Bất thần 'đột quỵ… thanh quản', nhiều người dở khóc dở cười

Sau một chầu bia với bạn, anh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) không thể cất nên lời, dù chiều cùng ngày anh phải chủ trì một cuộc họp. Dù đã tìm mọi cách nhưng cuối cùng anh đành bất lực hủy cuộc họp, gây lãng phí cho cty và phiền toái cho không ít người.

Chỉ sau một chầu bia với bạn bè, anh Tuấn đã mất hẳn giọng không thể nói được

Chỉ sau một chầu bia với bạn bè, anh Tuấn đã mất hẳn giọng không thể nói được

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, BS chuyên khoa tai - mũi – họng, BV ĐH Y Hà Nội cho biết trường hợp của anh Tuấn chỉ là một trong nhiều ca bệnh gặp phải tình cảnh tương tự mà bà đã từng điều trị. Theo đó, có nhiều người sáng ngủ dậy bỗng phát hiện mình không thể nói được. Trong đó có những ca sĩ đang hát thì đột ngột mất tiếng, những quý ông sau một bữa nhậu với bia rượu rồi... không thể cất được lời.

“Trong đó, một số bệnh nhân sau phẫu thuật như phẫu thuật tuyến giáp đã không nói được hoặc lạc giọng, nói rất khó khăn... Những biểu hiện mất hẳn tiếng nhanh chóng như vậy được gọi là "đột quỵ thanh quản", PGS. TS Phạm Bích Đào nhấn mạnh.

Theo PGS Đào, với một người bình thường, mất đi phương tiện giao tiếp là giọng nói, kể cả trong thời gian ngắn cũng đã rất khó chịu, nhưng nếu là ca sĩ, MC, giáo viên... những người thường xuyên làm việc bằng giọng nói thì đây thật sự là một cú "sốc" về tâm lý.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này như viêm xoang mũi, viêm thanh quản do trào ngược dạ dày thực quản, viêm thanh quản cấp dị ứng…

“Nhiều trường hợp bị lạc giọng, mất hẳn tiếng thường là hậu quả của viêm mũi xoang, sau 3 - 5 ngày dịch mũi chảy xuống họng, bệnh nhân thấy khô cổ, giọng nói nặng dần rồi mất hẳn sau một đêm ngủ dậy. Trong trường hợp này, nếu từng một lần bị mất tiếng, bạn có thể lại thấy hiện tượng chảy dịch xuống họng rồi giọng nói đục dần - ngay lập tức phải đi khám bác sĩ tai mũi họng để được xác định và điều trị bệnh kịp thời (như sử dụng kháng sinh, kháng viêm, điều trị tại chỗ của mũi xoang và tại thanh quản)”, PGS Phạm Bích Đào nhấn mạnh.

Với trường hợp bị viêm thanh quản do trào ngược dạ dày thực quản, nguyên nhân là do dịch acid của dạ dày đi lên vùng cổ trào vào vùng thanh quản, nếu hiện tượng trào ngược kèm theo viêm dạ dày tăng tiết acid sẽ làm niêm mạc và biểu mô thanh quản bị bỏng dẫn đến phù nề rồi mất tiếng. PGS. Phạm Bích Đào khuyến cáo “trường hợp này cần đi khám để đánh giá tình trạng cụ thể và hướng xử trí”.

Cũng có trường hợp bị “đột quỵ” giọng nói là do viêm thanh quản cấp dị ướng. Theo PGS. Phạm Bích Đào, trường hợp này người bệnh thường mất hẳn tiếng thậm chí kèm khó thở sau khi uống rượu, bia. Đây là tình trạng dị ứng nặng đường thở trong bệnh cảnh dị ứng niêm mạc, toàn bộ niêm mạc vùng họng, hạ họng - thanh quản nơi tiếp xúc với rượu nề lên, bít lấp đường thở, hai dây thanh mọng nước, không di động được, luồng không khí qua thanh quản giảm, không đủ áp lực làm rung được dây thanh, dẫn đến không tạo ra được tiếng thanh.

Đặc biệt những người sau phẫu thuật tuyến giáp cũng có thể ảnh hưởng đến thanh quản. Bệnh nhân xuất hiện mất tiếng ngay sau các phẫu thuật vùng cổ, đặc biệt sau mổ bướu giáp, ung thư tuyến giáp.

“Nếu có biểu hiện này phải thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, tìm nguyên nhân và xử trí kịp thời: chống viêm, bổ thần kinh trong trường hợp chèn ép dây thần kinh, hoặc nối thần kinh nếu có tổn thương”, PGS. TS Phạm Bích Đào nhấn mạnh.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bat-than-dot-quy-thanh-quan-nhieu-nguoi-do-khoc-do-cuoi-post322341.info