Bất thường homestay 'đại hạ giá' 30.000 đồng/đêm

Từ sau Tết Nguyên đán, một số cơ sở lưu trú có tiềm lực lớn tại Phong Nha (Quảng Bình) đua nhau thực hiện cuộc đại hạ giá, khiến giá phòng ở những cơ sở này được đưa xuống đến mức chỉ vài chục ngàn đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Du khách tuy vui nhưng cũng có chút ngỡ ngàng và nghi ngại. Những người chủ cơ sở lưu trú nhỏ loay hoay tìm lối thoát. Những người nặng lòng với Phong Nha thì hoang mang tự hỏi: Phong Nha - một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế mà cũng có lúc "rẻ rúng" đến thế ư?

30.000 đồng một đêm

Đến Phong Nha những ngày này sẽ dễ dàng nhận ra sự bùng nổ các cơ sở lưu trú. Chỉ trên hai trục đường chính của Phong Nha, hơn 100 cơ sở lưu trú đã mọc lên. Rất nhiều trong số đó còn rất mới. Nhưng không ai dám nghĩ rằng có lúc giá thuê phòng nghỉ qua đêm ở đây lại hạ giá đến mức chỉ còn hơn 1 USD/đêm!

Anna là du khách Ba Lan. Cô đến Phong Nha lần này theo kiểu du lịch “bụi”, vì muốn khám phá hết di sản thiên nhiên thế giới theo cách của riêng mình. Như những khách du lịch khác, Anna vào ứng dụng Booking trên điện thoại để xem giá cả cũng như chất lượng dịch vụ của một số khách sạn ở đây.

Booking là nơi mà các cơ sở lưu trú “rao” về giá cả và dịch vụ của mình trên mạng Internet. Cô “choáng váng” khi thấy mức giá phòng nghỉ thấp đến mức “không thể tin nổi”.

Mức giá bình quân cho gần 100 cơ sở lưu trú ở Phong Nha chỉ khoảng 40.000- 50.000 đồng cho mỗi đêm nghỉ. Ngay đến Easy Tiger, một cơ sở lưu trú lớn ở Phong Nha từng được nhiều người bạn của cô nhắc đến trước chuyến đi, cũng đưa ra mức giá 30.000 đồng/đêm.

Tìm thêm một số cơ sở lưu trú khác ở đây, mức giá thậm chí còn “ưu đãi” hơn khi có nơi cũng 30.000 đồng cho mỗi người một đêm nhưng bao luôn ăn sáng.

“Ngay cả khi được ở với mức giá thấp như thế tôi cũng không thể lấy làm quá vui. Là một điểm du lịch tầm cỡ quốc tế mà mức giá đó thì đúng là có gì đó không bình thường thật” - Anna nói.

“Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan”

Những người làm du lịch lâu năm ở Phong Nha nói rằng không phải tự nhiên mà những cơ sở này phải thực hiện một cuộc “đại hạ giá” kinh hoàng như thế. Mới cách đây vài tháng, mức giá thuê phòng nghỉ ở khu vực này vẫn ở mức bình thường, khoảng 150.000- 200.000 đồng/phòng/đêm.

Những cơ sở có kinh doanh theo kiểu phòng dorm (loại phòng kê nhiều giường để cho thuê theo giường) như Easy Tiger cũng tính mức khoảng 170.000 đồng/ giường/đêm.

“Đã có một cuộc cạnh tranh dữ dội giữa những chủ cơ sở lưu trú lớn trong vùng. Hai bên đều tiềm lực mạnh nên thi nhau hạ giá để “hạ” đối thủ. Nhưng người chịu thiệt nhiều nhất là những cơ sở lưu trú nhỏ, vốn do những nông dân đúng nghĩa đầu tư” - ông N., một người lâu năm trong ngành du lịch, nói.

Theo ông N., trong hơn 100 cơ sở lưu trú gồm cả khách sạn, nhà nghỉ, homstay tại Phong Nha, có khoảng chục cơ sở có tiềm lực mạnh. Còn lại là những cơ sở nhà nghỉ, homestay nhỏ lẻ. Những cơ sở này do những người dân bản địa mở ra. Hầu hết họ là những hộ nông dân “rũ bùn” nhảy qua làm du lịch vì sự phát triển của khu du lịch này vài năm qua.

Cuộc “đại chiến” về giá của những cơ sở lưu trú lớn như những dòng nước lũ cuồn cuộn nhấn chìm luôn những cơ sở lưu trú nhỏ này.

Anh T., 37 tuổi, chủ một nhà nghỉ tại Phong Nha, kể hai năm trước vợ chồng anh vay hơn 1 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú này để phục vụ khách du lịch đến Phong Nha. Trước đó anh vừa đi làm thuê cho một nhà hàng vừa phụ vợ làm ruộng ở nhà. Chỉ là một nhà nghỉ hạng nhỏ nên mức giá anh đưa ra là khoảng 150.000-200.000 đồng/phòng/đêm.

Nhưng mới đây, khi các cơ sở lưu trú khác trong vùng hạ giá xuống mức từ 30.000-50.000 đồng/ đêm, anh không đủ sức cầm cự nữa. “Mức thu đó không đủ bù cho các chi phí điện nước, thuê nhân công và trả lãi cho khoản vay ngân hàng” - anh nói.

Anh H., chủ một homestay khác gần đó, chia sẻ mấy tháng qua anh cũng liên tục phải vay mượn để trả lãi cho ngân hàng. “Những cơ sở lớn có sẵn nội lực thì có thể vẫn sống được khi hạ giá đến mức đáy như thế. Còn những cơ sở dựng lên bằng tiền vay thì chắc chắn không trụ nổi” - anh H. chua chát.

Sao không tựa vào nhau?

Ông Đặng Đông Hà, phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết ông cũng đã nắm qua sự việc này. Ông Hà xác nhận là đang có một cuộc cạnh tranh giá không lành mạnh của một số cơ sở lưu trú ở Phong Nha.

“Đồng ý giá tốt thì được lợi cho người tiêu dùng, nhưng nếu việc hạ giá đó là cạnh tranh không lành mạnh thì nó ảnh hưởng xấu những cơ sở lưu trú khác và cũng ảnh hưởng xấu đến cả thương hiệu của du lịch Phong Nha” - ông Hà nói.

Ông Vũ Quang Thắng, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình, cũng cho rằng đây là điều bất thường nhưng cơ quan ông không làm gì được để điều chỉnh, vì chỉ khi những cơ sở lưu trú này tăng vượt giá niêm yết thì mới có thể xử lý.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện ở Phong Nha có đến hơn 100 cơ sở lưu trú các loại nhưng mới chỉ có 11 cơ sở gia nhập hiệp hội du lịch.

Theo ông Kỳ, lỗ hổng lớn nhất ở đây là việc mạnh ai nấy làm, chưa có một cộng đồng chung để cùng chia sẻ, hợp tác và cùng thống nhất chung một mức giá. Chính điều này là cái gốc của câu chuyện.

“Nếu các cơ sở lưu trú này “tựa lưng” vào nhau trong cùng một tập thể thì chắc chắn sẽ không còn tình trạng đua nhau hạ giá chỉ để hạ nhau như thế này nữa. Lịch sử đã chứng minh rồi, đoàn kết mới là sức mạnh” - ông Kỳ chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bat-thuong-homestay-dai-ha-gia-30000-dongdem-4005857-l.html