Bất thường một vụ 'giải tỏa' đất thầu tại Mê Linh (Hà Nội)

Để lấy lại đất đã cho thuê thầu, UBND xã Tráng Việt và UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) yêu cầu các hộ dân phải giải tỏa cây cối và công trình, hoàn trả mặt bằng theo hiện trạng ban đầu. Trong khi đó, các hộ dân cho rằng mình đã thực hiện đúng theo hợp đồng thuê thầu. Nếu có tranh chấp thì phải được giải quyết theo pháp luật dân sự, bên nào có lỗi phải bồi thường, chứ không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính.

Các hộ dân cho rằng đã bỏ nhiều chi phí đầu tư để cải tạo đất, phát triển kinh tế.

Các hộ dân cho rằng đã bỏ nhiều chi phí đầu tư để cải tạo đất, phát triển kinh tế.

Thầu đất, dân được hứa hoàn tiền đầu tư

Năm 1996, UBND xã Tráng Việt và HTX Nông nghiệp Đông Cao ký hợp đồng cho một số hộ dân thuê thầu đất tại khu Ao Cá, thôn Đông Cao trong thời hạn 20 năm.

Theo hợp đồng, người giao đất được quyền đầu tư, cải tạo để phát triển kinh tế, sử dụng đất vào mục đích trồng cây ăn quả, hoa màu, nuôi trồng thủy sản và được xây nhà bảo vệ, công trình chăn nuôi…; được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê và được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn sản xuất.

Khi hết hạn hợp đồng, cây cối và hoa màu sẽ được tính toán để trả chủ thầu. Còn nếu người dân có nhu cầu sử dụng đất tiếp thì căn cứ Luật Đất đai hiện hành để áp dụng. Hợp đồng ghi “bên nào sai, bên đó chịu trách nhiệm”.

Tin tưởng vào hợp đồng trên, các hộ gia đình đã đầu tư tiền của để cải tạo mặt bằng, xây dựng công trình chăn nuôi, trồng cây… phát triển kinh tế. Trong số các hộ trúng thầu ban đầu, không ít các hộ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất (do đã được cấp sổ đỏ năm 2003) hoặc chuyển tiếp hợp đồng thuê đất cho các hộ khác.

Một số người dân cho biết, do đây là nơi lấy đất đắp đê nên để có mặt bằng như hiện nay, các hộ đã phải đầu tư rất nhiều công sức, huy động vốn từ nhiều nguồn (vay mượn, bán nhà cửa…) để san lấp thùng đấu. Chưa tính tiền thuê đất, chỉ tính riêng san lấp mặt bằng thì các hộ đã chi hết khoảng 1 tỷ đồng/mẫu đất.

Chưa nói đến việc UBND xã cho “thầu” đất thời hạn đến 20 năm như trên là có vi phạm quy định đất đai hay không; và có một số bất thường trong việc vì sao đất này lại được cấp “sổ đỏ” với một số người; thì mới đây mâu thuẫn khác giữa người thuê và cán bộ địa phương đã xảy ra khi các hộ dân lại bị yêu cầu giải tỏa “trắng”, không được gia hạn hợp đồng. Đã không được tính toán trả lại giá trị đã đầu tư, các hộ còn bị yêu cầu “hoàn trả mặt bằng theo hiện trạng ban đầu” khiến nhiều hộ dân có nguy cơ “trắng tay”, các hộ dân cho hay.

Giải quyết quyền lợi của dân thế nào?

Ông Nguyễn Văn Vừng (thôn Đông Cao) cho hay: “Tôi đã phải đổ mấy nghìn m3 đất mới có được mặt bằng để trồng rau sạch. Nay khi chưa thu hồi được chi phí bỏ ra thì tôi đã bị địa phương yêu cầu hoàn trả mặt bằng theo hiện trạng trước đây, trả lại đất. Việc làm này không chỉ gây lãng phí do phải phá đi rồi đầu tư lại mà còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi những người thuê đất như gia đình tôi. Chúng tôi đồng ý điều chỉnh giá thuê thầu nhưng không hiểu tại sao địa phương vẫn không ký tiếp hợp đồng thuê thầu, mà quyết “xóa trắng” khu đất rồi nghe đâu chia lô để tổ chức đấu thầu lại?”.

Còn ông Lương Văn Lợi thì chia sẻ, sau khi đầu tư nhiều tỷ đồng, mô hình nuôi lợn của ông đã được huyện, TP tuyên dương là chăn nuôi giỏi. Với nhiều hộ làm ăn, sản xuất giỏi, xóm mới Ao Cá đã được địa phương ghi nhận, tôn vinh trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. “Việc giải tỏa khu vực này chẳng khác gì đã phủ nhận việc chính quyền ghi nhận công lao của chúng tôi trước đây?”, ông Lợi nói

Dù các hộ dân liên tục bị yêu cầu giải tỏa, trả lại mặt bằng nhưng theo tìm hiểu của thì hiện nay, kế hoạch tổ chức đấu giá cho thuê đất vẫn chưa trình hoặc phê duyệt theo quy định. Hơn nữa, theo quy hoạch thì khu đất này sẽ được sử dụng vào mục đích giao thông, thương mại - dịch vụ, sản xuất - kinh doanh… Trong khi đó, một diện tích lớn đất gần đó (vốn là đất công ích, cho dân thuê thầu) đã được chính quyền chuyển mục đích sử dụng rồi giao cho doanh nghiệp thuê với thời hạn 49 năm.

Trước diễn biến trên, một số người dân tỏ ra nghi ngờ về động thái “yêu cầu giải tỏa, trả lại đất thuê thầu” và đặt câu hỏi, “sau khi giải tỏa, diện tích đất công ích này liệu có bị chuyển mục đích sử dụng để giao doanh nghiệp như khu đất bên cạnh?”.

Liên quan đến việc thầu đất, một số luật sư cho rằng, đây là quan hệ dân sự mà bên cho thuê thầu và bên thuê thầu có vị trí bình đẳng với nhau. Vì vậy, tranh chấp về đền bù chi phí đầu tư, bồi thường thiệt hại, gia hạn thuê đất… xuất phát từ hợp đồng này phải được giải quyết theo quy định của luật dân sự chứ không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính.

Được biết, tại một số văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc, UBND huyện Mê Linh đều yêu cầu cấp dưới thực hiện “thanh lý” hợp đồng thuê thầu đất. Tuy nhiên, cho đến nay, trong khi việc thanh lý chưa thực hiện được thì lấy cơ sở nào để triển khai bước tiếp theo là giải tỏa, trả mặt bằng?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Khơ - Chủ tịch UBND xã Tráng Việt - cho rằng: “Nếu thực hiện giải tỏa hết, đấu thầu lại từ đầu thì chúng tôi cũng trăn trở vì suy nghĩ về thiệt hại của dân. Chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện cho dân nhưng không biết giải quyết, vận dụng cơ chế nào. Xã cũng có đề nghị gia hạn thuê thầu nhưng cấp trên trả lời là không có cơ sở để xem xét, chấp nhận”.

Khoa Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/bat-thuong-mot-vu-giai-toa-dat-thau-tai-me-linh-ha-noi-499264.html