Bất thường mà bình thường

Làm nghề y có bao chuyện để nhớ, để nói... Nhớ nhất có đêm trực tới hơn 20 bé nhập viện cấp cứu với đủ loại bệnh: nào sốt, nào co giật, suy hô hấp, tiêu chảy...

Cả kíp trực hầu như không ngơi tay cả đêm. Có nhiều vấn đề mà người nhà bệnh nhân chưa hiểu mà khiến việc nhỏ thành việc to làm vất cả bao người!

10h đêm...

Người nhà bệnh nhân chạy vào báo: “Bác sĩ ơi, xem giúp, gấp lắm. Cháu bên kia đang co giật, các bác sang luôn cho!”. Tá hỏa cả bác sĩ, y tá bỏ hết việc chạy sang. Nhưng bệnh nhân co giật chẳng thấy đâu, chỉ thấy nhờ rút giúp chai dịch truyền sắp hết. Người nhà giải thích: “Sợ bác sĩ lâu sang, hết nước, không khí chui vào máu...”. Điều này là một hiểu lầm phổ biến, không bao giờ có chuyện không khí vào được máu bởi lẽ quả tim co bóp tạo một áp lực ra mạch máu dù dịch truyền có hết, không khí cũng không vào được, các mẹ cứ bình tĩnh cho việc nhẹ nhàng. Vừa bực vừa buồn cười lại thấy thiếu sự tôn trọng.

Các bác sĩ khám cấp cứu cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các bác sĩ khám cấp cứu cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

11h đêm

Một bé 3 tháng chuyển từ huyện lên, khó thở..., phải thở oxy. Mẹ bé nói giọng khó chịu, rằng: “...3-4 hôm trước vừa khám xong, bác sĩ A. bảo viêm mũi họng mà giờ đã nặng thế này. Hóa ra, bác sĩ A. chẳng khám ra bệnh...”. Tuy nhiên, đây là điều không thể trách được các bác sĩ. Mọi người nên hiểu rằng ở trẻ nhỏ khi viêm đường hô hấp dưới do virus, mấy ngày đầu khởi bệnh thì cũng chỉ như cảm lạnh, sau vài ngày bệnh toàn phát thì mới gây khó thở, cái này là diễn biến bệnh của trẻ nhanh chứ không phải do bác sĩ khám không ra bệnh. Điều quan trọng là các mẹ cần học cách đếm nhịp thở, theo dõi dấu hiệu nặng, tránh để bệnh nặng rồi mới khám, đỡ vất mẹ khổ con.

Gần nửa đêm, một gia đình đưa cả hai con đến viện vì sốt cao, rét run... Được biết, cả ông và bà mới dứt sốt, mẹ hai bé cũng đang sốt, rét lên. Test cho hai bé, kết quả cả hai đều mắc cúm A. Rất có thể 2 bé bị lây từ người lớn, cần lưu ý ở đây là: khi mắc bệnh cảm/cúm, để tránh lây lan sang người khác, nhất là trẻ nhỏ, khi chăm sóc trẻ, nếu bạn ho thì phải che miệng, rửa tay sạch sẽ..., nhất là trong tình hình dịch bệnh do chủng COVID-19 mới đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới như hiện nay. Chịu khó một chút, cả nhà đỡ bệnh.

12h đêm...

Một bé bị cúm A, sốt cao, co giật... Mẹ bé nước mắt ngắn nước mắt dài thúc giục bác sĩ, điều dưỡng... May là co giật do sốt đơn thuần nên chỉ vài phút sau cháu lại bình thường rồi ngủ ngon lành! Các bậc cha mẹ lưu ý, khi con co giật, cần bình tĩnh bởi co giật do sốt đa phần là lành tính, có yếu tố gia đình (có thể bố mẹ hồi bé mắc) mà thường chỉ giật trong ngày bệnh đầu tiên, 3% trẻ dưới 5 tuổi mắc. Co giật do sốt đơn thuần cũng không ảnh hưởng gì não, các bố mẹ hãy bình tĩnh, tránh quá cuống mà xử trí sai lầm.

Hết bé thở oxy, bé co giật, bé sốt cao làm các bác sĩ, điều dưỡng của ca trực quay như chong chóng... Cuối cùng, trời cũng tảng sáng. Các bé đã ngủ từ lâu nhưng hàng tá vấn đề liên quan đến các bé được các bố mẹ liên tục hỏi và các bác sĩ, điều dưỡng lại liên tục trả lời: “Sao con tôi sốt chân tay lại lạnh? Sao sốt cao lại rét run?”... Nên nhớ, khi trẻ sốt, tay chân thường bị lạnh, đây là phản ứng bình thường khi sốt cao thôi. Khi sốt, mạch máu ngoại vi co lại, giảm tưới máu đến tay chân... nên tay chân có vân tím và lạnh. Hơn nữa, khi sốt, cơ thể tìm mọi cách để sinh nhiệt nên cơ thể có phản xạ run cơ như bị lạnh. Tất cả các điều trên là sinh lý của cơn sốt...

Hết một đêm trực với bao điều bất thường mà hoàn toàn bình thường. Nếu để ý một chút thôi sẽ đỡ tội cho bé, đỡ vất vả cho mẹ, quan trọng hơn hết là tránh quá sốt ruột mà xử trí sai lầm.

BS. Trần Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-thuong-ma-binh-thuong-n170224.html