Bắt tằm dệt lụa tơ sen

Hoa sen từ trước đến nay vẫn chỉ được dùng để ngắm hoặc để làm nên những đụm trà sen thanh tao. Ấy thế mà dưới bàn tay của con người, những bông sen ấy cũng đã phải nhả tơ để tạo nên tấm lụa chứa đựng cả hồn cốt của dân tộc. Người đã làm được điều kì diệu ấy là nghệ nhân Phan Thị Thuận.

Câu chuyện của chăn tơ tằm tự dệt

Sinh ra và lớn lên ở Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề nuôi tằm, dệt lụa, gia đình bà Phan Thị Thuận nhiều đời ươm tơ dệt lụa. Người làng Phùng Xá quanh năm suốt tháng bám lấy máy dệt thô sơ để giữ nghề cũng như giữ cái kế sinh nhai. Theo năm tháng, dưới tác động của cơn bão thị trường, nghề dệt ngày càng mai một.

Song người phụ nữ này nặng lòng với nghề ươm tơ dệt lụa đã không chấp nhận bị cuốn theo cơn lốc hiện đại hóa. Chính sự đau đáu với nghề đã khiến bà luôn suy nghĩ, trăn trở tìm hướng đi mới, sáng tạo ra cách làm mới để giữ nghề và khôi phục lại thương hiệu của lụa Phùng Xá. Từ những suy nghĩ, trăn trở ấy, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã tìm ra phương pháp dệt lụa mới bằng cách biến những con tằm thành những người thợ để dệt nên những tấm chăn tơ tằm độc đáo.

Ý tưởng trên của bà có được nhờ nhiều năm quan sát loài côn trùng sinh tơ này. Bà Thuận chia sẻ: “Nhiều lần đứng ngắm con tằm làm tơ, đan kén, cách nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào tôi bỗng nảy ra ý tưởng rằng tại sao không để chúng dệt lụa thay cho người?”. Từ ý tưởng cho tới lúc những sản phẩm đầu tiên từ phương thức dệt độc đáo này, đã tiêu tốn mất của bà gần chục lứa tằm thử nghiệm và gần 2 năm trời mày mò với từng con tằm ăn rỗi.

Vừa mải miết với khung cửi, bà Thuận vừa giải thích, phải thấu hiểu đầy đủ tâm sinh lý rồi đáp ứng mới mong chúng đền đáp bằng cách thay người dệt lụa. “Tằm khi đan kén trên nong còn có tổ để che chở nên cứ theo bản năng mà miệt mài nhả tơ. Đằng này khi nằm trơ thân trên một mặt phẳng thì chỉ một tia nắng nhẹ, một tiếng động khẽ, một làn gió thoảng qua cũng đủ để cho chúng giật mình sợ hãi mà im tịt không chịu nhả tơ” - bà Thuận chia sẻ.

Chính vì lẽ đó mà xưởng kéo tơ của bà Thuận giống như một cái kén lớn được che kín bốn bề để không một tiếng động, tia nắng, làn gió lạ nào xâm nhập vào. Quan sát từng con tằm bé nhỏ, thật khó tin là chúng có thể chứa trong bụng những sợi tơ dài tới 400-500m. Để nhả hết số tơ đó bên trong chúng phải cúi đầu dùng miệng rút từ trong ruột mình ra khoảng 10.000 lần.

Bà Thuận còn tỷ mẩn tính toán những thông số như khoảng cách thích hợp để cho lũ tằm vươn cổ, nhả tơ vừa vặn nhau nhất mà không va đầu vào nhau. Sau bốn đến năm ngày, tằm tự nhả tơ đan xen vào nhau, tạo thành tấm kén phẳng. Tấm kén đó sẽ được luộc trong vòng bốn giờ, xử lý chất liệu để tạo ra một tấm bông tơ phẳng, mịn, có độ gắn kết chắc chắn mà kỹ thuật may đo dù có tinh xảo đến mấy cũng không bằng.

Từ sự tỉ mỉ đó mà những chiếc chăn lụa được làm từ những sợi tơ tự nhiên thuần khiết ấy xốp, nhẹ nhưng lại rất bền, chắc khác hẳn với phương pháp cũ do con người kéo kén, ươm tơ…

Nghệ nhân Phan Thị Thuận - người sáng tạo nên chăn tơ tằm tự dệt và tơ sen.

Tinh hoa đất trời và dệt ước mơ từ tơ sen

Chia sẻ về cơ duyên đến với những sợi tơ sen, bà Thuận nói, vào khoảng đầu năm 2017, có người từng đến một ngôi làng nhỏ tại Myanmar và chứng kiến cảnh người dân ở đây dệt lụa bằng tơ lấy từ cuống sen. Sản phẩm của họ được một nhà tạo mẫu Pháp đặt mua toàn bộ với giá rất cao. Về Việt Nam, người này đã gợi ý cho bà Thuận làm loại tơ độc đáo ấy.

Ban đầu, bà Thuận chưa có ý định sẽ làm ra lụa tơ sen bởi lẽ chỉ nội việc loanh quanh với tằm tự dệt cũng đã lấy đi của bà rất nhiều thời gian. Nhưng sau đó, người nghệ nhân già lại suy nghĩ rằng, nước họ làm được thì tại sao mình không làm được, biết đâu rằng đây sẽ là bước đi mới của ngôi làng dệt truyền thống. Hơn nữa, quê bà vốn lắm đầm, nhiều ao, sen mọc rất nhiều. Như vậy, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, bà Thuận chính thức bắt tay vào thử nghiệm làm tơ sen từ đầu năm 2017.

Những sợi tơ sen này sẽ góp thêm viên gạch vào việc gìn giữ nghề truyền thống của làng dệt Phùng Xá.

Để tạo nên được những tấm lụa tơ sen phải trải qua nhiều công đoạn, tơ sen tiếng là chỉ việc ra hồ là sẵn có tuy nhiên lại tốn công sức vô cùng vì lúc này con người thay cho vị trí của con tằm để kéo tơ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới sạch và đẹp.

Cuống nào cũng làm được tơ sen, riêng cuống non cho lượng tơ dẻo mà đẹp. Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời ve cho sợi tơ sen tròn lại. Nếu cắt quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong. Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng một ngày sau khi thu hái nếu không cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn.

Theo lời bà Thuận, tùy vào độ dày mỏng, dài ngắn mà một tấm khăn lụa tơ sen có thể cần tới cả ngàn cuống sen để làm ra. Tính ra một người thợ chăm chỉ lắm thì một ngày cũng chỉ làm được 300 cuống cho một sợi tơ dài khoảng 300m. Sợi sen thu được rất mảnh, bông, nhẹ và có mùi thơm tự nhiên.

Cũng giống như nhiều sản phẩm truyền thống khác, lụa tơ sen do làm thủ công hoàn toàn, mất nhiều công sức, nên giá khá cao, thường gấp từ 7-10 lần so với sản phẩm tương tự làm từ lụa tơ tằm.

Nâng niu trên tay chiếc khăn làm từ lụa tơ sen, người nghệ nhân xúc động khi nhận ra sản phẩm này sẽ mở ra hướng đi mới, giúp phần gìn giữ khung nghề truyền thống của Phùng Xá quê bà.

Hưng Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bat-tam-det-lua-to-sen-135448.html