Bắt tay cùng khởi nghiệp

Môi trường kinh doanh của Đồng Nai ngày càng thuận lợi là điều kiện tốt cho sự xuất hiện của đông đảo các doanh nghiệp (DN) nhỏ, DN khởi nghiệp. Mặc dù vậy, với các DN mới xuất hiện, sự cạnh tranh vẫn vô cùng gay gắt.

Ngoài nỗ lực tự khởi nghiệp, doanh nghiệp rất mong đợi các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trong ảnh: Tư vấn sản phẩm trong chuỗi cửa hàng điện máy của Công ty TNHH Điện máy nội thất Gia Vĩnh, một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở Đồng Nai

Ngoài nỗ lực tự khởi nghiệp, doanh nghiệp rất mong đợi các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trong ảnh: Tư vấn sản phẩm trong chuỗi cửa hàng điện máy của Công ty TNHH Điện máy nội thất Gia Vĩnh, một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở Đồng Nai

Muốn đứng vững trên thị trường, DN cần có sự độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ hoặc có thế mạnh riêng. Trong bối cảnh ngày càng nhiều DN xuất hiện, để phát triển bền vững, các DN nhỏ, siêu nhỏ đã liên kết với nhau cùng khởi nghiệp.

* Hợp tác cùng phát triển

Thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm, những ngày này, Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) đang “chạy” hết công suất để sản xuất đơn hàng cho các hợp đồng đã ký kết. Anh Dương Hải Đăng, Giám đốc công ty cho hay, lĩnh vực mà DN theo đuổi là sản xuất ngành hàng cơ khí, bù long, ốc vít, công nghiệp phụ trợ cho các ngành hàng sản xuất gỗ, điện tử... Xuất phát điểm từ một cửa hàng chuyên kinh doanh về lĩnh vực này, nhận thấy nhu cầu của khách hàng ngày càng nhiều nên anh Đăng đã mạnh dạn thành lập DN để đi vào sản xuất. Trải qua những khó khăn bước đầu, DN trẻ này đã gầy dựng được chỗ đứng trong số rất nhiều đơn vị cung ứng ngành hàng phụ trợ tại Đồng Nai.

Theo anh Đăng, ngoài sự nỗ lực của bản thân DN thì sự liên kết, hợp tác với các đơn vị, DN thành viên thuộc ngành hàng công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp để có thể phát triển nhanh, bền vững. “Là thành viên của Chi hội Ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai (thuộc Hội Doanh nhân tỉnh Đồng Nai) , công ty chúng tôi cũng thường xuyên được các DN thành viên, anh chị em chia sẻ thông tin, nhu cầu của khách hàng, cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài cũng như có thể hỗ trợ nhau trong các công đoạn sản xuất” - anh Dương Hải Đăng cho biết.

Tương tự, khi khởi nghiệp, anh Trần Nhân Giáp, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế xây dựng kiến trúc nội thất truyền thông Gold Home đã hợp tác cùng 3 người bạn là chủ các DN khởi nghiệp khác trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực lân cận như kiến trúc, xây dựng, điện, nước... để cùng làm ăn. Anh Giáp cho hay, môi người trong nhóm DN này có những lợi thế riêng nhưng một công trình xây dựng thì từng DN riêng lẻ khó đáp ứng được. “Sự hợp tác, phân công, chia sẻ hợp đồng dự án, lợi nhuận cộng sinh với nhau là điều rất cần thiết đối với các DN khởi nghiệp. Nhờ vậy, những thiết kế nội thất từ gỗ của Gold Home ngày càng xuất hiện nhiều tại các công trình nhà ở, quán cà phê, cửa hàng... trên địa bàn tỉnh” - anh Giáp chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn khi kinh tế đã hội nhập sâu rộng thì việc ủng hộ nhau cùng phát triển nên được các DN phát huy. Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đến nay đã có 10 chi hội địa phương, chi hội ngành hàng trực thuộc với hơn 500 DN, hội viên. Hội cũng đã phát động chương trình DN, hội viên dùng sản phẩm của nhau, sản phẩm của DN này là đầu vào sản xuất của DN kia và ngược lại. Để chương trình có thể đạt được kết quả cao hơn thì cần sự chung tay, góp sức của đông đảo DN trên địa bàn để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

* Vẫn cần hỗ trợ từ chính sách

Nỗ lực của từng DN, từng hiệp hội, hội ngành nghề trong việc nâng tầm cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh là rất lớn song cũng cần đến sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách từ phía Nhà nước. Trong đó, trọng tâm nhất là các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.

Những năm gần đây, Đồng Nai đã bước đầu triển khai các chương trình hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh và cũng đã có những khởi sắc nhất định. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST từng bước được hình thành và phát triển với nhiều hoạt động như các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST, hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, kết nối mạng lưới khởi nghiệp... Trong đó, cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai (startupdongnai.gov.vn) đi vào hoạt động năm 2019 đã cập nhật các hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong và ngoài tỉnh. Việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã hình thành được một số DN và gọi vốn được từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn quá ít so với triển vọng phát triển DN trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh sự phát triển của DN đang gặp nhiều vướng mắc, rào cản, Đồng Nai đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa với Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Sở
KH-ĐT được giao trọng trách xây dựng nội dung của đề án và đang từng bước hoàn thiện. Đề án với nhiều nội dung hỗ trợ như: bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý và hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST...

Với những nội dung nói trên, các DN kỳ vọng sẽ có được một cú hích phát triển từ chính sách của Đồng Nai. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà cộng đồng DN hướng tới là 3 lĩnh vực chính đang vướng mắc nhiều nhất hiện nay: mặt bằng sản xuất, nguồn vốn tín dụng và đào tạo cán bộ quản trị DN. “Cái khó của DN là thiếu thông tin, nhất là sự minh bạch, công bằng về chính sách hỗ trợ đối với DN. Thực tế thì hiện nay, phần lớn DN vẫn mạnh ai nấy làm, Nhà nước cần phải có chương trình cụ thể, sát sườn để tập hợp được các DN lại với nhau” - anh Dương Hải Đăng kỳ vọng.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202011/bat-tay-cung-khoi-nghiep-3029299/