BẤT THƯỜNG XUNG QUANH VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TIỀN

Từ năm 2010 đến nay, ông Trần Quang Khánh (SN 1966) và vợ là Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1965) trú tại số 33, Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, liên tục có đơn kêu cứu vì bị lừa đảo chiếm tài sản thông qua hợp đồng vay tiền.

Từ người bảo lãnh vay nợ biến thành người vay nợ?

Theo trình bày của ông Khánh, năm 2007, ông Lê Phi Hồng và bà Lê Thị Quỳnh Hương (là bạn thân của vợ chồng ông Khánh), do gặp khó khăn về kinh tế, nên đã nhờ vợ chồng ông Khánh dùng sổ đỏ ngôi nhà số 38 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội mang tên vợ chồng ông Khánh làm tài sản đảm bảo và đứng ra vay hộ một số tiền là là 700.000 USD của ông Nguyễn Xuân Cường ( là bạn của vợ chồng ông Hồng, bà Hương), với thời hạn 03 năm, lãi suất vay là1%/ 01 tháng. Biện pháp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Hợp đồng vay tiền trên là Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại số nhà 38 phố Quán Sứ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mang tên vợ chồng ông Khánh.

Vợ chồng ông Hồng, bà Hương cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm toàn bộ về việc thanh toán gốc và lãi khoản vay này. Để hợp thức hóa việc cho vay ông Cường đã yêu cầu vợ chồng ông Khánh, bà Tuyết đứng tên trên Hợp đồng vay tiền.

Giấy xác nhận của ông Hồng

Cho rằng, việc lập hợp đồng chỉ là hình thức, lại rất tin tưởng vợ chồng ông Hồng, bà Hương nên ông Khánh, bà Tuyết không hề nghi ngại và ký vào hợp đồng vay tiền. Sau đó, ông Cường đã trực tiếp thỏa thuận việc chuyển số tiền trên làm ba lần cho vợ chồng ông Hồng, bà Hương (hai lần nhận tại Cộng hòa Liên bang Nga và một lần nhận tại Việt Nam, số tiền giao nhận đều bằng đô la Mỹ). Cả ba lần nhận tiền đều được vợ chồng ông Hồng đều viết giấy xác nhận.

Ngày 04/01/2008, ông Cường phát đơn khởi kiện vợ chồng ông Khánh ra TAND TP Hà Nội với lý do đã vi phạm hợp đồng (do vợ chồng ông Hồng cam kết thanh toán gốc và lãi khoản vay nhưng không thực hiện). Bất ngờ với đơn khởi kiện của ông Cường, vợ chồng ông Khánh đã đi tìm hiểu và phát hiện vợ chồng ông Hồng đã cố tình cấu kết với ông Cường để bày mưu chiếm đoạt ngôi nhà số 38 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bằng cách lợi dụng mối quan hệ thân thiết giữa vợ chồng ông Hồng và vợ chồng ông Khánh để dựng lên vở kịch vay mượn nói trên nên vợ chồng ông Khánh đã có kiến nghị Tòa án chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc.

Tranh tụng kéo dài

Theo nội dung bản án số 50/2010/DS-ST ngày 15/9/2010 tại cấp sơ thẩm, Tòa án TP. Hà Nội đã xác định Hợp đồng vay tiền ngày 13/2/2007 tại Phòng Công chứng số 3 là vô hiệu vì tiền vay được giao dịch bằng USD là trái pháp luật thể hiện 2 bên giao dịch bằng USD). Đồng thời, nhận định ông Hồng, bà Hương là người quản lý, sử dụng số tiền vay của ông Cường nên đã buộc vợ chồng ông Hồng phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản tiền 700.000 USD cho ông Cường.

Cụ thể, nội dung bản án sơ thẩm ghi rõ:” Xét thấy, “Hợp đồng vay tiền” ngày 13/2/2007 và “Giấy biên nhận tiền” ngày 1/3/2007 phản ánh giao dịch dân sự vay tiền USD giữa bên cho vay là ông Nguyễn Xuân Cường và bên vay là vợ chồng ông Trần Quang Khánh, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Trong các tài liệu có trong hồ sơ đều phản ánh đối tượng của giao dịch dân sự trên là đồng USD, mặc dù ông Cường cho rằng giao dịch bằng tiền Việt Nam nhưng không có tài liều chứng minh. Theo quy định tài NĐ số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối thì giao dịch giữa cá nhân với cá nhân bằng đồng USD là không hợp pháp. Như vậy, giao dịch trên là giao dịch dân sự vô hiệu”.

Như vậy, “Theo Điều 137 Bộ Luật Dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vu dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì nhận. Trong giao dịch này, hiện ông Cường đang quản lý giấy tờ nhà số 38 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội của ông Khánh, bà Tuyết nên ông Cường có trách nhiệm hoàn trả ông Khánh, bà Tuyết giấy tờ nhà đó.

Đối với số tiền 700.000 USD của ông Cường: Tại điểm 1.3 của hợp đồng vay tiền quy định, ngay sau khi ký hợp đồng này, bên A sẽ giao cho bên B số tiền nói trên. Việc giao nhận khoản tiền vay nói trên được hai bên tự thực hiện…Nhưng trên thực tế, ông Cường không giao tiền trên cho vợ chồng ông Khánh như trong Hợp đồng quy định mà trực tiếp giao số tiền 700.000 USD cho vợ chồng ông Hồng, bà Hương mà không có sự đồng ý của ông Khánh, bà Tuyết.

Đặc biệt, lần giao tiền cho ông Hồng, và Hương thì có 02 lần ông Cường và em ông Cường giao cho ông Hồng tại Hà Nội với số tiền 500.000 USD và 01 lần tại Mátxcơva với số tiền 200.000 USD. Đồng thời, trên cơ sở 02 Giấy xác nhận đề ngày 21/9/2007 và Giấy xác nhận đề ngày 08/04/2008 do vợ chồng ông Hồng, bà Hương viết đã xác định ông Hồng, bà Hương là người trực tiếp nhận, sử dụng, và quản lý toàn bộ số tiền 700.000 USD của ông Nguyễn Xuân Cường theo Hợp đồng vay ngày 13/02/2007 và là người trực tiếp có trách nhiệm thanh toán khoản tiền lãi suất cho ông Cường”.

Phiên tòa sơ thẩm đã xác định có đủ căn cứ để :” Tuyên bố giao dịch dân sự thể hiện bằng “Hợp đồng vay tiền” ngày 13/02/2007 và “Giấy biên nhận” 01/03/2007 là giao dịch dân sự vô hiệu. Buộc ông Nguyễn Xuân Cường phải trả lại giấy tờ nhà đất tại 38 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho vợ chồng ông Khánh, bà Tuyết. Buộc vợ chồng ông Hồng, bà Hương có trách nhiệm hoàn cho ông Cường số tiền 700.000 USD”

Tuy nhiên, các phiên tòa sau đó đã có những nhận định hoàn toàn trái ngược khiến vụ án kéo dài hơn 10 năm. Cụ thể, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/03/2011 lại tuyên bố: “ Giao dịch dân sự thể hiện bằng “Hợp đồng vay tiền” ngày 13/02/2007 là giao dịch dân sự có hiệu lực”

Do Bản án phúc thẩm ngày 18/3/2011 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên ngày 06/10/2011, Chánh án TANDTC đã ra Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 633/2011/KN-DS kháng nghị toàn bộ Bản án phúc thẩm ngày 18/3/2011 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao.

Ngày 27/7/2012, Hội đồng thẩm phán TAND Tối Cao lại tiếp tục ra Quyết định Giám đốc thẩm số 36/2012/QĐ-GĐT hủy bỏ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.Tuy nhiên, nội dung của Quyết định Giám đốc thẩm này lại có một số nội dung mâu thuẫn với Quyết định kháng nghị GĐT số 633/2011/KN-DS của Chánh án TAND Tối Cao ngày 06/10/2011. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm lần thứ 2, Tòa án sơ thẩm căn cứ vào quy định của Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định hướng dẫn, căn cứ vào các giấy giao nhận tiền giữa ông Nguyễn Xuân Cường và vợ chồng Hồng Hương đã “Xác định Hợp đồng vay tiền ngày 13/02/2007 giữa vợ chồng ông Khánh và ông Nguyễn Xuân Cường và Giấy biên nhận tiền ngày 01/3/2007 là vô hiệu.

Do vậy, theo quy định của pháp luật về xử lý hợp đồng vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nên buộc vợ chồng Hồng Hương trả cho ông Nguyễn Xuân Cường số tiền 700.000 USD. Đồng thời, ông Cường phải hoàn trả lại cho vợ chồng tôi sổ đỏ của ngôi nhà 38 Quán Sứ,Hoàn Kiếm, Hà Nội”.

Tuy nhiên, do có kháng cáo của nguyên đơn, nên ngày 16/11/2016, phiên tòa phúc thẩm lần 2 tiếp tục đưa ra xét xử.
Tại phiên tòa phía nguyên đơn đã đề nghị tòa án cho các bên được tự hòa giải, nhưng hai bên không tự thỏa thuận được do bên nguyên đơn yêu cầu bên bị đơn trả một khoản tiền lớn.

Ngày 05/5/2017, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm và tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 40 ngày 04/9/2013 của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội để xét xử lại sơ thẩm với lý do: vợ chồng ông Khánh phải thanh toán cho ông Nguyễn Xuân Cường số tiền 700.000 USD, còn vợ chồng Lê Phi Hồng và Lê Thị Quỳnh Hương có nghĩa vụ phải hoàn trả cho vợ chồng ông Khánh số tiền 700.000 USD. Phân tích bản án, luật sư Nguyễn Hoàng Hải thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định: “ Diễn biến các phiên tòa xét xử không khách quan, vi phạm tố tụng và trái pháp luật, không coi trọng việc thu thập và chấp nhận chứng cứ của bị đơn.

Tại phiên Tòa phúc thẩm, chúng tôi đã xuất trình kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để chứng minh sự gian dối của vợ chồng ông Hồng, nhằm vạch mặt sự cố ý lừa đảo của các đối tượng, nhưng không được Tòa chấp thuận. Việc này đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự về nghĩa vụ tự chứng minh của các bên đương sự”.

Kết luận của Viện khoa học hình sự

Dẫn chứng vụ việc này, luật sư Hải cho biết thêm: “Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rất rõ về xử lý giao dịch dân sự vô hiệu( hoàn trả lại tình trạng ban đầu), nhưng tại các bản án Giám đốc thẩm lại định hướng xét xử khác với quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, Tòa án xét xử độc lập trên cơ sở chứng cứ. Vậy việc cấp giám đốc thẩm định hướng cho tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm sẽ làm sai lệch bản chất vụ việc. Nếu chứng cứ khác với đánh giá của cấp giám đốc thẩm thì tòa cấp dưới dựa vào đâu để xét xử?

Thực tế, việc giải quyết trả lời khiếu nại giám đốc thẩm thường mất rất nhiều thời gian, nhưng vụ án này vừa xử xong đã có Quyết định kháng nghị ngay(?)

Hơn nữa, việc cấp giám đốc thẩm - Hội đồng phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tách vụ án ra giải quyết riêng thành hai quan hệ vay và quan hệ bảo lãnh tài sản thế chấp là trái luật. Do tính chất phức tạp của vụ án, chúng tôi đã đề nghị Tòa án chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra”.

Hiện, vợ chồng ông Khánh đã làm đơn kêu cứu và tố giác tội phạm gửi tới các cơ quan chức năng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc ở số báo tiếp theo.

PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/bat-thuong-xung-quanh-vu-an-tranh-chap-hop-dong-vay-tien-54028.htm