Bất thường cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu?

Người tiêu dùng phải đóng thuế tiêu thụ xăng dầu theo giá bán lẻ, doanh nghiệp nộp về ngân sách theo giá bán buôn?

Tại một hội thảo về quản lý thuế do Kiểm toán Nhà nước tổ chức, nhiều tờ báo dẫn lời một cán bộ Kiểm toán tiết lộ: "Việc mức thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu, cơ cấu trong giá cơ sở do Bộ Công thương tính toán và ban hành từng kỳ cụ thể kể từ ngày 19/8/2016 được xác định theo giá bán lẻ đã dẫn đến thực trạng người dân phải chịu “thiệt” khi đóng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng theo giá bán lẻ lúc mua xăng.

Còn thực tế, thuế Tiêu thụ đặc biệt chỉ được đóng vào ngân sách nhà nước theo giá bán buôn là giá đầu mối bán cho các đại lý, thương nhân phân phối xăng dầu. Phần thuế tiêu thụ đặc biệt chênh lệch giữa 2 phương pháp tính, tương ứng với chênh lệch giá bán buôn và giá bán lẻ, chưa được nộp vào ngân sách nhà nước".

Người tiêu dùng đang bị móc túi do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu bất hợp lý. Ảnh: hiephoixangdau

Người tiêu dùng đang bị móc túi do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu bất hợp lý. Ảnh: hiephoixangdau

Trưcc thông tin này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ rất nhiều băn khoăn. Theo vị chuyên gia, nếu thông tin đó là chuẩn xác cả người dân và ngân sách đang bị thiệt đơn thiệt kép.

Vị PGS phân tích, theo quy định, tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 100/2016/NĐ-CP thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu (đầu mối) bán ra nhưng Bộ Công thương lại tính theo giá bán lẻ.

Với cách tính toán này, ngành xăng dầu đã tính đủ các khoản thuế, phí bao gồm: thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu khó, lưu bãi, lãi suất ngân hàng doanh nghiệp phải chịu, quỹ bình ổn xăng dầu... cho từng lít xăng khi bán tới tay người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc, một lít xăng đã phải cõng đủ các loại thuế phí và các loại chi phí của doanh nghiệp, khiến giá xăng dầu tăng cao, người tiêu dùng chịu thiệt.

Còn về phía ngân sách, lại chỉ nhận được phần thuế nộp về từ doanh nghiệp là thuế nhập khẩu. Trong khi đó, số tiền chênh lệch trên lại không được doanh nghiệp xăng dầu nộp về ngân sách, điều này dẫn tới thực trạng, người dân bị móc túi nhưng ngân sách chịu thiệt đơn, thiệt kép, vừa mất thuế, vừa mất tiền.

"Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khoản tiền chênh lệch đó đã nghiễm nhiên chảy vào túi ngành xăng dầu", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, nếu tính toán mức chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt giữa giá bán lẻ và bán buôn thì khoản chênh không quá lớn (khoảng 2-3%), tuy nhiên, nếu tính theo khối lượng tiêu thụ trên hàng nghìn xăng thì đây là con số không nhỏ.

"Sẽ rất khó hiểu khi xăng dầu là một ngành lớn, là ngành chủ lực cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước lại có thể xảy ra tình trạng như vậy?

Việc này cần được làm rõ. Cùng với đó, câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu năm qua số tiền chênh lệch đó doanh nghiệp thu về là bao nhiêu, đã đi đâu và được sử dụng như thế nào?", ông Thịnh nêu quan điểm.

Trong trường hợp xác định thông tin là đúng sự thật, ông Thịnh kiến nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ ý đồ cũng như trách nhiệm của các ngành liên quan, trực tiếp ở đây là Bộ Công thương.

"Với Bộ Công thương, cần làm rõ việc bộ này có hiểu sai chính sách hay cố ý làm sai lệch để hưởng lợi?

Còn với ngành thuế, cũng phải xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý, thực thi chính sách thuế như thế nào?", ông Thịnh yêu cầu.

Ông Thịnh cho rằng, với những thông tin cụ thể được Kiểm toán Nhà nước cung cấp, ngành thuế cần tính toán chi tiết, cụ thể, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo truy thu ngay lập tức khoản thuế chênh lệch nói trên đối với ngành xăng dầu.

Đóng dấu mật giá xăng, giá điện: Doanh nghiệp bị đánh úp?

Độc quyền, không có cạnh tranh

Nhìn về bản chất, PGS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ chế độc quyền của ngành xăng dầu đang bộc lộ quá nhiều bất cập.

Theo vị PGS, trên thực tế, ngành xăng dầu nói rằng đã mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia theo cơ chế thị trường nhưng chủ yếu chỉ có 6-7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trực thuộc sự quản lý của ngành công thương được phép nhập khẩu, phân phối xăng dầu, vì thế không có tính cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Do tính độc quyền nên giá xăng dầu cũng được điều hành không theo nguyên tắc nào, cứ mỗi khi có biến động, thua lỗ ngành xăng dầu lại nhăm nhe đòi tăng giá hoặc xin xả quỹ. Đây là điều bất hợp lý, khiến dư luận, người tiêu dùng bức xúc từ nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được triệt để.

Hơn nữa, trình độ, năng lực quản lý của ngành xăng dầu cũng không tốt, thụ động, kinh doanh độc quyền nhưng liên tục kêu lỗ. Đáng nói, cứ sau mỗi lần báo lỗ, ngành xăng dầu lại có động thái điều chỉnh giá bán, việc này khiến dư luận nghi ngờ, ngành xăng dầu đang tìm cách đẩy lỗ sang cho người dân.

"Về lâu dài tình trạng độc quyền trong kinh doanh xăng dầu cần phải được xóa bỏ vì nó vừa không khuyến khích được các doanh nghiệp phát triển, còn dẫn tới những tác động tiêu cực trong sản xuất, gây thiệt hại cho nền kinh tế", ông Thịnh nói.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/bat-thuong-cach-tinh-thue-tieu-thu-dac-biet-xang-dau-3379917/