Bắt tay ngay vào sản xuất

Từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã làm lễ khai xuân, ra quân sản xuất, kinh doanh. Không phải doanh nghiệp muốn ăn bớt ngày nghỉ của người lao động, mà thông qua lễ ra quân sản xuất đầu năm mới, doanh nghiệp muốn có bước đệm để người lao động có khí thế và tâm thế sẵn sàng trở về với công việc thường nhật từ ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Những năm qua, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thường kéo dài 7-9 ngày. Tết Nguyên đán với người Việt rất thiêng liêng. Tết là dịp để gia đình đoàn viên, là dịp để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động sau một năm vất vả… Vì thế, 7 hay 9 ngày nghỉ Tết với nhiều người là rất quan trọng. Nhưng Tết cũng là nỗi lo với không ít doanh nghiệp khi nhiều lao động sau nghỉ Tết đã không trở lại nhà máy; khi tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tâm lý lễ hội, xả hơi vẫn níu kéo nhiều người. Tết Nguyên đán thường bắt đầu sau Tết Dương lịch, hai kỳ nghỉ liên tiếp trong thời gian ngắn, nên ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong xu thế hội nhập sâu với kinh tế thế giới và tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, bắt tay ngay vào sản xuất sau kỳ nghỉ là mong muốn của doanh nghiệp. Sự đình trệ sản xuất, dù dài hay ngắn, đều ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung. Dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài làm sản xuất đình trệ, khiến tăng trưởng kinh tế giảm sâu. Ngược lại, nhờ “mở cửa” sớm, doanh nghiệp phục hồi nhanh, kinh tế - xã hội có bước phát triển vượt bậc trong năm 2022.

Để bắt tay ngay vào sản xuất từ ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ sớm về đơn hàng, nguồn nguyên liệu, về tổ chức vận hành sản xuất. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng có chiến lược giữ chân người lao động thông qua đào tạo nâng cao tay nghề, kiến thức; không ngừng chăm lo đời sống, cải thiện thu nhập của người lao động. Một môi trường làm việc tốt sẽ giúp người lao động tăng năng suất, hiệu quả lao động, ý thức hơn về trách nhiệm và gắn bó hơn với doanh nghiệp. Quan trọng hơn, môi trường làm việc tốt sẽ giúp thay đổi nhận thức, tạo ra những lao động mang tác phong chuyên nghiệp.

Với người lao động, cần bỏ ngay tâm lý xả hơi sau kỳ nghỉ dài, để bắt tay ngay vào công việc. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, việc doanh nghiệp duy trì đơn hàng góp phần mang lại thu nhập ổn định cho chính người lao động. Và đóng góp của người lao động qua hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Để góp phần duy trì hoạt động sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, các cơ quan quản lý cũng cần bắt tay ngay vào công việc, kịp thời giải quyết mọi vấn đề phát sinh cho cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời động viên, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, với tinh thần đồng hành đã được duy trì trong nhiều năm qua. Cùng với chính sách an sinh xã hội, các chương trình chăm lo cho người lao động, cần kết nối cung cầu lao động - việc làm, giúp doanh nghiệp có đủ nhân lực cần thiết.

Về lâu dài, cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ quan chức năng cần có chương trình đào tạo nhân lực phù hợp. Từ đó tạo ra lực lượng lao động có chuyên môn cao, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hiện đại, góp phần cải thiện chất lượng nhân lực, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ hiệu quả hơn khi nó là động lực để hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1053866/bat-tay-ngay-vao-san-xuat