Bất thường trong việc tuyển viên chức ở huyện Thường Xuân?

Nhiều dấu hiệu bất thường trong đợt xét tuyển viên chức ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang là tâm điểm gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Đó là điểm thi phỏng vấn của một số thí sinh bỗng dưng được thay đổi cao chóng mặt để đạt điểm đậu.

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, Chủ tịch Hội đồng Xét tuyển viên chức. Ảnh: Văn Thanh

Có hay không việc “nâng khống” điểm phỏng vấn

Theo danh sách mà phóng viên có được, ngày 26/7/2018, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân có Thông báo số 13/TB-HĐXT về kết quả điểm phỏng vấn xét tuyển của 387 thí sinh tham gia đợt phỏng vấn xét tuyển viên chức đợt 2 năm 2018 của huyện Thường Xuân gửi các ban, ngành chức năng và Đài Phát thanh truyền hình để đưa tin.

Việc thông báo công khai là vậy, thế nhưng đến ngày 1/8/2018, ông Cầm Bá Xuân tiếp tục ký Thông báo số 14/TB-HĐXT về việc công bố kết quả xét tuyển viên chức ngành Giáo dục mầm non đợt 2 năm 2018 thì lại có những điểm bất thường xảy ra.

Thứ nhất, đối với thí sinh Lê Thị Thu, số báo danh 324, sinh ngày 23/4/1991, nơi thường trú xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, điểm phỏng vấn thông báo ngày 26/7/2018 là 110 điểm (đã nhân hệ số 2), thế nhưng trong thông báo danh sách kết quả xét tuyển ngày 1/8/2018 lại được thay đổi là 150 điểm và đạt điểm lọt vào danh sách những người đạt điểm vào viên chức.

Trường hợp thứ 2 là Cầm Thị Dương, số báo danh 51, sinh ngày 25/3/1995, nơi thường trú xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, điểm phỏng vấn theo thông báo ngày 26/7/2018 là 109 điểm (đã nhân hệ số 2), theo thông báo danh sách kết quả xét tuyển ngày 1/8/2018 thì người này được nâng lên là 149 điểm và cũng lọt vào danh sách những người đủ điểm trở thành viên chức.

Thứ ba là trường hợp Lê Thị Lành, số báo danh 178, nơi thường trú xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, điểm phỏng vấn thông báo ngày 26/7/2018 là 108 điểm (đã nhân hệ số 2), thế nhưng theo thông báo danh sách kết quả xét tuyển ngày 1/8/2018, người này được nâng lên là 148 điểm và cũng lọt vào tốp những người trúng tuyển viên chức.

Kết quả xét tuyển viên chức đợt 2 bậc mầm non của UBND huyện Thường Xuân có nhiều thay đổi về điểm. Ảnh: Văn Thanh

Xác nhận thông tin này với phóng viên, ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân nói: Đúng là 3 trường hợp này có sự chênh lệch về điểm phỏng vấn, nhưng sự sai sót này là được xác định do lỗi nhầm lẫn khi nhập máy, lỗi chủ quan của bộ phận ghi soát điểm.

Tuy nhiên, trước đó các bản danh sách thông báo này được người dân địa phương tìm hiểu, chụp lại và rà soát tên, số báo danh, số điểm từng người, sau đó đưa lên mạng xã hội đặt dấu hỏi và đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Một số thí sinh tham gia kỳ xét tuyển viên chức lần này trên địa bàn huyện Thường Xuân cho biết: Do điểm phỏng vấn là nhân hệ số 2 nên chỉ cần nâng một cơ số điểm nhất định thì người trượt sẽ trở thành người đậu viên chức, còn người đậu đương nhiên sẽ thành người trượt viên chức. Đối với các trường hợp có sai sót này, không thể đỗ lỗi cho là nhập máy, đánh văn bản được. Bởi vì trước đó Thông báo ngày 26/7/2018 đã đánh máy rất rõ ràng, rành mạch số điểm của từng thí sinh và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện.

“Nếu có sai sót thì Hội đồng thi phải có văn bản thông báo đính chính công khai, minh bạch để các thí sinh tham gia kỳ thi được biết, tránh hiểu nhầm cho các thí sinh từ trước, chứ đằng này khi thông tin bị người dân phát hiện thì Hội đồng thi mới cho kiểm tra là không khách quan, trung thực”, một thí sinh phân trần.

Người nhà lãnh đạo huyện lọt vào danh sách đậu viên chức

Ngoài việc có sự chênh lệch về điểm phỏng vấn, theo các thí sinh tham gia dự kỳ thi xét tuyển viên chức trên địa bàn huyện Thường Xuân, việc Hội đồng thi chọn các hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường cấp I, cấp II trên địa bàn tham gia Hội đồng Thi phỏng vấn là không khách quan. Bởi vì, những thầy cô giáo này ít nhiều từng dạy các thí sinh nên khi thi phỏng vấn xét tuyển sẽ có những ưu ái nhất định. Và trong quy chế, đối với thi phỏng vấn có 1 câu hỏi vấn đáp trực tiếp của giáo viên đối với thí sinh thang 20 điểm (nhân hệ số là 40 điểm) nên dễ có tiêu cực xảy ra, nhất là những trường hợp quen biết từ trước.

“Đối với một số huyện khác trên địa bàn Thanh Hóa, chủ yếu thuê đội ngũ giáo viên ở các trường đại học trong tỉnh hoặc Hà Nội về làm kỳ thi này thì khách quan hơn so với huyện Thường Xuân”, 1 thí sinh cho biết.

Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân cho rằng, những sai sót về điểm của các thí sinh là do nhầm lẫn khi nhập máy. Ảnh: Văn Thanh

Cũng theo phản ánh của các thí sinh, đối chiếu với bảng thông báo danh sách kết quả xét tuyển viên chức năm 2018 của huyện Thường Xuân thì mọi người rất bất ngờ về điểm thi của một số thí sinh là người nhà cán bộ huyện vì điểm rất cao và đạt trong kỳ thi xét tuyển viên chức này.

Cụ thể: Trường hợp Cầm Thị Hương, Nguyễn Thị Hiền, Cầm Thị Thúy, Lang Thị Phanh, Lê Thị Khánh, Lê Thị Thanh Quế, Cầm Thị Dung, Lê Chi Trái, Đỗ Thị Quyên … là người nhà của các ông Đỗ Xuân Nam, Bí thư Huyện ủy; Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện; Vi Văn Thể, Trưởng phòng Nội vụ, Lục Đăng Thao, Phó phòng Nội vụ; Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện; Phùng Duy Ngọc, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo…

“Về việc này, các ban, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc xác minh, làm rõ, trả lời dư luận. Có như thế người dân nơi đây mới không khỏi băn khoăn, thắc mắc”, thí sinh Trần Thị Thu Hiền đề nghị.

Nhiều thí sinh có số điểm được nâng cao rất bất bất thường trong kết quả thông báo. Ảnh: Văn Thanh

Trả lời phóng viên Báo Thanh tra về vấn đề này, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: "Việc con cháu, người nhà của cán bộ huyện tham gia xét tuyển viên chức là rất bình thường. Chứ là con cháu lãnh đạo lại thất nghiệp à nên họ có quyền tham gia xét tuyển, trúng tuyển là bình thường. Khi xét tuyển có Hội đồng, Tổ Kiểm tra sát hạch, nếu đạt điểm, đủ điều kiện thì đương nhiên người ta người ta trở thành viên chức là bình thường. Chứ chúng ta không được nói cứ con lãnh đạo là không được bổ nhiệm, vào chỗ này, chỗ kia là sai. Còn đối với việc đưa các Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường tham gia kỳ phỏng vấn thí sinh là do huyện còn nghèo, không có tiền thuê giáo viên ở các tỉnh ngoài về tổ chức thi. Việc thông tin phản ánh có chuyện ABC đằng sau việc tuyển viên chức lần này, tôi khẳng định là không có việc này diễn ra”, ông Xuân quả quyết.

Được biết, trước ngày 31/5/2018, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã ký Quyết định số 859 thành lập Hội đồng Xét tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục huyện này do chính ông là Chủ tịch Hội đồng Thi. Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng tiêu chí xét tuyển và làm việc công khai, dân chủ, công bằng, đúng quy định.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/bat-thuong-trong-viec-tuyen-vien-chuc-o-huyen-thuong-xuan_t114c39n137464