Bắt sỏi đá thành cơm

14 tuổi tham gia cách mạng, vượt qua những giờ phút sinh tử ở chiến trường, cựu TNXP Bùi Thị Đầm (SN 1951), Lê Minh Công (SN 1948) khai phá vùng đất hoang ở ấp 6 xã Minh Hưng (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bắt 'sỏi đá cũng thành cơm'.

Cựu TNXP Bùi Thị Đầm và Lê Minh Công thời trẻ ẢNH: NVCC

Cựu TNXP Bùi Thị Đầm và Lê Minh Công thời trẻ ẢNH: NVCC

14 tuổi tham gia cách mạng

Năm 1964, khi mới 14 tuổi, cô bé Bùi Thị Đầm rời quê hương Long An tham gia hoạt động cách mạng và được phân công về T.Ư Cục miền Nam. Những ngày đầu tham gia cách mạng, cô bé Đầm được dạy học cứu thương. Đầm học rất nhanh, dạy đến đâu biết đến đó. Vì thế thời gian ngắn sau, Đầm được phân công nhiệm vụ hỗ trợ đội TNXP phục vụ cứu thương, chăm sóc thương binh.

Ngày 20/4/1965, T.Ư Cục miền Nam vận động cho thành lập đơn vị TNXP đầu tiên với tên gọi là C100. Đó cũng chính là đơn vị tiền thân của Đội TNXP giải phóng miền Nam, do đồng chí Trần Văn Mãnh (tức Hai Văn) làm Tổng đội trưởng. Bà Bùi Thị Đầm là một trong những thành viên đầu tiên của Đội. Lúc này, cũng là thời điểm, phong trào “Năm xung phong” mới được Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam phát động ở miền Nam cùng với đó là phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc tạo nên khí thế hừng hực lên đường chống Mỹ cứu nước. Nữ TNXP Bùi Thị Đầm được điều về đội TNXP giải phóng miền Nam với nhiệm vụ đầu tiên là tuyên truyền về phong trào “Năm xung phong”, rồi sau đó được bổ sung vào bộ phận cứu thương, phục vụ chiến dịch Đồng Xoài.

Bằng sự thông minh, nhanh nhẹn, năm 15 tuổi, Bùi Thị Đầm được cử đi học lớp y tá ngắn hạn về phục vụ tại bệnh xá Tổng đội TNXP. “Bệnh xá lúc đó chỉ có 1 y tá, 1 y sĩ, còn lại ra mặt trận hết. Thời gian đó vất vả lắm, phục vụ cả ngày lẫn đêm. Không chỉ làm công việc chuyên môn của một y tá, chúng tôi còn làm đủ việc, từ hỗ trợ chăm lo đời sống anh em đến động viên tinh thần, làm công tác tâm lý để những đội viên mới nguôi nỗi nhớ nhà, nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới”, nữ cựu TNXP Bùi Thị Đầm hồi tưởng.

Thoát chết trong trận B52 đầu tiên

Trong ký ức của bà không thể nào quên ngày 18/6/1965, đó là ngày đế quốc Mỹ ném bom B52 đầu tiên xuống Việt Nam. Bà Đầm kể, sáng hôm đó đang trên đường về Bến Cát, Bình Dương bất ngờ nghe tiếng máy bay gầm rú điên cuồng. Chúng huy động 27 lượt máy bay B52 ném bom rải thảm xuống ấp Trảng Lớn - Bờ Cảng, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là ấp Hóc Măng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) nhằm hủy diệt căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các cơ quan đầu não khác của tỉnh và tàn sát nhân dân.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ sử dụng loại máy bay ném bom chiến lược B52 để đánh phá các căn cứ của cách mạng, mở đầu cho việc sử dụng rộng rãi máy bay B52. Với sức tàn phá ghê gớm, mọi thứ tan hoang, cầu Phú Bình sập ngay trước mắt bà và đồng đội. Ngay sau đợt ném bom, máy bay trực thăng đổ quân xuống ấp Bờ Cảng và hành quân theo dọc cánh rừng già vừa bị hủy diệt từ Bờ Cảng xuống Trảng Lớn, vừa hành quân, vừa bắn phá.

“Mọi người không kịp trú xuống hầm, anh em đồng đội chạy vào rừng sâu thất lạc tứ xứ. Tôi may mắn thoát chết trong gang tấc. Sau 1 tuần nhịn đói ở rừng, tôi tìm gặp được đơn vị”, bà Đầm hồi tưởng và xúc động kể tiếp: “Gặp lại đơn vị, tôi khóc như mưa, khóc như chưa bao giờ được khóc. Lúc đó, Tổng đội trưởng Đội TNXP Giải phóng miền Nam Trần Văn Mãnh trấn an: “Khóc gì mà khóc, còn sống là tốt rồi, sao phải khóc”! Đó là dấu ấn tuổi 15 tôi không thể nào quên được”.

Sau đận đó, nữ TNXP Bùi Thị Đầm trưởng thành lên rất nhiều, có mặt ở nhiều chiến trận làm công tác hậu cần phục vụ anh em tiền tuyến không nề hà gian khổ, hiểm nguy. Bà Đầm kể, dù trong bất cứ hoàn cảnh gian nguy nào thì tình đồng chí, đồng đội vẫn luôn yêu thương, đùm bọc, sẻ chia cho nhau.

Quyết chí ắt làm nên

Năm 1972, nữ TNXP Bùi Thị Đầm nên duyên với nam TNXP Lê Minh Công. Yêu nhau từ trong khói lửa chiến tranh nên đám cưới của đôi trẻ cũng rất đặc biệt. Đám cưới diễn ra ngay tại khu rừng già của vùng chiến khu Tây Ninh, nơi gọi là cái nôi của T.Ư Cục miền Nam, đúng ngày thành lập Đoàn 26/3/1972, do đồng chí Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam làm “chủ hôn”. Cưới xong 1 tuần, hai vợ chồng lại xa nhau biền biệt, mỗi người chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở một mặt trận khác nhau, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Năm 1977, vợ chồng ông Công, bà Đầm mới ở gần nhau. Hai ông bà phục viên về sinh sống tại Củ Chi, TPHCM. Năm 1988, hai vợ chồng quyết định “bỏ phố lên rừng”, đi xây dựng kinh tế mới tại huyện Bình Long cũ (nay là ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Lúc đó, ấp 6 nơi ông bà đến chỉ là một vùng rừng núi heo hút, hoang sơ. Thiên nhiên thử thách ý chí, lòng kiên nhẫn của 2 cựu TNXP. Ông bà làm ngày, làm đêm, khai hoang, phục hóa hồi sinh sự sống của vùng đất mới.

Bà Đầm kể, sáng phát rẫy, trồng bắp, đậu, lúa xen dưới bóng cây điều để lấy ngắn nuôi dài; buổi trưa đi lượm sắt vụn (phế phẩm sót lại sau chiến tranh) bán lấy tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày; đêm về chong đèn dầu làm việc đến khuya. Cảm phục sức lao động kiên cường, không biết miệt mỏi của 2 cựu TNXP, người dân ấp 6 gọi ông bà bằng biệt danh “Vợ chồng Tư làm”.

Với phẩm chất của một TNXP, chịu thương, chịu khó, sau một thời gian, hai ông bà đã khiến “sỏi đá cũng thành cơm”. Ông bà đã khai phá được 10 ha đất rẫy, chăn nuôi, trồng trọt đủ thứ loại cây. Vất vả là vậy nhưng ông bà sẵn sàng cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn từng ha đất để làm kế sinh nhai. Bà kể: “Cứ thấy người nào nghèo khó quá tôi cắt 1,2 ha đất cho họ làm ăn. Có người cho đất xong, vợ chồng tôi tình nguyện hỗ trợ cày xới đất, cho con giống, cây trồng làm nguồn vốn lập nghiệp. Có 4 mẹ con từ miền Bắc vào đây lập nghiệp, thương hoàn cảnh éo le, tôi cho 5 sào đất rồi cho thêm 2,5 chỉ vàng làm vốn”.

Thời kỳ đó đang “sốt” bộ phim Tây du ký nhưng cả vùng ấp 6 không có nổi cái tivi, ông bà bàn với nhau bán 2 ha đậu vừa thu hoạch mua 1 chiếc tivi, 2 bình ắc quy về dựng rạp mời người dân đến xem nâng cao đời sống tinh thần. Người dân ấp 6 mang ơn ông bà, gọi “vợ chồng Tư làm” là ân nhân, là người đã cứu sống họ.

Đi qua những năm tháng hào hùng của thời TNXP sôi nổi, giờ đây, ngồi lần giở những tấm Huân, Huy chương mà Đảng, Nhà nước trao tặng, hai cựu TNXP Bùi Thị Đầm và Lê Minh Công nở nụ cười mãn nguyện khi tuổi già được sống quây quần bên con cháu, xóm giềng, yêu thương, hạnh phúc ngập tràn.

(Cònnữa)

Cựu TNXP Bùi Thị Đầm và Lê Minh Công bên vườn cây ăn quả ông bà dày công xây dựng

Hưởng ứng phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội”, do T.Ư Hội Cựu TNXP phát động,hàng năm, vào mỗi dịp lễ tết, “vợ chồng Tư làm” tổ chức liên hoan, gặp mặt tặng quà cho cựu TNXP, người nghèo khó. Năm 2013, ông bà hiến 3 sào đất làm đường giao thông nông thôn.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/bat-soi-da-thanh-com-1688191.tpo