng với biệt danh “Tên đồ tể thành Seville” giờ đã là phó chủ tịch CLB Cologne và dù có một sự nghiệp lẫy lừng song lại không thể có chức vô địch World Cup.

Tây Đức của Schumacher đã lọt vào cả hai trận chung kết World Cup 1982 và 1986 nhưng đều thất bại, lần lượt trước Italy và Argentina. Đen đủi cho thủ thành xuất sắc này là ngay ở kỳ World Cup tiếp theo, Tây Đức đã vô địch.

Sự vô duyên với vinh quang ấy của Schumacher cũng có thể xem là cái giá phải trả của anh cho pha va chạm khiến tính mạng của đối phương bị nguy hiểm.

Nhật Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bat-tinh-ton-thuong-cot-song-va-pha-choi-xau-dang-so-nhat-lich-su-post849731.html