Bắt tay quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm

ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức bởi khu vực này rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên: biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, sụt lún đất. Cùng với 3 địa phương còn lại trong khu vực, Cần Thơ sẽ phối hợp cùng nhóm nghiên cứu Đại sứ quán Hà Lan để tìm ra các giải pháp đối phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt ảnh hưởng từ sụt lún đất cũng như quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngầm.

Tiếp nối hợp tác

Tình trạng sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp. Trong ảnh: Sạt lở ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ năm 2019.

Tình trạng sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp. Trong ảnh: Sạt lở ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ năm 2019.

Với diện tích, đặc điểm địa lý và lịch sử khai phá khá tương đồng với ĐBSCL thời gian qua, Hà Lan phối hợp với ĐBSCL trong đó có Cần Thơ triển khai nhiều dự án liên quan BĐKH, quản lý tài nguyên nước. Điển hình như: dự án Blue Dragon - Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước ở ĐBSCL, dự án Rise and Fall - Động thái tài nguyên nước dưới đất và xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún ĐBSCL…

Theo ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất phụ trách vấn đề nước và BĐKH của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức trong những thập kỷ tới. Thách thức đầu tiên phải kể đến là do khai thác quá mức tài nguyên nước ngầm nên nước ngầm có hiện tượng nhiễm mặn. Thách thức thứ hai là tác động kết hợp của việc khai thác nước ngầm và áp lực của các công trình xây dựng gây sụt lún nhanh hơn. Tỷ lệ sụt lún ngày nay lớn hơn nhiều so với tốc độ gia tăng mực nước biển. Thách thức cuối cùng là xây dựng đập thượng nguồn và khai thác cát trong các kênh chính gây ra xói lở kênh và bờ. Do đó, phạm vi thủy triều tăng lên, gây ra nguy cơ lũ lụt gia tăng và nước mặn xâm nhập vào thượng nguồn. Mỗi năm trung bình ĐBSCL sụt lún thêm 2cm.

Riêng tại TP Cần Thơ, theo dữ liệu InSAR (một kỹ thuật radar được sử dụng trong đo đạc và viễn thám) gần đây, hiện tượng sụt lún đất diễn ra khá nghiêm trọng. TP Cần Thơ bị ảnh hưởng ngập ngày càng tăng do sự tương tác giữa thủy triều, nước lũ sông Mekong, nước mưa, hệ thống thoát nước kém và hệ thống đê bao khép kín ở các vùng nông thôn phụ cận. Ngoài ra, khai thác nước ngầm, cát các vùng công nghiệp và đô thị của Cần Thơ cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ sụt lún ở vùng đất này. “Đây là vấn đề phức tạp Hà Lan mong muốn cùng TP Cần Thơ tìm hiểu nguyên nhân gây sụt lún đất và xâm nhập mặn để có giải pháp kịp thời, hiệu quả ứng phó. Điều quan trọng là việc xây dựng hệ thống thông tin rủi ro có tính đến dữ liệu về sụt lún đất và các xu hướng đang diễn ra và xem xét các biện pháp giảm thiểu”, ông Laurent Umans chia sẻ.

Dự án “Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm ĐBSCL” tiếp nối những nỗ lực của Hà Lan và các đối tác về vấn đề sụt lún và khai thác nước ngầm ở ĐBSCL. Bà Tanya Huizer, lãnh đạo dự án, chuyên gia cao cấp về xây dựng kiến thức và năng lực Đông Nam Á, cho biết: Mục tiêu chính của dự án nhằm tăng cường sự hiểu biết và kiến thức về sụt lún đất và quản trị sử dụng nước dưới đất đối với những người ra quyết định cấp tỉnh và khu vực (nhóm đối tượng chính). Đồng thời, tích hợp các mối quan tâm của các bên liên quan khác nhau và sự liên hệ giữa các ngành, đưa những kết quả nghiên cứu và kiến thức vào các cơ chế quản trị cần thiết để giải quyết các thách thức…

Xây dựng mô hình mô phỏng chính sách

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng dự án này rất cần thiết đối với các khu vực ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng. Trước hết là nâng cao nhận thức được các cấp chính quyền giúp lãnh đạo thành phố có chính sách, giải pháp phù hợp với các dự báo mà các chuyên gia đưa ra. Vì vậy, TP Cần Thơ sẽ không đứng ngoài cuộc, tích cực phối hợp cung cấp, thu thập thông tin, trên cơ sở đó cùng phân tích, đặt ra các yêu cầu để nghiên cứu sâu về tình hình thực tế sụt lún đất ở thành phố…

ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái - thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ: Quy trình giải quyết sụt lún đất bao gồm 6 bước, đó là: đo đạc tình trạng sụt lún; phân tích, tìm hiệu cơ chế sụt lún; đề xuất mô hình thí điểm; phân tích chi phí và lợi ích, hỗ trợ ra quyết định; biện pháp thực hiện; giám sát và đánh giá kết quả thực hiện. Trên cơ sở khoa học của các nghiên cứu hàn lâm, cơ bản đã hoàn thành 4 bước trong chu trình, vấn đề còn lại là tiến thêm một bước đưa các kết quả đi vào sử dụng thực tế thông qua 2 bước cuối. Và quy trình giải quyết này sẽ được cập nhật liên tục, khắc phục hạn chế của các giải pháp để tăng tính hiệu quả. Vì vậy, rất cần sự tham gia của các bên liên quan cùng thảo luận, đề xuất phân tích thuận lợi, khó khăn để đưa ra danh mục các giải pháp xử lý cho từng trường hợp điển hình…

Dự án sẽ được triển khai từ tháng 1-2020 đến tháng 3-2021. Cần Thơ và Kiên Giang, Bến Tre và Sóc Trăng được chọn nghiên cứu điển hình cho dự án. Nhóm nghiên cứu sẽ hợp tác với Đại học Cần Thơ để thực hiện các bước và xây dựng các công cụ cần thiết thông qua 5 hợp phần. Bà Tanya Huizer cho biết, một mô hình mô phỏng chính sách và các hội thảo sẽ được xây dựng và thực hiện cho 4 địa phương thí điểm. Dựa trên các kinh nghiệm cụ thể, các trường hợp điển hình và các bài học rút ra từ 4 địa phương, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng các giải pháp và lộ trình cho quản lý khai thác nước ngầm và sụt lún đất ở ĐBSCL. Các mô phỏng chính sách giúp người tham gia được trải nghiệm sự học hỏi thông qua tương tác và có thể sử dụng trong quá trình ra quyết định và thiết kế các cơ chế. Ngoài ra, dự án còn hướng đến cơ chế trao đổi kinh nghiệm lâu dài (sau dự án) bằng việc lập ra một cộng đồng quan tâm và lồng ghép vào giới học thuật thông qua sự hợp tác với Đại học Cần Thơ trong từng bước của dự án. Việc các bên liên quan và đặc biệt là các địa phương chủ động tiếp nhận và tham gia thực hiện dự án là cần thiết để đảm bảo các hoạt động tiếp theo ở ĐBSCL...

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, ngập nghẹt đô thị diễn ra ngày càng phức tạp, cùng với đó, nước mặn lăm le đến khu vực giáp Hậu Giang. Quản trị sụt lún đất và quản lý hiệu quả tài nguyên nước ngấm là vấn đề TP Cần Thơ rất quan tâm. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đề xuất: Vào mùa mưa nguồn nước mặt của thành phố khá nhiều. Vì vậy, trong quá trình triển khai dự án, nhóm nghiên cứu cần quan tâm thêm vấn đề này, có giải pháp đưa nước mặt vào nước ngầm. Bởi khi nước ngầm đủ nước sẽ góp phần hạn chế xâm nhập mặn…

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bat-tay-quan-tri-sut-lun-dat-va-quan-ly-nuoc-ngam-a118954.html